Các nước giàu có nhanh chóng chốt thỏa thuận về nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19

Các nước giàu có nhanh chóng chốt thỏa thuận về nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19

Các nước giàu có chưa gì đã chốt hơn 1 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 dù chưa biết những vắc-xin này có hiệu quả hay không. Điều này làm dấy lên nỗi lo rằng phần còn lại của thế giới sẽ phải “xếp hàng sau” những quốc gia giàu có trong nỗ lực đánh bại dịch bệnh.

Việc Mỹ và Anh thỏa thuận trước về nguồn cung vắc-xin từ Sanofi và đối tác GlaxoSmithKlin và thỏa thuận giữa Nhật Bản và Pfizer là những động thái mới nhất trong chuỗi các thỏa thuận về vắc-xin. Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết liệt tìm nguồn vắc-xin, ngay cả khi chưa biết vắc-xin có hiệu quả hay không.

Mặc dù các tập đoàn quốc tế và một số quốc gia hứa hẹn sẽ sản xuất ra vắc-xin với giá phải chăng và ai cũng có thể tiếp cận tới vắc-xin, nhưng nguồn cung vắc-xin có thể khó mà bắt kịp với nhu cầu trong thế giới gần 7.8 tỷ người. Khả năng những quốc gia giàu có hơn sẽ chi phối nguồn cung vắc-xin – một kịch bản đã xảy ra trong dịch cúm lợn năm 2009 – đã làm nảy sinh lo ngại ở các quốc gia nghèo.

Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cho tới nay đã đảm bảo 1.3 tỷ liều vắc-xin tiềm năng để ngừa Covid-19, theo công ty phân tích Airfinity ở London. Các phương án mua bổ sung hoặc các thỏa thuận đang chờ xử lý sẽ giúp con số này tăng thêm 1.5 tỷ liều vắc-xin, dữ liệu cho thấy.

“Thậm chí nếu bạn có đánh giá tích cực về bước tiến trong việc phát triển vắc-xin, thì nguồn cung vẫn không có đủ cho cả thế giới”, theo Rasmus Bech Hansen, Giám đốc điều hành tại Airfinity. Cũng nên nhớ rằng hầu hết các loại vắc-xin này đều cần phải tiêm tới 2 liều để phát huy hiệu quả, ông cho biết.

Một số tổ chức dẫn đầu, như Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca Plc và liên minh Pfizer-BioNTech, đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, từ đó làm dấy lên hy vọng rằng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ sớm được ra mắt. Thế nhưng, các nhà phát triển vẫn phải vượt qua nhiều rào cản: Chứng minh vắc-xin của họ hiệu quả, được phê duyệt và sau đó đẩy mạnh sản xuất. Nguồn cung trên thế giới có thể không tớ 1 tỷ liều cho tới quý 1/2020, Airfinity dự báo.

Đầu tư vào năng lực sản xuất trên khắp thế giới được xem là một trong những chìa khóa để giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện tại. Các công ty dược đang bắt đầu vẽ ra kế hoạch triển khai tiêm ngừa rộng rãi. Sanofi và Glaxo dự định cung cấp một phần đáng kể công suất trong năm 2021 và 2022 cho một sáng kiến toàn cầu, trong đó tập trung vào đẩy nhanh quá trình phát triển, sản xuất và phân phối vắc-xin một cách công bằng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Vì Đổi mới về chuẩn bị bệnh dịch (CEPI), và Gavi đang phối hợp để giúp việc tiếp cận với vắc-xin trở nên công bằng hơn. Họ đã vẽ ra một kế hoạch 18 tỷ USD để phân bổ và đảm bảo 2 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm 2021.

Sáng kiến trên có tên là Covax và được lập ra với mục tiêu mang lại cho các chính phủ cơ hội để phòng ngừa cho rủi ro vắc-xin không phòng ngừa Covid-19 thành công và cho các quốc gia với tiềm lực tài chính hạn chế khả năng tiếp cận tới vắc-xin.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI