Câu chuyện về tín chỉ carbon: Góc nhìn từ đơn vị trung hòa phát thải từ bản chất

Đối với ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Đông Dương (HNX: DDG), tín chỉ carbon cũng giống như nhiều chứng chỉ khác, tất cả đều hướng tới mục tiêu giảm phát thải, trung hòa carbon, tiến tới mục tiêu Net Zero trên toàn cầu.

Giảm phát thải là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, câu chuyện này nóng lên kể từ khi Chính phủ cam kết mục tiêu “Net Zero” hay “trung hòa carbon” vào năm 2050, đồng thời đặt ra lộ trình thử nghiệm thị trường giao dịch vào năm 2025, chính thức vận hành vào 2027.

Cụm từ “tín chỉ carbon” xuất hiện liên tục trên truyền thông nhiều năm qua. Thậm chí, nó có thể xem như một mặt hàng tiềm năng, khi Tesla có lãi đậm năm 2020 không phải do bán xe điện mà nhờ bán tín chỉ, hay gần đây Việt Nam công bố ngành lâm nghiệp bán thành công 10.3 triệu tín chỉ thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), thu về khoảng 1.2 ngàn tỷ đồng.

Tín chỉ carbon ra đời chưa quá lâu, nên sự hiểu biết về khái niệm này công chúng đôi lúc còn mơ hồ. Người viết gần đây đã có dịp trò chuyện cùng ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (HNX: DDG). Vị doanh nhân quê Quảng Ngãi, xuất thân từ dân kỹ thuật, là tiến sĩ kỹ thuật nhiệt điện, từng là nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Dresen, Đức và hiện đang là giảng viên Trường đại học Bách Khoa TP.HCM. Ông đã chia sẻ những góc nhìn thực tế, sâu sắc nhưng dễ hiểu về tín chỉ carbon, cách vận hành của thị trường tín chỉ, cũng như mục tiêu sau cùng của vấn đề này.

Tín chỉ carbon (carbon credit - hay CC) được hiểu đơn giản là 1 tấn khí CO2 (hoặc khí nhà kính khác như CH4, NO2… quy đổi thành đơn vị CO2) được chứng nhận có thể giao dịch thương mại. Nó thể hiện “quyền” được phát thải CO2 của một đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và phải được một tổ chức uy tín, hợp pháp xác nhận.

“Lấy ví dụ, một công ty trong lĩnh vực có phát thải CO2, như nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu hoá thạch. Trong bối cảnh hiện tại và sắp tới, lượng phát thải đó phải được chứng nhận” - trích lời ông Quang.

“Cần biết, tín chỉ carbon là ‘quyền’ thải CO2 ra môi trường” - ông Quang nhấn mạnh. Nói cách khác, tín chỉ carbon về bản chất chỉ là một loại. Thứ khác biệt giữa các tín chỉ là nguồn phát thải. Do vậy, thế giới có thêm khái niệm “chứng chỉ carbon” (carbon certificate), là các chứng chỉ về việc giảm hoặc hấp thụ phát thải khí nhà kính, được chứng nhận bởi các tổ chức có thẩm quyền.

Các chứng chỉ này sẽ cho ra tín chỉ khác nhau (bản chất vẫn là 1 tấn CO2). Chẳng hạn như tín chỉ carbon theo CDM (cơ chế phát triển sạch - Clean Development Mechanism), tín chỉ qua I-REC (chứng chỉ năng lượng tái tạo) hoặc chứng chỉ carbon tích trữ…

Cũng theo ông Quang, trên thế giới có một số loại chứng chỉ xanh khác, như chứng chỉ carbon (ISO 14064-1), chứng chỉ tiết kiệm năng lượng, chứng chỉ giao thông thông minh, chuyển đổi xe điện, chứng chỉ thu giữ carbon từ sản xuất có phát thải, chứng chỉ tòa nhà xanh, chứng chỉ trong nông nghiệp...  Dù nguồn phát thải khác nhau, tất cả đều “hướng đến giảm phát thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính, giảm biến đổi khí hậu để tiến tới mục tiêu Net Zero” - trích lời Chủ tịch DDG.

Về cơ bản, một doanh nghiệp có thể thu được tín chỉ carbon trong trường hợp kiểm soát được lượng khí nhà kính thải thấp hơn hạn ngạch hoặc khi đã trung hòa. Ông Quang cho biết , một nhà máy thay vì dùng nhiên liệu hóa thạch có thể chuyển sang dùng nhiên liệu gốc thực vật, sinh khối. Đây là các nhiên liệu khi đốt cũng thải ra CO2, nhưng đã trung hòa carbon.

Một giải pháp khác là trồng rừng để giảm lượng CO2. “Người ta sẽ lập ra dự án thu hồi CO2 bằng việc trồng cây. Diện tích trồng được sẽ có tổ chức đến kiểm tra, xác nhận, đo lường thu hồi được bao nhiêu CO2 và sẽ được cấp tín chỉ carbon của việc trồng rừng, và tín chỉ này bán được” - ông Quang chia sẻ.

Về việc trồng rừng, ông Quang đánh giá là bền vững hơn, giá trị đầu tư thấp hơn so với máy móc thiết bị, nhưng nhược điểm là cần diện tích rất lớn, lên tới hàng chục ngàn héc-ta; do vậy, sẽ có nhiều thủ tục liên quan đến chỉ đạo và cấp phép dự án từ Chính phủ. “Chỉ các nước và khu vực có nhiều đất đai mới làm được phương án này” - ông Quang cho biết.

Một số nước có giải pháp là than hóa CO2 rồi chôn dưới đất hoặc thu lại CO2 rồi nén, ép, đẩy xuống biển sâu. Các nhà máy nhiệt điện có thể đốt lẫn nhiên liệu sinh khối hay chuyển sang nhiên liệu xanh như hydro hoặc amoniac xanh.

Nhìn chung, để có được tín chỉ carbon, phải làm sao chứng minh được đã giảm được phát thải CO2 ra môi trường so với hạn ngạch. Tín chỉ carbon sẽ được cấp dựa trên lượng CO2 các doanh nghiệp có thể “tiết kiệm” được.

Với mục tiêu giảm thải CO2, các quốc gia, liên minh chính phủ cũng áp những quy định bắt buộc về phát thải, từ đó hình thành các thị trường tín chỉ carbon. Ông Quang cho biết, hiện tại thế giới phân ra 2 thị trường, là thị trường “bắt buộc” và “tự nguyện”.

Bắt buộc là khi các quốc gia, tổ chức hoặc doanh nghiệp phải cam kết tuân thủ cơ chế, nghị định chống biến đổi khí hậu như Nghị định Kyoto, COP24, COP26… Qua đó, hình thành thị trường bắt buộc.

“Trong thị trường bắt buộc, các nước phải kiểm kê, giảm lượng khí nhà kính. Quốc gia phải cam kết phát thải CO2 ở mức như thế nào, rồi phân bổ xuống cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào nhiều hơn phải tìm cách cắt giảm xuống hoặc mua tín chỉ bù vào từ các đơn vị đã giảm phát thải và được cấp tín chỉ” - trích lời ông Quang.

Giả dụ một công ty phát thải vượt hạn ngạch (phát thải ròng dương) phải chọn mua tín chỉ, cơ bản sẽ làm tăng chi phí và giảm lợi thế cạnh tranh khi phải đối mặt với những doanh nghiệp đã hoạt động xanh bài bản. Do vậy, để phát triển bền vững, doanh nghiệp buộc phải tìm cách giảm thải, phục vụ mục tiêu chung là trung hòa carbon.

Mặt khác, có những doanh nghiệp không nhất thiết phải tham gia thị trường bắt buộc, bởi họ vốn đã có thể trung hòa carbon. Những doanh nghiệp này sẽ tham gia thị trường tự nguyện nếu có dư lượng CO2 được quyền phát thải (hay phát thải ròng âm).

Trên thị trường giao dịch, bên mua là các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 dương, có thể là doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc... Bên bán là mọi tổ chức có tổng mức phát thải ròng CO2 âm, có thể là đơn vị thực hiện các dự án trồng rừng, doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo, công ty sản xuất xe điện...

Ngoài ra còn có công ty trung gian. Đó là đơn vị kết nối giữa bên mua và bên bán, làm các thủ tục chứng nhận để mua bán và hưởng hoa hồng. Họ cũng có thể trực tiếp mua của công ty có nhu cầu bán rồi bán cho bên có nhu cầu mua và hưởng chênh lệch.

Sự khác biệt ở 2 thị trường này cơ bản nằm ở mức giá. Trên thị trường bắt buộc, mỗi tín chỉ có mức giá khá cao, có thể lên tới 40 USD/tín chỉ hoặc hơn, phụ thuộc vào thời điểm. Trong khi đó, ở thị trường tự nguyện, giá bán chỉ rơi vào khoảng 5 USD/tín chỉ.

Ông Quang lý giải sự chênh lệch này: “Ở thị trường tự nguyện, người ta có thể trồng rừng để giảm bớt CO2, dẫn đến chi phí và giá bán không quá cao. Thứ hai, doanh nghiệp không chỉ bán cho người cần mà có thể  bán qua bên trung gian, như WB, tổ chức chính phủ… Trung gian họ sẽ mua giá rẻ và bán cao hơn, thu chênh lệch”.

“Những doanh nghiệp tạo ra được tín chỉ tự nguyện cảm thấy bán giá như vậy là phù hợp. Bên mua bắt buộc phải tốn nhiều tiền hơn. Hoặc họ phải bỏ tiền ra đầu tư giảm thải hoặc phải bỏ số tiền lớn để mua tín chỉ” - ông Quang chia sẻ.

Chủ tịch DDG nhận định, Việt Nam hiện chưa phải đơn vị bắt buộc tham gia thị trường. Tuy nhiên, với các cơ chế được ban hành trên thế giới như CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) của EU, sẽ được thực hiện đầy đủ vào năm 2026, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu là vẫn có.

“Hiện có 4 ngành hàng xuất khẩu đáng kể vào EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón. Ảnh hưởng của CBAM làm giảm 4% giá trị và 0.8% sản lượng thép; giảm 4% giá trị và 0.4% sản lượng nhôm, còn xi măng và phân bón là không đáng kể. Việc này làm tăng áp lực lên sản xuất của doanh nghiệp”, theo ông Quang.

Do vậy, dù chưa bắt buộc, câu chuyện giảm thải tại Việt Nam đã và đang được thực hiện. Điều này thể hiện qua các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, sinh khối, điện rác...) tại khu vực miền Trung hay Đồng bằng Sông Cửu Long; các dự án nông nghiệp xanh (giảm phân, thuốc trừ sâu, nước, áp dụng công nghệ tăng hiệu suất, giảm thải) như đề án phát triển bền vững tại Đồng bằng Sông Cửu Long; các dự án thay thế xe xăng, dầu bằng xe điện; công nghệ tăng hiệu suất thiết bị điện để giảm tiêu thụ, qua đó giảm mức nhiên liệu tạo ra điện và tiến tới giảm CO2.

Nổi bật gần đây là dự án trồng rừng tại khu vực Bắc Trung bộ. Năm 2023, lĩnh vực này đã bán thành công 10.3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 51.5 triệu USD từ WB (tương đương giá 5 USD/tín chỉ).

Như đã nêu, có những doanh nghiệp không cần phải tham gia thị trường carbon bắt buộc. DDG của Chủ tịch Nguyễn Thanh Quang là doanh nghiệp như thế. Hoạt động chính trong mảng cấp hơi và nhiệt điện, các lĩnh vực và dự án của DDG liên quan đến xử lý rác, điện rác, cấp hơi… Tất cả đều trung hòa về phát thải CO2.

“Đông Dương không có hạn ngạch về phát thải carbon, nên không tham gia thị trường bắt buộc. Về tính đặc thù, chúng tôi cung cấp giải pháp giảm thải cho các doanh nghiệp khác. Từ đây, có thể nhận được tín chỉ carbon và tín chỉ qua thị trường tự nguyện” - theo ông Quang.

Lấy ví dụ như nhà máy sấy hèm bia tại Bà Rịa - Vũng Tàu của DDG mà người viết có dịp ghé thăm. Nhà máy trung hòa carbon khi sử dụng chất đốt bằng nhiên liệu sinh khối (gỗ vụn, mùn cưa, trấu, vỏ điều…), được coi như nhiên liệu tái sinh. Khi đốt, dù sinh ra CO2, nhưng là trung hòa phát thải.

Hình ảnh cột khói màu trắng từ nhà máy sấy hèm, Phó Giám đốc nhà máy ở đây cho hay, màu khói trắng là đảm bảo được phát thải theo tiêu chuẩn, chỉ cần cột khói có màu khác thôi là nhà máy sẽ bị các đoàn kiểm tra đến làm việc ngay lập tức.

“Trước kia, bên đối tác phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu DO, đốt lên lấy hơi cho quá trình sản xuất bia. Nhà máy của DDG, một mặt dùng nhiên liệu sinh khối để cấp hơi, giảm được lượng carbon bình thường bên đối tác, mặt khác tận dụng nhiệt lượng sấy hèm. Hèm tươi vốn được dùng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng chỉ để được thời gian ngắn, bốc mùi rất khó chịu. Sau khi sấy, hèm để được lâu hơn, cung cấp cho chăn nuôi, mang lại doanh thu cho DDG” - Chủ tịch DDG cho biết.

Bên cạnh đó, nhà máy của DDG bổ sung dự án “Thu hồi và sản xuất khí CO2 hóa lỏng từ lò hơi”, khởi công từ năm 2020 và hiện đã đi vào vận hành. Hệ thống này có tác dụng thu hồi CO2 từ khói thải lò hơi sinh khối, gom lại và sử dụng trong công nghiệp (hàn cắt, thực phẩm, sản xuất đá khô…). Nhìn ở góc độ khác, khi tận dụng được CO2 sản sinh ra (từ nguồn đã trung hòa), cũng là tiết kiệm được CO2 vốn phải sản xuất để phục vụ cho các ngành khác, qua đó giảm được lượng CO2 phát thải ra môi trường.

Dự án hiện tại được thiết kế với công suất thu về 80 tấn CO2/ngày, đang chạy thử nghiệm gần 1 năm ở 1/3 công suất. Ông Quang cho hay, sẽ có thêm hệ thống tương tự như vậy trong thời gian sắp tới, nâng tổng công suất lên 160 tấn/ngày. Mới đây, có 2 quỹ đầu tư từ Nhật và Malaysia quan tâm đến dự án, dự tính khả năng huy động vốn từ 10 - 20 triệu USD.

Lãnh đạo DDG cho hay, hiện việc bán CO2  hóa lỏng đóng góp khoảng 10% vào doanh thu của DDG, nếu nâng công suất lên thì mức đóng góp có thể đạt 30%.

Chủ tịch DDG cũng không giấu tham vọng gia nhập thị trường tín chỉ carbon tự nguyện. Ông cho biết, không chỉ nhà máy sấy hèm, DDG còn có các dự án sản xuất điện từ phế thải hoặc làm phương án kết hợp với những doanh nghiệp có phát thải CO2 lớn để giảm lượng thải ra. Tất cả đều có khả năng thu được tín chỉ carbon.

“DDG hướng đến các tín chỉ theo cơ chế như CDM - thay đổi nhiên liệu, I-REC - thông qua các nhà máy điện quy mô nhỏ sử dụng rác thải hoặc biomass, và tín chỉ carbon tích trữ. Trên thị trường này, nhóm khách hàng tiềm năng đối với DDG là ngành thép, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng...”.

Tuy nhiên, ông Quang cũng cho rằng, vẫn còn rất nhiều điều phải chuẩn bị, cũng như còn khó khăn nếu muốn tham gia thị trường tự nguyện. “Sẽ phải tìm hiểu cơ chế, các phương thức để nhận được chứng chỉ carbon từ tổ chức uy tín trên thế giới, sau đó mới thực hiện thủ tục cấp tín chỉ. Nhìn chung là tốn kém, cả về thời gian và tiền bạc, và phải cần có đơn vị tư vấn”, ông cho biết.

Trải nghiệm của sinh viên tại DDG

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp của Trường đại học Tài chính - Marketing chia sẻ trong buổi đưa sinh viên tới tham quan nhà máy sấy hèm bia Heineken của DDG tại Bà Rịa - Vũng Tàu: “DDG là một trong những đơn vị, nhà máy sản xuất thuộc về xuất nhập khẩu, liên quan lớn và mật thiết đến các lĩnh vực, ngành nghề của nhà trường. Việc xuất nhập khẩu đồng nghĩa với việc DDG còn liên kết với các nước khác, do đó sinh viên tới đây sẽ học được nhiều điều và có cơ hội phát triển liên quan đến vị trí nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Công tác định hướng của nhà trường là sinh viên khi tốt nghiệp phải đáp ứng đầy đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ với từng ngành nghề. Tôi thấy tại tại DDG, đa phần nhà máy có sự tự động hóa rất cao. Số lượng nhân công phục vụ nhà máy, vì thế, không nhiều. Như vậy, các bạn sinh viên phải nhận ra sức cạnh tranh về nhân lực là rất lớn khi công nghệ vận hành, do đó đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Châu An

Thiết kế, Ảnh: TM

FILI

Tin cùng chuyên mục