Gã khổng lồ Alibaba rót tiền vào chuỗi cửa hàng Hasaki

Gã khổng lồ Alibaba rót tiền vào chuỗi cửa hàng Hasaki

Ông lớn thương mại điện tử Alibaba đã mua lại lượng cổ phần thiểu số ở chuỗi cửa hàng chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Hasaki. Thương vụ này được thực hiện thông qua công ty con Alibaba International Digital Commerce Group (AIDC), theo nguồn tin từ DealStreetAsia.

Hiện chuỗi cửa hàng Hasaki có sự hậu thuẫn từ công ty vốn cổ phần tư nhân (PE) Excelsior Capital Asia - một công ty đặt trụ sở ở Hồng Kông.

“Chúng tôi rất hoan nghênh Alibaba International tham gia với tư cách là nhà đầu tư tài chính. Bất chấp các điều kiện vĩ mô đầy thách thức, thương vụ này là minh chứng cho năng lực và mô hình kinh doanh của Hasaki”, ông Hiep Dinh, nhà sáng lập kiêm CEO Hasaki, cho biết trong tuyên bố chia sẻ với DealStreetAsia.

Koru Capital – công ty có trụ sở ở Tp.HCM – đóng vai trò cố vấn tài chính cho Hasaki.

Ra đời vào năm 2016, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe Hasaki hiện đang vận hành hơn 140 cửa hàng và phòng khám trên khắp Việt Nam. Bên cạnh mạng lưới cửa hàng, Hasaki còn có nền tảng bán lẻ trực tuyến, bao gồm website, ứng dụng điện thoại và một cửa hàng trên website thương mại điện tử.

Tính tới tháng 11/2023, cơ sở người dùng của Hasaki đã mở rộng ra 3.8 triệu thành viên, với gần 750,000 người mua sắm mỗi tháng. Hasaki đặt mục tiêu chiếm ít nhất 35% thị phần tại Việt Nam vào năm 2027. Lĩnh vực

Lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe là một trong những lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, với tổng quy mô thị trường lên đến 2.2 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 7%, Hasaki cho biết trong một tuyên bố.

Lĩnh vực này đang trong giai đoạn chuyển tiếp, với các nhà bán lẻ tổ chức thay thế các nhà bán lẻ cá nhân truyền thống và các cửa hàng quy mô nhỏ.

Cạnh tranh gay gắt

Hiện Hasaki cũng đang cạnh tranh với nhiều chuỗi khác. Chẳng hạn như chuỗi cửa hàng Beauty Box, với sự hậu thuẫn của quỹ Mekong Capital. Quỹ đầu tư này đã rót tiền vào chuỗi Beauty Box vào năm 2021.

Trong khi đó, công ty thương mại điện tử về sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Social Bella của Indonesia cũng bước chân vào Việt Nam cách đây 1 năm. Công ty này có sự hậu thuẫn của L Catterton.

Về AIDC, đây là công ty được thành lập trong quá trình cải tổ hoạt động của Tập đoàn Alibaba vào tháng 3/2023. Trong quá trình này, Alibaba đã tách thành 6 doanh nghiệp.

Trong đó, AIDC vận hành trang web Alibaba.com, cũng như mảng bán lẻ ở nước ngoài, bao gồm Lazada, AliExpress, Trendyol và Daraz.

Trong quý 3/2023, AIDC ghi nhận doanh thu 3.36 tỷ USD, tăng trưởng 53% so với cùng kỳ, Alibaba cho biết trong báo cáo tài chính gần nhất.

“Chúng tôi tin rằng các thị trường quốc tế đang sở hữu tiềm năng tăng trưởng khổng lồ trong vài năm tới. Chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư vào các thị trường khu vực có tiềm năng cao một cách có chọn lóc và tận dụng các cơ hội tăng trưởng cao nhất định”, Alibaba cho biết.

Ở Việt Nam, Alibaba cũng đầu tư vào The CrownX, nền tảng bán lẻ tích hợp của Tập đoàn Masan. Trong năm 2021, Alibaba và BPEA EQT dẫn dắt một nhóm nhà đầu tư để mua lại 5.5% cổ phần của The CrownX với giá 400 triệu USD.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)

FILI