Hãng nội thất Nhật Bản nhắm tới thị trường Việt Nam, muốn đối đầu với IKEA
Hãng nội thất Nhật Bản nhắm tới thị trường Việt Nam, muốn đối đầu với IKEA
Trong năm nay, hãng nội thất Nitori muốn mở 77 cửa hàng mới và muốn thâm nhập vào 6 thị trường mới ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tại trung tâm thương mại Central World ở Bangkok (Thái Lan) vào một cuối tuần của tháng 9/2023, khoảng 70 người xếp hàng dài trước cửa hàng mới của Nitori - cửa hàng đầu tiên tại Thái Lan. Có thời điểm khách hàng phải chờ tới tận 40 phút mới được vào.
Cửa hàng mới mở hồi cuối tháng 8/2023 này là một phần trong chiến lược mở rộng tại châu Á của Nitori. Nhà sáng lập Akio Nitori xem chiến lược này là cơ hội để duy trì chuỗi tăng trưởng doanh số đã kéo dài hơn 3 thập kỷ qua.
“Ai kiểm soát được châu Á sẽ kiểm soát thế giới”, tỷ phú Nitori chia sẻ. “Chúng tôi đã gửi gắm các nhân tài hàng đầu đi tìm nơi mở rộng cửa hàng”.
Trong năm tài chính này, Nitori lên kế hoạch mở thêm 77 cửa hàng, gấp đôi con số của năm trước. Hiện hãng nội thất này đã mở cửa hàng ở Trung Quốc, Đài Loan, đồng thời có ý định gia nhập 6 thị trường khác, bao gồm Việt Nam và Indonesia. Trong năm tài chính kế tiếp, họ muốn mở nhiều cửa hàng ở nước ngoài hơn là ở quê nhà Nhật Bản.
Đối đầu IKEA
“Đối thủ của chúng tôi là IKEA”, ông Nitori nhận định. Vị Chủ tịch Nitori cho rằng 5 năm tới sẽ giai đoạn quyết định.
Akio Nitori
|
IKEA - hãng nội thất lớn nhất thế giới - có thể còn quá lớn so với tầm vóc của Nitori. Các cửa hàng của IKEA ở Nhật Bản có diện tích trung bình lên đến 23,000 m2, trong khi cửa hàng chuẩn của Nitori chỉ 3,000 m2.
Nếu xét ở bên ngoài Nhật Bản, Nitori có lượng cửa hàng gấp đôi so với IKEA. Tuy nhiên, IKEA lại phân phối nội thất tới nhiều thị trương hơn: IKEA đang bán tới 10 thị trường, trong khi Nitori chỉ 6. Chưa kể, IKEA là thương hiệu lớn trên toàn cầu.
“Chúng tôi không thể đối đầu trực diện với IKEA”, Masanori Takeda, Tổng Giám đốc tại Nitori, chia sẻ. “Chúng tôi đang đáp ứng nhu cầu khách hàng bằng cách khỏa lấp khoảng trống mà IKEA để lại”.
Bất chấp sự khác biệt về quy mô, hai hãng nội thất này đang dần dần cạnh tranh trực diện hơn. Cả hai đều có cửa hàng ở cùng trung tâm thương mại ở các thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc) và Malaysia, trong khi IKEA đang mở các cửa hàng nhỏ hơn ở các thành phố lớn như Tokyo.
Nitori và IKEA cùng mở cửa hàng tại một trung tâm thương mại
|
Mỗi cửa hàng Nitori mang về doanh số 1.05 tỷ Yên (tương đương 7 triệu USD), gấp đôi so với cửa hàng Muji của Ryohin Keikaku và biên lợi nhuận ròng cũng lớn hơn khoảng 70%.
Đặt lên bàn cân với IKEA, biên lợi nhuận ròng của Nitori gấp 3.5 lần so với Ingka Holding (công ty mẹ IKEA), nhưng doanh số mỗi cửa hàng thì còn thua xa. Mỗi cửa hàng của Ingka Holding mang về khoảng 80 triệu Euro (tương đương 85 triệu USD).
Trọng tâm trong chiến lược mở rộng của Nitori nằm ở Trung Quốc. Hiện họ đã sở hữu 80 cửa hàng tại đất nước tỷ dân. Nitori đặt mục tiêu tăng gấp đôi mạng lưới ở nước ngoài lên 300 cửa hàng vào năm 2025, đồng thời nâng tỷ trọng doanh số bên ngoài Nhật Bản từ 3.8% lên 10%. Hiện các cửa hàng bên ngoài Nhật Bản mang về 30 tỷ Yên doanh số trong năm tài chính gần nhất.
“Sẽ không quá khi nói rằng Nitori không cạnh tranh với các công ty nội địa”, Sho Kawano, Chuyên gia tại Goldman Sachs chi nhánh Nhật Bản, chia sẻ. “Giá cả của Nitori khá phải chăng và sản phẩm cũng dễ dàng lắp ráp hơn IKEA. Nitori phù hợp với người tiêu dùng châu Á”.
Nỗ lực hướng ngoại của Nitori được triển khai khi tình hình kinh doanh ở xứ sở mặt trời mọc còn khá ảm đạm và việc đồng Yên rớt giá cũng ảnh hưởng mạnh tới kinh doanh ở Nhật Bản. Hiện Nitori đang điều hành 800 cửa hàng ở quê nhà.
Trong mùa thu năm ngoái, hãng nội thất Nhật Bản đã nâng giá với một số sản phẩm trong bối cảnh nhu cầu giảm mạnh trong thời đại dịch, chi phí logistics tăng mạnh và đồng Yên yếu ớt. Lượng người đến cửa hàng đã giảm 11 tháng liên tiếp.
Và hồi tháng 4/2023, Nitori quyết định hạ giá bán đối với 500 món hàng, bao gồm ghế sofa và bàn làm việc, nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện.
Về mô hình kinh doanh, Nitori sản xuất khoảng 90% sản phẩm ở nước ngoài (chủ yếu ở châu Á) và xuất trở lại Nhật Bản. Đây từng là một trong những điểm mạnh của Nitori ở xứ sở mặt trời mọc vì chi phí sản xuất sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, việc đồng Yên giảm giá so với USD đã “bào mòn” lợi nhuận hàng năm của Nitori. Theo ước tính, diễn biến tiêu cực của tỷ giá đã khiến lợi nhuận trước thuế giảm 38.1 tỷ Yên trong năm tài chính 2022.
Chiến lược chuyển hướng sang các thị trường châu Á không chỉ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, mà còn để khai thác nhu cầu nội thất ngày càng tăng ở các thị trường mới nổi. Việc sản xuất ở gần thị trường tiêu thụ giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển so với việc sản xuất ở nước khác rồi vận chuyển sang Nhật Bản.
Trong năm nay, Nitori đã rút khỏi thị trường Mỹ khi hàng rào thuế quan nhắm tới các sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc tác động tiêu cực tới lợi nhuận. “Chúng tôi sẽ chuyển những tài năng ở Mỹ sang các thị trường châu Á”, Tổng Giám đốc Nitori Toshiyuki Shirai chia sẻ.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)