TS.Vũ Tiến Lộc: Cần thúc đẩy các doanh nghiệp FDI ''cắm rễ sâu'' trong nền kinh tế Việt Nam

TS.Vũ Tiến Lộc: Cần thúc đẩy các doanh nghiệp FDI ''cắm rễ sâu'' trong nền kinh tế Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, TS.Vũ Tiến Lộc đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực nội sinh trong việc cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong chính các doanh nghiệp FDI. Do đó, thời gian tới, cần có chính sách thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam.

TS.Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS.Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong 30 năm qua, việc phát triển doanh nghiệp và nâng cao NSLĐ đã đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình, hiện tại chúng ta vẫn đang tập trung vào 2 yếu tố này chính là động lực tăng trưởng chính cho sự phát triển của nước ta. Nâng cấp doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động chính là mệnh lệnh cho việc đổi mới.

Hiện Việt Nam có 900 ngàn doanh nghiệp, có khoảng 5.2 triệu hộ kinh doanh, tức là có gần 6 triệu chủ thể kinh doanh. TS.Vũ Tiến Lộc cho rằng, số lượng doanh nghiệp không ít, tuy nhiên chất lượng doanh nghiệp của nước ta không cao, chưa đáp ứng yêu cầu, năng suất lao động đang tụt hậu và chưa đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới. 

TS.Vũ Tiến Lộc nhận thấy, kinh tế Việt Nam được dẫn dắt bởi 3 động lực tăng trưởng trong 30 năm qua, hiện nay 3 động lực tăng trưởng cần có sự phát triển đột phá để đạt được mục tiêu phát triển trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

TS.Vũ Tiến Lộc dự báo, việc phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ là hình chữ U và đáy rất dài, đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên chúng ta vẫn có cơ hội trong chuyển dịch các chuỗi cung ứng. 

Với lợi thế về địa chính trị và chính sách đối ngoại, chúng ta là nền kinh tế quy mô vừa, lợi thế doanh nghiệp vừa và nhỏ. TS.Vũ Tiến Lộc đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực nội sinh trong việc cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong chính các doanh nghiệp FDI. Do đó, thời gian tới, cần có chính sách thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực đối tác công tư trong các dự án phát triển  công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đối tác công tư, hoàn thiện Luật Phát triển công nghiêp trình Quốc hội trong thời gian tới; cần có Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, TS.Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là các dự án có tiềm năng lớn, đầu tư vào lĩnh vực này mở đường cho các dòng đầu tư mới vào Việt Nam, sẽ là mũi tên trúng được nhiều đích, kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam theo hướng đảm bảo chất lượng hơn.

Đối với khu vực tư nhân, TS.Vũ Tiến Lộc nhận thấy, cải cách thể chế trong khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, qua đó, khởi dây nguồn lực phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng số hóa, xanh hóa

Trình bày tham luận TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2023 đã mang lại một số kết quả tích cực. Trong đó, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm như hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước và đầu tư công đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng. Không gian kinh tế được mở rộng, tạo được động lực mới, liền mạch và bền vững hơn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS.Trần Thị Hồng Minh trình bày tham luận về “Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025

Việc ban hành và thực hiện các quy hoạch (quốc gia, ngành, vùng) gắn với hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng đã tạo điều kiện thúc đẩy dịch chuyển các nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương. Các loại thị trường tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn….

Theo TS.Trần Thị Hồng Minh, những kết quả trên có được là nhờ một số nguyên nhân quan trọng. Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội đã rất quan tâm, chỉ đạo, đồng hành cùng với Chính phủ. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng đã quyết liệt trong triển khai thực hiện trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối và các nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 31/2021/QH15. Bên cạnh đó, sau nhiều năm Chính phủ kiên trì thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế với sự đồng hành và giám sát của Quốc hội, có thể nói cơ cấu lại nền kinh tế đã dần đi vào nề nếp, trở thành một nét “rất riêng” ngay trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Phân tích bối cảnh, tình hình hiện nay, TS.Trần Thị Hồng Minh nêu rõ, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, có khát vọng phát triển với tầm nhìn 2045, và lại ở một khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động. Chính vì vậy, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu, song vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững.

TS.Trần Thị Hồng Minh cho rằng, điểm tích cực là đã có những nền tảng cho “đổi mới tư duy”. Tuy nhiên, hiện thực hóa những tư duy ấy đòi phải có đánh giá thấu đáo, toàn diện hơn về nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ, mà cần khai thác nguồn lực về thể chế.

Nhật Quang

FILI