Thị trường tiền ảo tuần qua: LUNA quay đầu giảm hơn 40%, Ethereum lao dốc 17%

Thị trường tiền ảo tuần qua: LUNA quay đầu giảm hơn 40%, Ethereum lao dốc 17%

Thị trường tiền ảo quay đầu giảm trở lại sau tuần tăng mạnh, với LUNA lao dốc hơn 40% sau thông tin nhà sáng lập Do Kwon bị bắt tạm giam.

Tính tới sáng ngày 17/09, Bitcoin dao động ở mức 19,900 USD, giảm gần 6.5% so với cuối tuần trước. Trong khi đó, Ethereum – đồng tiền ảo lớn thứ hai thế giới – giảm 17% sau đợt nâng cấp hệ thống.

Sắc đỏ cũng lan sang các đồng tiền ảo khác trong top 10, với BNB sụt 6%, Cardano lao dốc 8%, Solana sụt hơn 6% trong tuần qua.

Diễn biến của top 10 đồng tiền ảo

Trên thực tế, đà giảm của thị trường tiền ảo cũng cùng nhịp với thị trường chứng khoán toàn cầu. Mới đây, S&P 500 và Nasdaq Composite chứng kiến tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022, với mức giảm gần 5%.

Ethereum sụt mạnh sau sự kiện "The Merge"

Đồng tiền ảo lớn thứ 2 thế giới, Ethereum sụt giảm nghiêm trọng sau khi thành công hoàn thành một đợt nâng cấp lớn, có tên là "hợp nhất" (The Merge).

Nhận xét về điều này, ông Anto Paroian - Giám đốc điều hành của Quỹ đầu cơ ARK36 - cho biết: "Việc hợp nhất thực ra đã được phản ánh vào giá từ trước. Đồng Ethereum đã tăng hơn 100% kể từ tháng 6 năm nay, chính vì vậy, kể cả việc nâng cấp có thể tác động tích cực đến đồng Ethereum thì nó cũng sẽ là đà tăng không bền".

Tuy nhiên, ông Paroian cũng cho rằng giá giảm không phải là một vấn đề quá xấu và việc giá giảm cũng là điều nằm trong dự kiến của nhiều nhà đầu tư. "Chúng tôi đều dự kiến rằng giá Ethereum sẽ giảm trong vài ngày hoặc vài tuần tới, và một phần lý do đến từ triển vọng kinh tế vĩ mô tiêu cực", ông Paroian nói thêm.

Ông Jason Lau, Giám đốc điều hành tại Okcoin, cho biết: “Sự kiện nâng cấp ‘The Merge’ của Ethereum chỉ là bước đầu trong một chuỗi dài nâng cấp, đồng Ethereum sau này sẽ còn nhiều tiềm năng mở rộng hơn".

Đồng LUNA quay đầu lao dốc hơn 40%

Tuần qua, đồng LUNA quay đầu giảm mạnh sau thông tin nhà sáng lập Do Kwon bị ra lệnh bắt giữ. Theo TechCrunch, ngay sau khi tòa án tại Seoul ra lệnh bắt giữ Do Kwon, người sáng lập Terraform Labs, đồng LUNA rơi vào tình trạng mất giá thẳng đứng.

* Hàn Quốc phát lệnh bắt giữ Do Kwon

Trước thời điểm có thông tin về lệnh bắt Do Kwon, LUNA giữ ổn định trên 4 USD trong nhiều ngày, thậm chí có lúc tăng đến mốc 7 USD.

Trước đó, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin Tòa án quận Nam Seoul đã ra lệnh bắt giữ 6 người với tội danh vi phạm Đạo luật Thị trường Vốn, bao gồm Do Kwon. Lệnh bắt giữ được đưa ra sau 4 tháng kể từ sự kiện đồng stablecoin UST của Terraform Labs sụp đổ, thổi bay hệ sinh thái Terra trị giá 40 tỷ USD. Khủng hoảng này cũng là sự kiện châm ngòi, đẩy cả thị trường rơi vào mùa đông của tiền điện tử.

Khi đó, đồng LUNA đã rơi tự do từ mức trên 100 USD xuống xấp xỉ bằng 0. Hàng loạt sàn giao dịch lớn tạm ngừng niêm yết token này. Một thời gian sau, Terraform Labs ra mắt đồng LUNA mới, token LUNA cũng được giao dịch trở lại nhưng đổi tên thành LUNC.

Sự sụp đổ của UST đã gây ảnh hưởng lớn, khiến nhiều công ty tiền số trong ngành rơi vào cảnh khốn đốn, với các công ty như Celsius Network và Voyager Digital đã phải nộp đơn xin phá sản do giá trị của đồng tiền số mà các bên nắm giữ mất gần một nửa giá trị.

Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng đón nhận tiền ảo năm 2022

Bất chấp “mùa đông tiền ảo”, mức độ đón nhận tiền ảo trên toàn cầu giảm tốc yếu hơn dự báo, theo báo cáo chỉ số đón nhận tiền mã hoá thường niên mà Chainalysis công bố mới đây.

Chainalysis xếp hạng 154 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên một số chỉ số giao dịch chính như các sàn giao dịch tập trung, giao thức DeFi và khối lượng giao dịch ngang hàng. Theo Kim Grauer, giám đốc nghiên cứu của Chainalysis, mặc dù chỉ số năm nay không thể hiện thay đổi lớn so với năm 2021, nó vẫn thể hiện các cách khác nhau mà người dùng đang sử dụng tiền ảo.

“Khi chúng ta nói về mức độ đón nhận tiền ảo trên thế giới, chúng ta nên nghĩ đến các ứng dụng ở các khu vực khác nhau với các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng”, bà chia sẻ với Fortune.

Trong 2 năm liên tiếp, Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng của Chainalysis. Bà Grauer nói rằng mức độ phổ biến của tiền ảo ở các quốc gia Đông Nam Á phần lớn đến từ các trò chơi blockchain với mô hình chơi để kiếm tiền (play to earn).

Một ví dụ điển hình là trò chơi Axie Infinity của startup Việt Nam Sky Mavis. Mặc dù Axie Infinity trải qua một đợt đi xuống tồi tệ trong năm nay sau khi bị tấn công và lấy mất hơn 600 triệu USD, người dùng, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển, đang đổ xô đón nhận các trò chơi play to earn như một nguồn thu nhập. Ngay cả khi nhiều người chơi đang rời bỏ Axie Infinity, các trò chơi khác theo dạng này vẫn đang xuất hiện và nhiều nhà phát triển có trụ sở tại Đông Nam Á.

Vũ Hạo (Tổng hợp)

FILI