Thị trường đang rất rẻ, nhà đầu tư nên tham lam hơn cho góc nhìn dài hạn

Thị trường đang rất rẻ, nhà đầu tư nên tham lam hơn cho góc nhìn dài hạn

Tại Hội nghị nhà đầu tư thường niên - Invest ASEAN của Maybank ngày 08/06, ông Lê Chí Phúc - Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital) và TS. Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư – Kinh tế gia trưởng Dragon Capital đã có những chia sẻ về định giá của thị trường chứng khoán hiện nay cũng như triển vọng trong thời gian tới.

Ông Lê Chí Phúc và ông Lê Anh Tuấn tại Hội nghị nhà đầu tư thường niên - Invest ASEAN của Maybank

Định giá của thị trường đang rất rẻ

Ông Lê Chí Phúc cho biết 10 năm nay, P/E thị trường dao động từ 10-23 lần, đạt 23 lần là đỉnh 2018, còn 10 lần là 2012 khi có khủng hoảng liên quan ngân hàng, bất động sản, lãi suất tiền gửi ngân hàng giai đoạn đó khoảng 12-13%. Vào năm 2016, định giá P/E cũng dưới 12 lần, có khủng hoảng vào cuối năm liên quan đến việc Fed tăng lãi suất nên ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Lần thứ 3 là COVID, P/E thị trường về 11 lần, còn lần này P/E đang là 13 lần (giữa tháng 5 là 12.5 lần).

Từ dữ liệu quá khứ, ông Phúc cho rằng lịch sử đã chứng minh để P/E rẻ hơn thì phải cần một số điều kiện. Một là, lãi suất có xu hướng lên mạnh, mặt bằng lãi suất phải cao; hai là, triển vọng tăng trưởng phải rất tệ, rất nhiều rủi ro phía trước để mọi người phải bi quan thì mới có mức chiết khấu sâu với các tài sản rủi ro như cổ phiếu. Còn nếu không, định giá thị trường sẽ dao động từ 15-17 lần.

Ông Phúc chỉ ra về điều kiện lãi suất, mặt bằng lãi suất hiện không cao, dù lãi suất có đang nhích lên nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng lãi suất 2018-2019, thấp hơn nhiều năm 2012. Về tăng trưởng, trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, dù tăng trưởng của Việt Nam năm nay vẫn được nhiều bên dự báo là 6.5%, năm 2023 trên 6%, các doanh nghiệp niêm yết xuất sắc trên sàn vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 13%. So sánh 2 điều kiện này với lịch sử, ông Phúc đánh giá định giá thị trường hiện tại đang rẻ, thậm chí là rất rẻ.

Đồng quan điểm, ông Tuấn cho rằng định giá thị trường hiện đang hấp dẫn vì thứ nhất, lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng đâu đó 25%, so với quá khứ 10 năm qua tăng trưởng lợi nhuận chỉ ở mức 12.5% thôi. Thứ hai, chất lượng tài sản của doanh nghiệp hiện tốt hơn xưa rất nhiều.

Mặt khác, ông Tuấn vẫn có một số lo ngại như chu kỳ 10 năm 2012-2022 liên tục nới lỏng tiền tệ, lãi suất giảm từ 18% về 6%, đồng điệu với thế giới. “Vậy P/E đoạn này đúng hay sai? Có nên tham chiếu và sử dụng PE trong quá khứ để so sánh hay không”.

Thứ hai, vị chuyên gia cho rằng cần quan tâm lợi nhuận tăng 25% nhưng gốc gác tăng trưởng lợi nhuận từ đâu. Chẳng hạn, ngành khoáng sản, dầu khí,… lợi nhuận tăng đột biến, nên 25% này, nếu trong điều kiện bình thường có thể chỉ là 20% thôi.

Có nên đầu tư trong thời gian tới?

Trong bối cảnh thị trường có nhiều vấn đề tốt xấu đan xen, ông Phúc nhận định luôn có nhiều định dạng cơ hội. Trong giai đoạn này, Ngân hàng trung ương (NHTW) đang thắt chặt tiền tệ thì biến động theo chiều lên của thị trường sẽ có trở lực nhất định khi dòng tiền đang rút ra, nên các cơ hội trading ngắn hạn uptrend như 2020-2021 sẽ không diễn ra trong năm 2022.

Theo đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ phù hợp với dòng tiền đầu tư dài hạn hơn, mua các nhóm cổ phiếu rẻ, vì khá lâu rồi mới nhìn thấy cơ số những cổ phiếu lớn, đầu ngành, có định giá như hiện nay, là cơ hội cho dòng tiền các quỹ đầu tư. Một số nhóm thậm chí về mức lịch sử, dĩ nhiên không quá quan tâm biến động theo tuần, tháng, thường khi định giá về mức thấp trong lịch sử thường đi kèm triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp rất yếu, rủi ro ngành nghề còn nhiều; nhưng hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ kinh tế đi lên mạnh và khó khăn này của thị trường liên quan đến chấn chỉnh dòng tiền ngắn hạn trong thời gian qua cũng như chính sách thắt chặt của Fed và các NHTW khác trên thế giới cũng chỉ đang đánh giá tác động trong 6-12 tháng tới.

Khi rủi ro lạm phát lên mức đỉnh cao như bây giờ thì định giá của thị trường đang ở mức thấp, cơ hội đang ở trước mặt chúng ta.

Trong trường hợp NHTW thắt chặt lâu hơn thì chấp nhận thị trường sẽ có những đợt giảm kéo dài hơn, tuy nhiên, ông Phúc cho rằng thị trường Việt Nam không thể rẻ hơn như bây giờ. Ông Phúc chia sẻ nhà đầu tư nên tham lam hơn một chút cho góc nhìn dài hạn.

Về phía ông Tuấn, ông cho rằng thị trường Việt Nam là mỏ vàng trong 5 năm tới, vì thị trường đang có quá trình nâng hạng và điều này chắc chắn phải làm được. Khi đó, định giá P/E không thể là 12 lần được vì điều này là vô lý cho 1 nền kinh tế tăng trưởng.

Thứ hai, thị trường Việt Nam đang có chiết khấu trong khu vực vì thu nhập bình quân thấp nên lượng người tham gia thị trường tài chính cũng thấp hơn các nước khác. Tuy nhiên, hiện tại, nước ta đang giàu lên rất nhanh, ông Lê Anh Tuấn nhận định xu hướng tham gia thị trường chứng khoán trong 3 năm tới vẫn đang rất tốt.  Còn về chuyện chọn ngành hay lựa công ty nào, ông Tuấn cho biết nên lựa cổ phiếu trong rổ VN30.

Câu chuyện nâng hạng

Đồng ý với với ông Lê Anh Tuấn, ông Phúc cũng cho rằng sớm hay muộn, Việt Nam sẽ được nâng hạng vì nhu cầu từ cả hai phía là Việt Nam muốn nâng hạng, và thế giới cũng muốn tìm ra các cơ hội đầu tư tốt. Mặt khác, số quốc gia có cơ cấu có thể cung cấp cơ hội đầu tư tốt như Việt Nam hiện trên thế giới không nhiều.

Dòng tiền các quỹ đầu tư sẽ không chờ đến ngày nâng hạng chính thức, mà có thể thấy các cổ đông lớn có tên tuổi trên thế giới cũng đang xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam, họ chỉ đầu tư vào Emerging Market (EM) thì nay, họ đang đến Việt Nam, quá trình này đang diễn ra dần.

Chỉ 1-2 năm nữa, thị trường Việt Nam có thể vào watchlist của MSCI, hay vào chính thức level dưới của FTSE, sau đó vào dần các danh mục cao hơn.

Đồng thời, xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức cao nhất của thị trường đầu cơ, cao hơn nữa thì vào hạng mục có thể đầu tư. Bóc tách khoảng 40 thị trường EM thì chỉ có khoảng 4-5 thị trường đang ở hạng tương đương hoặc thấp hơn Việt Nam.

Với tốc độ điều hành và ổn định vĩ mô như hiện nay, cộng thêm cơ chế liên quan đến thị trường tài chính và kinh tế nói chung, nâng GDP tăng trưởng tốt lên thì Việt Nam sẽ được nâng hạng thị trường lên trên thị trường nợ. Cộng thêm FDI Việt Nam đang rất mở, là quốc gia gần như mở cửa nhất trên thế giới, thì việc nâng hạng thị trường EM là gần như chắc chắn xảy ra.

Với người đầu tư trên thị trường chứng khoán thì không thể bỏ lỡ, đây là cơ hội tương đương 15 năm trước mở cửa thị trường tài chính, bước vào thị trường frontier market, như năm 2006 đã kéo được 2 tỷ USD vào thị trường. Hiện, thị trường Việt Nam đang chuyển dần toàn diện vào thị trường EM là quá trình tương tự, có thể không bùng nổ quá nhanh, nhưng rộng mở cơ hội cho 3-5 năm tới. Những lo lắng trong ngắn hạn là cơ hội lựa chọn cổ phiếu rẻ cho dài hạn.

Hà Lễ

FILI