Hai hậu quả lớn về kinh tế mà Nga có thể hứng chịu

Hai hậu quả lớn về kinh tế mà Nga có thể hứng chịu

Chỉ hơn một tháng sau cuộc xung đột với Ukraine, Nga đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề, từ số thương vong cao cho quân đội đến sự tàn phá kinh tế trong nhiều năm tới.

Dưới đây là hai hậu quả trong số đó về mặt kinh tế.

Tàn phá kinh tế

Cộng đồng quốc tế bị cho là chậm chạp và kém hiệu quả khi Nga và Ukraine xung đột về vấn đề Crimea hồi năm 2014. Lần này, với việc các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp và cá nhân chủ chốt của Nga, nền kinh tế xứ sở Bạch Dương được dự báo sẽ rơi vào suy thoái sâu trong năm nay.

Viện Tài chính Quốc tế dự đoán nền kinh tế Nga sẽ giảm tới 15% trong năm 2022 vì cuộc xung đột này. Họ cũng dự đoán mức giảm 3% vào năm 2023 và cảnh báo trong một ghi chú vào tuần trước rằng chiến tranh “sẽ xóa sạch thành quả 15 năm tăng trưởng kinh tế” của Nga.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại TS Lombard dự đoán công dân Nga sẽ phải hứng chịu “tác động nghiêm trọng” đối với mức sống do sự kết hợp của suy thoái và lạm phát cao. Tỷ lệ lạm phát hàng năm được cho là ​​sẽ ở mức 14.5% vào cuối tuần thứ ba của tháng 3, “với biên độ vào cuối năm có thể lên đến 30-35%”, hai chuyên gia Christopher Granville và Madina Khrustaleva viết trong một ghi chú hôm thứ Hai.

Các chuyên gia nói thêm, điều này có thể gây ra những hậu quả quan trọng từ trung đến dài hạn. Tuy nhiên, họ lưu ý có một cách để Nga giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế, đó là tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Các đồng minh sản xuất dầu của Nga trong OPEC hiện cũng đứng về phía Nga.

Châu Âu đang giảm năng lượng của Nga

Xung đột Nga - Ukraine cũng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của châu Âu để khỏi phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, gây ra sự sụt giảm lớn về doanh thu mà Nga nhận được từ việc xuất khẩu mặt hàng này.

Hậu quả là đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD - được thiết kế để đưa thêm khí đốt của Nga đến châu Âu (mà Mỹ, Ba Lan và Ukraine cảnh báo sẽ làm gia tăng tình trạng mất an ninh năng lượng của khu vực này) - có thể bị bỏ không mãi mãi.

Liên minh châu Âu (EU), nơi nhập khẩu khoảng 45% khí đốt từ Nga trong năm 2021, đã cam kết giảm 2/3 lượng mua khí đốt của Nga trước cuối năm nay và Ủy ban châu Âu muốn ngừng mua nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030. Trong khi đó, Mỹ đang tìm cách can thiệp bằng cách cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của họ cho khu vực này. Tuy vậy, quá trình chuyển đổi vẫn còn phức tạp.

Chúng tôi biết rằng châu Âu đã cho phép mình trở nên quá phụ thuộc vào Nga về năng lượng, đặc biệt là Đức, nhưng cần có thời gian để thay đổi các nguồn năng lượng, vì đó không phải vấn đề mà bạn có thể giải quyết chỉ sau một đêm”, Fred Kempe, chủ tịch và CEO của Atlantic Council, nói với CNBC.

Chuyển đổi năng lượng là một quá trình và trong thời gian đó, bạn phải cần đến dầu và khí đốt”, ông nói thêm.

Nhã Thanh (Theo CNBC)

FILI