Bitcoin rớt ngưỡng 40,000 USD

Bitcoin rớt ngưỡng 40,000 USD

Giá Bitcoin bất ngờ lao dốc và rớt ngưỡng 40,000 USD trong ngày 21/01.

Chỉ trong vài giờ, giá Bitcoin lao dốc từ mức hơn 43,000 USD xuống dưới 40,000 USD. Tính tới lúc 9h ngày 21/01 (giờ Việt Nam), giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất dao động quanh mức 39,910 USD.

Sắc đỏ lan rộng khắp thị trường tiền ảo. Đồng Ethereum sụt gần 6% xuống 2,920 USD, Binance Coin sụt gần 8%, Solana lao dốc 9%.

Nguồn: CoinMarketCap

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân cho đà giảm lần này của Bitcoin và thị trường tiền ảo. Trước đó, thị trường tiền ảo đón một thông tin tiêu cực từ phía Nga – quốc gia đào Bitcoin lớn thứ 3 trên thế giới.

Ngày 20/01, NHTW Nga đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền điện tử trên lãnh thổ nước này. Lý do được đưa ra là các đồng tiền ảo đe dọa đến sự ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền chính sách tiền tệ của nước này.

Trước đó, giới chức Nga đã nhiều lần tranh cãi về việc cấm tiền điện tử trong nhiều năm, vì một số chuyên gia cho rằng chúng có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố. Cuối cùng vào năm 2020, Nga đã coi tiền điện tử là hợp pháp nhưng không cho phép sử dụng đồng tiền này làm phương tiện thanh toán.

Trong một báo cáo ngày 20/01, NHTW Nga cho biết nhu cầu đầu cơ khiến tiền điện tử tăng trưởng nhanh chóng và chúng mang các đặc điểm của âm mưu lừa đảo. Đồng thời cảnh báo bong bóng tiền điện tử sẽ hình thành trên thị trường, đe dọa sự ổn định tài chính và người dân quốc gia này.

Ngân hàng này đề xuất ngăn chặn các tổ chức tài chính thực hiện bất kỳ hoạt động nào đối với tiền điện tử. Cơ quan này cũng cho biết cần phát triển các cơ chế để chặn các giao dịch mua hoặc bán tiền điện tử đổi lấy tiền pháp định. Lệnh cấm được đề xuất bao gồm cả các sàn giao dịch tiền điện tử.

Theo dữ liệu từ NHTWNga, Nga là quốc gia có khối lượng giao dịch hàng năm khoảng 5 tỷ USD và cũng là quốc gia lớn thứ ba thế giới trong lĩnh vực khai thác Bitcoin, sau Mỹ và Kazakhstan.

Ngoài ra, ngân hàng này cho biết việc khai thác tiền điện tử cũng dẫn tới các vấn đề về tiêu thụ năng lượng. Theo đó, quá trình khai thác Bitcoin và các loại tiền điện tử khác tiêu tốn điện năng và thường chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

"Do đó, giải pháp tốt nhất là đưa ra lệnh cấm khai thác tiền điện tử ở Nga,"  Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất.

 

Gần đây, tiền ảo này cùng nhiều tiền mã hóa khác sụt giảm mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố sẽ loại bỏ các biện pháp kích thích nền kinh tế, đồng thời tăng lãi suất vào đầu năm nay để chống lạm phát.

Thị trường tiền ảo giảm sâu trong bối cảnh đồng USD tăng giá khi lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ chốt ở mức cao trong tuần này.

Bitcoin cũng chịu ảnh hưởng sau khi Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan lệnh cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của nước này cắt dịch vụ internet, khiến cho những người khai thác tiền mã hóa ở Kazakhstan không thể “đào” tiền thuật toán. Theo đánh giá, Kazakhstan là trung tâm khai thác Bitcoin lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Những thông tin này đã kích hoạt một đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán trên toàn cầu và tràn sang thị trường tiền ảo, khiến Bitcoin trải qua một khởi đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ năm 2012. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bitcoin đã mất trên 10% giá trị.

 

Vũ Hạo (CNBC)

FILI