Chuyển động cổ phiếu ngân hàng tháng 11

Chuyển động cổ phiếu ngân hàng tháng 11

Mặc dù vẫn là lực cản khiến thị trường giảm điểm vào cuối tháng 11, nhưng về tổng thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục đáng kể khi giá và thanh khoản đều tăng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ tăng mạnh 4 phiên gần cuối tháng 11 và nhờ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn hóa, cổ phiếu ngân hàng nhanh chóng đưa VN-Index vượt thành công mốc 1,500 điểm ngay trong sáng ngày 25/11/2021.

Tuy nhiên, cũng chính nhóm ngân hàng đã kéo thị trường đánh mất mốc 1,500 điểm vào phiên cuối cùng của tháng 11.

Theo đó, kết thúc phiên 30/11/2021, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1,478.44 điểm, mặc dù tăng thêm 34 điểm, tương đương tăng 2% so với cuối tháng 10, nhưng đã giảm 22 điểm so với đỉnh lịch sử đạt được ở phiên 25/11. Trong khi đó, dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 30/11 tăng 25.24 điểm, tương đương tăng 4.2% so với cuối phiên 29/10, đạt 623 điểm.

Vốn hóa nâng cấp thêm hơn 74,400 tỷ đồng

Trong tháng 11, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng tăng 74,413 tỷ đồng, lên gần 1.84 triệu tỷ đồng (tính đến phiên 30/11/2021), tỷ lệ tăng 3% so với mức 1.76 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 10.

Nguồn: VietstockFinance

Ở nhóm ngân hàng “gốc” Nhà nước, vốn hóa BIDV (BID) và VietinBank (CTG) cùng tăng 7%, trong khi Vietcombank (VCB) chỉ tăng 1%.

Bên cạnh đó, hầu hết các mã khối ngân hàng cổ phần tư nhân đều có vốn hóa tăng. Trong đó, vốn hóa của PGB tăng mạnh nhất trong tháng 11, với mức tăng 56% so với cuối tháng 10.

Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng tuy không duy trì được phong độ lâu dài trong tháng 11, nhưng cũng đã có nhiều khởi sắc trong 2 tháng qua.

Nguồn: VietstockFinance

Theo nhận định của ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô MBS, về tổng thể, bản thân thị trường chung hiện nay đang rất tốt, dòng tiền trên thị trường cũng rất dồi dào.

Trong tháng 10, thanh khoản thị trường dưới 30,000 tỷ đồng/phiên, giao dịch sàn HOSE. Bây giờ khoảng 35,000 – 40,000 tỷ đồng/phiên. Điều này cho thấy dòng tiền của thị trường rất tốt. Có nhiều nhà đầu tư đang mong muốn  tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường.

Với dòng tiền lớn như vậy, nhà đầu tư chỉ có thể lựa chọn những dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, với khối lượng thanh khoản cao. Đó là một trong những lý do khiến cho cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn dòng tiền đầu tư ngắn hạn trong thời gian vừa qua.

Thứ hai, về các yếu tố cơ bản của ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị nới room tín dụng cho một số ngân hàng. Điều này có thể giúp ngân hàng tận dụng cơ hội kinh doanh trong thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sắp đến khi nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao.

Hai yếu tố này hỗ trợ cho nhóm ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua.

“Nhìn chung, cổ phiếu ngân hàng và các nhóm ngành khác đều có xu hướng đi lên tốt trong năm nay. Dòng tiền luân chuyển từ nhóm này sang nhóm khác. Trong thời gian qua, có thể thấy dòng tiền rút khỏi cổ phiếu ngành thép và bất động sản để luân chuyển qua nhóm ngân hàng, chứng khoán”, ông Tuấn nói thêm.

Về tổng thể, xu hướng dài hạn khó có thể dự đoán, yếu tố dòng tiền vẫn mang tính quyết định đến xu hướng đi lên của cổ phiếu ngân hàng.

Còn về cơ bản, không có quá nhiều động lực. Sau giai đoạn tăng nóng tháng 6-7, cổ phiếu ngân hàng có nhịp điều chỉnh rất sâu vào giai đoạn tháng 8-9, liên quan đến khó khăn của ngân hàng trong thời gian tới như nợ xấu tiềm ẩn, áp lực lãi suất huy động... Thêm nữa, các ngân hàng phải tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay một số đối tượng để hỗ trợ nền kinh tế.

Thanh khoản “ồ ạt”

Trong tháng 11, có hơn 200 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, tăng 54% so với tháng 10. Theo đó, giá trị giao dịch tăng 53%, đạt hơn 6,527 tỷ đồng/ngày. 

Nguồn: VietstockFinance

Đa phần thanh khoản cổ phiếu của các ngân hàng đều tăng mạnh so với tháng 10. Trong đó, mặc dù khối lượng giao dịch ở mức thấp thứ hai sau Bac A Bank (BAB), nhưng VBB (gấp 5.2 lần) là nhà băng có thanh khoản tăng mạnh nhất, lên 195,130 cp/ngày.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu có thanh khoản tăng bằng lần bao gồm VIB (gấp 3.3 lần), LPB (gấp 3.0 lần), SGB (gấp 4.1 lần).

Đáng chú ý, cổ phiếu NVB (-50%), KLB (-78%) là những nhà băng có thanh khoản giảm mạnh trong tháng qua.

Tháng 11 này, thanh khoản cổ phiếu STB vươn lên dẫn đầu, với khối lượng khớp lệnh bình quân mỗi ngày gần 24 triệu cp, tăng 85% so tháng 10.

Trong khi đó, VAB không còn là ngân hàng có thanh khoản thấp nhất nhóm ngân hàng mà thay vào đó là BAB với thanh khoản chỉ ở mức 139,209 cp được giao dịch mỗi ngày, giá trị giao dịch chỉ hơn 3 tỷ đồng/ngày.

Nguồn: VietstockFinance

Khối ngoại mua ròng nhỏ giọt

Trong tháng 11, khối ngoại đã bán ròng hơn 5 triệu cp ngân hàng, chấm dứt chuỗi 4 tháng liên tiếp mua ròng . Tuy nhiên, giá trị lại mua ròng đạt gần 7 tỷ đồng. 

Nguồn: VietstockFinance

Đáng chú ý, CTG là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với gần 35 triệu cp, giá trị mua ròng tương đương 1,142 tỷ đồng, trong khi tháng trước cổ phiếu này bị bán ròng hơn 5 triệu cp, giá trị bán ròng gần 141 triệu đồng.

Ngược lại, VPB là mã cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với gần 53 triệu cp, gấp 25 lần so với tháng trước. Theo đó, giá trị bán ròng tương đương 1,848 tỷ đồng, gấp 24 lần.

Bên cạnh đó, TPB, HDB, EIB, SHB, MBB, NVB, VIB, BAB, VBB, ACB là những nhà băng còn lại có khối ngoại bán ròng.

Khang Di

FILI