Ấn Độ sẽ cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong năm 2022

Ấn Độ sẽ cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong năm 2022

Một trong những nỗ lực của Ấn Độ nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm là sẽ cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái này chỉ mới là bước khởi đầu của việc hạn chế tác động tới môi trường.

Lệnh cấm trên được Chính phủ Ấn Độ ban hành trong tháng 8 năm nay, nối tiếp Nghị quyết năm 2019 về giải quyết tình trạng ô nhiễm từ rác thải nhựa. Lệnh cấm sử dụng tất cả sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2022.

Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, việc thực thi chính là chìa khóa để lệnh cấm trên phát huy hiệu quả. Họ cũng cho rằng, quốc gia gần 1.4 tỷ dân này còn cần giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống quan trọng như áp dụng các chính sách về sử dụng sản phẩm thay thế nhựa, phát triển hoạt động tái chế và có cơ chế quản lý việc phân loại rác thải tốt hơn.

Đồ nhựa dùng một lần trong quy định mới ban hành của Ấn Độ bao gồm các mặt hàng như túi đựng hàng tạp hóa, bao bì thực phẩm, chai lọ và ống hút. Những sản phẩm này đa số được sử dụng một lần rồi bỏ đi hoặc đôi khi được mang đi tái chế.

Swati Singh Sambyal, chuyên gia quản lý chất thải độc lập tại New Delhi, phát biểu trên CNBC rằng: “Chính phủ Ấn Độ cần củng cố hệ thống của mình nhằm đảm bảo việc tuân thủ và thực thi thông báo này trong toàn ngành và các bên liên quan”.

Vì sao lại cấm đồ nhựa?

Theo Liên Hợp Quốc (UN), việc sản xuất các sản phẩm nhựa đã bùng nổ từ thế kỷ trước vì nguyên liệu này khá rẻ, nhẹ và dễ sản xuất. UN dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong vài thập kỷ tới.

Chính sự bùng nổ của việc sản xuất các sản phẩm nhựa đang khiến nhiều quốc gia đau đầu trong việc xử lý một lượng lớn rác thải nhựa mà họ đã tạo ra.

Khoảng 60% rác thải nhựa tại Ấn Độ được thu gom để tái chế. Điều này có nghĩa là gần 40% (tương đương 10,376 tấn) rác thải nhựa còn lại vẫn chưa được thu gom, theo ông Anoop Srivastava, Giám đốc Quỹ chiến dịch chống ô nhiễm từ rác thải nhựa (FCAPP). FCAPP là tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ những thay đổi về chính sách nhằm giải quyết tình trạng rác thải nhựa tại quốc gia Nam Á này.

Một số rác thải nhựa từ các hộ gia đình và bãi rác ở Ấn Độ được những người nhặt ve chai thu gom để đem bán cho các cơ sở tái chế hoặc các cơ sở sản xuất nhựa để kiếm chút ít tiền. Tuy nhiên, theo ông Suneel Pandey, Giám đốc môi trường và quản lý chất thải tại Viện Năng lượng và Tài nguyên (TERI) ở New Delh, nhiều loại nhựa đã qua sử dụng có giá trị kinh tế thấp nên chúng không được thu gom để tái chế và đã trở thành nguồn gây ô nhiễm không khí và nước phổ biến.

Cấm dùng đồ nhựa là chưa đủ

Ấn Độ, cũng như nhiều quốc gia khác, đang thực hiện các bước nhằm giảm thiểu việc dùng đồ nhựa thông qua khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế có thể tự phân hủy và ít gây hại cho môi trường.

Chẳng hạn, các cở sở cung cấp thực phẩm, chuỗi nhà hàng và một số doanh nghiệp tại Ấn Độ đã bắt đầu chuyển sang sử dụng dụng cụ gắp thức ăn có thể tự hủy hoặc sử dụng túi vải hay túi giấy. Tuy nhiên, theo chuyên gia Sambyal, hiện quốc gia Nam Á này vẫn chưa có hướng dẫn nào về các sản phẩm thay thế cho nhựa. Sự thiếu sót này có thể gây cản trở cho lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần khi bắt đầu có hiệu lực.

Ông Sambyal cho rằng, Ấn Độ cần có các quy định rõ ràng nhằm thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm thay thế nhựa và áp dụng chúng phổ biến trong tương lai. Ngoài ra, các quy định mới cũng không có hướng dẫn về tái chế.

Khoảng 60% chất thải nhựa tại Ấn Độ được tái chế. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về một lượng lớn chất thải còn trong số đó vì hiệu quả tái chế thấp hơn. Chẳng hạn, các sản phẩm nhựa chất lượng cao sau khi được tái chế thành nhựa mới lại có chất lượng thấp hơn.

Giám đốc Pandey của TERI cho rằng: “Hoạt động tái chế kém làm giảm tuổi thọ của nhựa. Trong quá trình thông thường, nhựa có thể được tái chế từ 7 - 8 lần rồi mới đem đi tiêu hủy. Thế nhưng, nếu quá trình tái chế kém, nhựa chỉ có thể được sử dụng 1 hoặc 2 lần là phải tiêu hủy”.

Giải quyết việc phân loại rác thải cũng rất cần thiết. Theo chuyên gia Sambyal, việc tiêu hủy chung rác thải thông thường và rác thải tự phân hủy sẽ làm mất đi mục đích sử dụng các sản phẩm thay thế.

“Đã đến lúc phải thực hiện triệt để việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn”, Srivastava của FCAPP cho biết khi đề cập đến các quy định về quản lý rác thải đã được áp dụng nhưng chưa được tuân thủ nghiêm ngặt.

Giải pháp phía trước

Các nhà bảo vệ môi trường đa số đều nhất trí rằng việc chỉ áp lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần là chưa đủ mà cần được hỗ trợ bởi các sáng kiến khác cũng như các quy định của Chính phủ.

Cần cải thiện lượng nhựa được thu gom và tái chế. Điều này xuất phát từ việc đưa ra các quy định đối với các nhà sản xuất và yêu cầu họ đánh dấu rõ loại nhựa được sử dụng trong mỗi sản phẩm để có thể được tái chế một cách hợp lý, Pandey nói.

Ngoài cải thiện khả năng tái chế, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thay thế cũng cần được ưu tiên.

Theo lý giải của ông Pandey, Ấn Độ là một thị trường lớn và nhạy cảm với giá cả. Tại đây, các sản phẩm thay thế nhựa có thể được sản xuất đại trà và bán ra với giá cả phải chăng.

Trước đây, một số bang của Ấn Độ đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế đối với túi nhựa và các sản phẩm đựng, gắp thức ăn nhưng hầu hết chúng đều không được thực thi nghiêm ngặt.

Theo các chuyên gia, lệnh cấm mới ban hành trong tháng 8/2021 là một bước tiến lớn của giới chức Ấn Độ trong cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải, biển và không khí. Họ cũng cho rằng, quy định mới này phù hợp với chương trình nghị sự về môi trường của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới.

Hồi tháng 3/2021, Chính phủ Ấn Độ cho biết họ đang tiến đến đạt các mục tiêu về biến đổi khí hậu trong thỏa thuận Paris. Ngoài ra, quốc gia Nam Á này còn cho biết đã tự nguyện cam kết giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong GDP từ 33% - 35% vào năm 2030.

Khai Tâm (Theo CNBC)

FILI