Trung Quốc cấm tiền ảo, người giữ Bitcoin gấp rút tìm cách bảo vệ tài sản

Trung Quốc cấm tiền ảo, người giữ Bitcoin gấp rút tìm cách bảo vệ tài sản

Một số người giữ tiền ảo ở Trung Quốc và Hồng Kông đang gấp rút tìm cách bảo vệ Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác mà họ nắm giữ, sau khi NHTW Trung Quốc đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát chặt ngành tiền ảo, bao gồm cả nâng cấp hệ thống để giám sát các giao dịch liên quan tới tiền ảo.

Giá Bitcoin có lúc giảm 6% và Ethereum sụt tới 10% giữa làn sóng bán tháo vào ngày 24/09. “Gần 2 tiếng sau khi có thông báo, tôi đã nhận được hàng tá tin nhắn – email, điện thoại và ứng dụng tiền mã hóa – từ những người nắm giữ tiền ảo. Họ muốn có giải pháp để tiếp cận và bảo vệ lượng tiền ảo trên các sàn giao dịch nước ngoài và ví lạnh”, David Lesperance, một luật sư ở Toronto, cho hay.

Lesperance cho biết động thái từ Bắc Kinh nhằm “đóng băng” các tài sản ảo và vì thế, những người nắm giữ không thể làm bất kỳ điều gì với chúng một cách hợp pháp. “Cùng với việc không thể làm điều gì với một tài sản cực kỳ biến động như tiền ảo, tôi nghi rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp cho họ khả năng chuyển đổi các đồng tiền kỹ thuật số này sang đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số ở mức giá thị trường cố định trong tương lai”, ông nói.

“Tôi đã dự báo về điều này trong một khoảng thời gian khi Chính phủ Trung Quốc ra sức loại bỏ toàn bộ các đồng tiền kỹ thuật số cạnh tranh với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số”, ông Lesperance nhận định.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết tất cả giao dịch liên quan tới tiền kỹ thuật số đều là bất hợp pháp và phải bị ngăn cấm. Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong chiến dịch kiểm soát ngành tiền kỹ thuật số.

Tất cả các đồng tiền kỹ thuật số, bao gồm cả Bitcoin và Tether, không phải là đồng tiền pháp định và không thể lưu thông trên thị trường, NHTW Trung Quốc cho biết trên trang web của mình. Tất cả các giao dịch liên quan tới tiền ảo – bao gồm cả dịch vụ mà các sàn giao dịch nước ngoài cung cấp cho người dân Trung Quốc – đều được xem là hoạt động tài chính bất hợp pháp, PBoC cho biết trong một tuyên bố.

“Các định chế tài chính và định chế thanh toán phi ngân hàng không được cung cấp dịch vụ cho các hoạt động và nghiệp vụ liên quan tới tiền kỹ thuật số”, NHTW Trung Quốc cho biết trong ngày 24/09.

Chỉ thị này nhằm tới các sàn giao dịch OTC như OKEx, sàn này cho phép người dùng ở Trung Quốc đổi các đồng tiền pháp định lấy các token kỹ thuật số. Tuy nhiên, hiện tại, OKEx cho biết đang xem xét tin tức về tiền ảo từ Trung Quốc và sẽ ra động thái trong thời gian tới. Ông Lesperance cho biết một số khách hàng của ông cũng lo ngại về tính an toàn của các đồng tiền này.

Dấu hiệu phối hợp giữa các cơ quan chức trách Trung Quốc

Ngoài ra, các cơ quan Chính phủ Trung Quốc cũng có dấu hiệu phối hợp với nhau để kiểm soát thị trường tiền ảo. Tài liệu của PBoC lần đầu được công bố vào ngày 15/09 và trước đó là tài liệu cấm hoạt động đào tiền ảo từ Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung quốc (NDRC) vào này 03/09.

 Stablecoin (đồng tiền ổn định) là một đồng tiền kỹ thuật số phát triển trên nền tảng Blockchain và có giá trị ổn định, giá của stablecoin được neo vào một tài sản ổn định khác như vàng hay tiền pháp định như USD, EUR hay VND. Đồng tiền này phải có tính chất toàn cầu, ít biến động và phi tập trung.

Không như các tuyên bố về tiền ảo của Chính phủ Trung Quốc trong quá khứ, tài liệu lần này chỉ cụ thể tới Bitcoin, Ethereum và Tether khi các đồng stablecoin bắt đầu lọt vào tầm ngắm của các cơ quan điều hành Trung Quốc.

Mark Peikin, CEO của Bespoke Growth Partners, nghĩ rằng đây là khởi đầu cho những áp lực ngắn hạn với giá Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác. “Các rủi ro mà nhà đầu tư Trung Quốc đang đối mặt sẽ gây tác động lan truyền rất lớn và điều này dẫn tới tâm lý né tránh rủi ro trên thị trường tiền kỹ thuật số”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI