Thách thức bủa vây, doanh nghiệp dệt may sẽ đi về đâu?

Thách thức bủa vây, doanh nghiệp dệt may sẽ đi về đâu?

Với loạt thách thức mà doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết kịch bản xấu nhất là nếu tháng 10, Nhà nước vẫn chưa đưa ra một cách rõ ràng về các chính sách và dịch bệnh vẫn kéo dài thì xuất khẩu sẽ chỉ đạt 33-34 tỷ USD.

 

Theo đánh giá của ông, ngành dệt may đang đối mặt với những thách thức nào?

Ông Vũ Đức Giang: Theo tôi, ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều thách thức.

Thách thức lớn nhất vẫn là vấn đề về kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam ở các tỉnh phía Nam. Hiện tại, vẫn chưa có gì rõ ràng trong việc tái mở cửa nền kinh tế để doanh nghiệp biết sắp xếp các đơn hàng cũng như cam kết với các nhãn hàng về thời gian mở cửa để sản xuất.

Thứ hai, lượng vắc xin tiêm cho người lao động của nhóm ngành dệt may ở các tỉnh vẫn đạt ở mức rất thấp. Đặc biệt, ở mũi 1 có địa phương đạt 80% thậm chí có những địa phương chỉ đạt 20-30%. Theo đánh giá chung, hầu hết tỷ lệ tiêm vắc xin cho người lao động vẫn chưa cao. Kế hoạch tiêm mũi 2 ở các Thành phố lớn như TP.HCM chỉ đạt khoảng 40-45% ở một số doanh nghiệp.

Thứ ba, lực lượng lao động đã dịch chuyển về quê chiếm tỷ lệ cao, 35-37% tại các khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Với sự dịch chuyển này, thật sự khả năng người lao động quay trở lại Thành phố rất khó. Nguyên nhân chính là do tâm lý của người lao động khi đã về quê và sống bình yên bên gia đình. Yếu tố thứ 2 là sắp tới dịp Tết Nguyên đán nên việc quay lại càng khó hơn nữa. Yếu tố thứ 3 sẽ tác động lớn là những người lao động về quê và chưa được tiêm vắc xin, nếu muốn quay lại làm sao xác nhận được 2 mũi tiêm.

Thứ tư là vấn đề giải pháp của các địa phương để cho doanh nghiệp sản xuất công nhân đi làm, chúng ta cứ đưa ra 3 tại chỗ, vùng xanh, 2 điểm đến 1 cung đường… Đó là quan điểm và cách làm chưa có sự xuyên suốt từ địa phương này đến địa phương khác và điều này trở thành rào cản bởi vì một doanh nghiệp có hàng ngàn lao động từ khắp mọi nơi ở các xã, huyện, các tỉnh lân cận. Chính quyền phải làm sao để tạo ra sự kết nối hài hòa trong cách mở cửa. Đó là vấn đề vì thực tế giải pháp 1 cung đường 2 địa điểm là cực kỳ khó, thậm chí 3 tại chỗ đối với doanh nghiệp dệt may lại càng không hiệu quả bởi chi phí cực lớn.

Tôi cho rằng thách thức và khó khăn này đang diễn ra ở thời điểm hiện tại và sẽ tiếp tục diễn ra trong quý 4/2021.

Ông dự báo như thế nào về kết quả của toàn ngành dệt may trong năm 2021 và liệu kết quả này có khả quan hơn năm trước không?

Ông Vũ Đức Giang: Hiện tại, tôi cho rằng không khả quan vì chúng tôi đang trông chờ xem đến tháng 10, từ ngày 05-10/10 các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh sẽ đưa ra chính sách mở cửa cho các doanh nghiệp sản xuất quay trở lại theo hình thức nào, lúc đó chúng tôi mới đưa ra dự báo theo sát tình hình thực tế.

Các kịch bản chính được đưa ra là gì?

Ông Vũ Đức Giang: Chúng tôi đang đưa ra 3 kịch bản:

Kịch bản xấu nhất là nếu tháng 10 vẫn chưa đưa ra một cách rõ ràng và dịch bệnh vẫn kéo dài thì xuất khẩu 33-34 tỷ USD.

Kịch bản thứ 2 sẽ khá hơn ở mức trung bình khoản 36 tỷ USD.

Kịch bản cao lắm sẽ chỉ đạt 37 - 37.5 tỷ USD.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn phải chờ tháng 10 các địa phương triển khai như thế nào? Các địa phương cần đưa ra một cách thống nhất toàn diện từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, các tỉnh miền Tây… bởi đây là một sợi dây kết nối ràng buộc nhau giữa các địa phương chứ không thể địa phương nào chỉ biết địa phương đó.

Vậy theo ông, đâu là vấn đề cần xem xét để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp dệt may?

Ông Vũ Đức Giang: Tôi nghĩ là có 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất là cơ chế chính sách mở cửa phải xuyên suốt, lấy TP.HCM làm trọng tâm để đưa ra chính sách giống nhau.

Thứ hai là cần tiêm 2 mũi vắc xin bao phủ cho toàn bộ người lao động. Có như vậy, việc mở cửa sản xuất sẽ hạn chế rủi ro và tái lây nhiễm cho người lao động.

Cuối cùng là đưa ra cơ chế tuyển dụng, đào tạo người lao động mới bởi lực lượng lao động có tay nghề của các doanh nghiệp đã mất khoảng 37%.

Để đào tạo tay nghề cho các lao động mới mất bao lâu thời gian?

Ông Vũ Đức Giang: Việc đào tạo tay nghề cho lao động mới không thể đẩy nhanh được, phải 7,8 tháng hoặc thậm chí 1 năm mới có tay nghề phù hợp. Tuy nhiên, Luật Lao động lại quy định một cách hết sức khắt khe, người lao động chỉ vào 1 tháng đã phải ký hợp đồng trả lương tối thiểu. Nếu doanh nghiệp ký hợp đồng nhưng không trả lương cho người lao động thì doanh nghiệp đó vi phạm Luật Lao động. Và điều này sẽ khiến khách hàng nhìn vào và đánh giá về lỗi của doanh nghiệp. Mãi đến 1 năm sau người lao động mới đạt tay nghề nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi trả lương đều đặn, điều này cực kỳ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tôi cho rằng Nhà nước cần có cơ chế về đào tạo lao động cho các doanh nghiệp tuyển lao động mới vào, cơ chế tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp, cho các trường đào tạo nghề trong đó có dệt may hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp một phần chi phí này. Hiện tại, doanh nghiệp đã đóng cửa 3-4 tháng, nhiều đơn vị không còn dòng tiền để tiếp tục tái mở cửa, đào tạo người lao động như năm trước. Tôi cho rằng những điều trên là điều kiện cần và đủ để đáp ứng xu hướng phát triển và Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các cơ chế chính sách về thuế… nên giảm tối đa cho người lao động.

Nếu được, thậm chí lợi nhuận doanh nghiệp ngành dệt may năm 2022 có thể được ghi nhận ở mức tốt, hỗ trợ bù cho tổn thất của năm 2021.

Trong tương lai, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, theo ông, đâu là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may trở về trạng thái bình thường mới?

Ông Vũ Đức Giang: Không ai dám khẳng định năm 2022 sẽ hết dịch. Quan điểm của tôi là xác định dịch bệnh chưa biết đến bao giờ có thể kiểm soát để trở lại trạng thái bình thường mới cho nên chúng ta phải sống chung với dịch. Chúng ta phải đưa ra giải pháp như thế nào để kiểm soát dịch bệnh và đi song song với việc phát triển kinh tế.

Chính phủ cần xác định mục tiêu kiểm soát dịch, chỉ tiêu như thế nào là tốt đừng để lây lan như các tỉnh phía Nam nhưng cũng phải đưa ra chỉ tiêu phát triển kinh tế. Theo tôi, không phát triển kinh tế thì lấy tiền đâu để kiểm soát dịch bệnh?

Tôi cho rằng vấn đề Chỉ thị 15-16 cần xem xét để phù hợp với xu hướng mở cửa. Bên cạnh đó, chúng ta phải xác định nền kinh tế Việt Nam đã suy yếu nhiều trong năm 2021, việc khôi phục nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng phải sang đến hết năm 2022 và năm 2023 mới trở lại bình thường mới như năm 2019.

Xin cám ơn ông!

Tiên Tiên

FILI