Cổ phiếu Evergrande lại giảm thêm 7% sau đánh giá từ S&P

Cổ phiếu Evergrande lại giảm thêm 7% sau đánh giá từ S&P

Cổ phiếu lẫn trái phiếu của China Evergrande Group đều giảm mạnh trong ngày 21/09, thổi bùng lo ngại về rủi ro lan truyền từ ông lớn bất động sản này. Đà giảm diễn ra sau khi S&P Global Ratings đánh giá Evergrande đang đứng trước bờ vực vỡ nợ.

Cổ phiếu của tập đoàn bất động sản nặng nợ này giảm tiếp 7% trong ngày 21/09, tiếp nối cú giảm hơn 18% trong phiên trước đó. Ngoài ra, trái phiếu định danh bằng USD đến hạn vào năm 2022 và có lãi suất 8.25% của Evergrande giảm 0.3 xu xuống 24.9 xu, tức đã giảm 75% so với cuối tháng 5/2021, theo dữ liệu từ Bloomberg. Tập đoàn này cũng đang là nhà phát hành trái phiếu lợi suất cao lớn nhất tại châu Á.

“Chúng tôi tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ muốn can thiệp nếu như sự lan truyền rủi ro khiến nhiều tập đoàn phát triển bất động sản lớn vỡ nợ và gây rủi ro cho cả nền kinh tế”, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đánh giá. “Tuy nhiên, nếu chỉ có Evergrande vỡ nợ thì kịch bản đó khó xảy ra”.

* S&P: Evergrande có thể vỡ nợ nếu không có hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc

Dù vậy, rắc rối từ tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới có thể tác động tới niềm tin của nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu lợi suất cao của Trung Quốc, theo báo cáo của S&P công bố vào ngày 20/09.

Nỗi lo từ Evergrande đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên toàn cầu. Trong phiên 23/09, thậm chí các trái phiếu bằng USD có bậc tín nhiệm cao cũng giảm giá. Đà giảm của thị trường cổ phiếu vẫn tiếp diễn, nhưng một số cổ phiếu bất động sản Hồng Kông bắt đầu hồi phục sau cú giảm hôm qua (20/09).

Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn nói với các nhân viên rằng ông tự tin Evergrande sẽ sớm bước ra khỏi khoảnh khắc đen tối nhất, Securities Times dẫn lại lá thư của Công ty. Tập đoàn bất động sản này sẽ đẩy nhanh hoàn tất xây dựng các dự án còn dang dở để đảm bảo giao nhà cho khách hàng.

Giới chuyên gia hiện đang tranh cãi về chuyện Chính phủ Trung Quốc có ra tay cứu Evergrande hoặc các tập đoàn khác hay không. Trước đó, các quan chức Trung Quốc phải mất nhiều tháng để lên kế hoạch giải cứu China Huarong Asset Management – một trong những công ty quản lý nợ xấu lớn của Trung Quốc.

Khủng hoảng thanh khoản của Evergrande diễn ra ngay khi thanh khoản đang ở mức thấp vì Trung Quốc và các nước châu Á khác nghỉ lễ. Các cơ quan chức trách Trung Quốc trước đó nói các chủ nợ lớn của Evergrande rằng đừng mong chờ Evergrande sẽ thanh toán lãi vay ngân hàng đến hạn trong tuần này. Ngoài ra, tập đoàn bất động sản này còn phải đối mặt với hạn chót thanh toán lãi vay trái phiếu.

Các chuyên viên phân tích tại Citigroup nhận định: “Bắc Kinh sẽ hành động để ngăn cản Evergrande trở thành ‘khoảnh khắc Lehman’ của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể trở thành nạn nhân”.

Trong khi đó, Ajay Rajadhyaksha, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô, và Jian Chang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Barclays, cho biết cú sụp tiềm ẩn của Evergrande khác xa với sự sụp đổ của Lehman Brother. Tuy vậy, nó có thể tác động tiêu cực tới lĩnh vực bất động sản.

“Chúng tôi không tin mô hình kinh doanh của các công ty bất động sản Trung Quốc đã vỡ vụn hoàn toàn. Evergrande đang trong trạng thái tệ hơn hầu hết các công ty bất động sản khác, cả về tỷ lệ đòn bẩy và mô hình kinh doanh, như được thể hiện qua việc Evergrande vi phạm cả 3 ‘lằn ranh đỏ’ của Chính phủ”, hai chuyên gia này cho biết.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI