Ngân hàng không phải là nhà đầu tư ôm quá nhiều trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng không phải là nhà đầu tư ôm quá nhiều trái phiếu doanh nghiệp

“Thật sự không phải ngân hàng ôm quá nhiều trái phiếu doanh nghiệp khi có nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là để cho vay gián tiếp. Trên thực tế, tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng 15-35%, còn lại CTCK mới là nhà đầu tư nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp.”

Đây là những chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực – Thành viên HĐQT Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV tại toạ đàm trực tuyến “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư” do VnEconomy tổ chức sáng ngày 16/08.

Bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

Mở đầu buổi tọa đạm, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Lâu nay, chúng ta vẫn loay hoay nghĩ về vốn ngắn hạn mới là kênh dẫn vốn của doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp vẫn có nhiều kênh dẫn vốn khác nhau. Vốn được nói nhiều trong tọa đàm hôm nay liên quan đến vốn của thị trường chứng khoán và ở đây chủ yếu là thị trường trái phiếu.”

Theo TS. Cấn Văn Lực, quy mô của thị trường tài chính Việt Nam thông thường được tính toán bằng cách đo lường tổng tài sản quy ra năm của các tổ chức tín dụng, vốn hóa của thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và doanh thu phí bảo hiểm. Có thể thấy rằng, quy mô thị trường tài chính Việt Nam không hề thua kém so với các nước trong khu vực. Tính chung tổng tài sản tài chính Việt Nam bao gồm 4 phân khúc nói trên tương đương 314% GDP cuối năm 2017. Và đến tháng 6/2021 đã tương đương 348% GDP. Hình dung ra quy mô thị trường tài chính Việt Nam đang gấp 3.5 lần quy mô của nền kinh tế. Ngoài ra, thị trường tài chính còn có những phái sinh khác chưa thể tính toán hết vào đây được.

Về cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam, hiện nay tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đang chiếm gần 63.6% quy mô của thị trường tài chính. Còn vốn hóa thị trường cổ phiếu chiếm 29.5%, vốn hóa thị trường trái phiếu chiếm khoảng 6% của tổng tài sản thị trường tài chính và doanh thu phí bảo hiểm loanh quanh 1%. Qua đây có thể thấy rằng kênh vốn của hệ thống ngân hàng vẫn còn là kênh tương đối quan trọng.

Thị trường trái phiếu Việt Nam bắt đầu manh nha từ năm 1997. Mãi đến cuối năm 2001 mới bắt đầu có những đợt phát hành trái phiếu Chính phủ đầu tiên. Sau đó đến 2004-2005 bắt đầu phát triển trái phiếu doanh nghiệp nhưng đến năm 2016 thì trái phiếu doanh nghiệp mới thực sự phát triển.

Tính đến hết tháng 6/2021, tổng dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam tương đương khoảng 22.8% GDP. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp có quy mô khoảng 5.2% GDP (theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB không tính các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành trái phiếu doanh nghiệp).

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tăng gần gấp đôi, khoảng 44.6% GDP. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp khoảng 13.9% (do bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết nhưng phát hành trái phiếu doanh nghiệp).

Dẫu vậy, quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ) vẫn còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Cụ thể, vị chuyên gia dẫn chứng, nếu năm 2016, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 203% thì đến năm 2017 quay đầu giảm tới -11%, sau đó bật tăng tới 227% vào năm 2018. Và kể từ đó tới nay, mức tăng trưởng của thị trường giảm dần xuống 103% năm 2019, 36% năm 2020 và đạt mức 18.3% tính tới tháng 6/2021. Điều này cho thấy thị trường  trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng không ổn định.

Nguồn: VnEconomy

Đáng chú ý, TS. Cấn Văn Lực đưa ra cơ cấu phát hành từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với tỷ trọng từ 38-40%. Cùng với đó là khối ngân hàng. Trong đó, khối ngân hàng chủ yếu phát hành trái phiếu để tăng nguồn vốn trung và dài hạn (nguồn vốn cấp 2) trong ngân hàng và tài sản đảm bảo của ngân hàng chính là uy tín của ngân hàng.

Ngân hàng không phải là nhà đầu tư ôm quá nhiều trái phiếu doanh nghiệp

Về cơ cấu nhà đầu tư, TS. Cấn Văn Lực cho rằng “CTCK và các tổ chức tín dụng là những nhà đầu tư rất quan trọng trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng không phải ngân hàng ôm quá nhiều trái phiếu doanh nghiệp khi có nhiều ý kiến cho rằng đây là hiện tượng lách thông qua việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp để cho vay gián tiếp. Trên thực tế, tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng 15-35%, còn lại CTCK mới là nhà đầu tư nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt nhà đầu tư cá nhân cũng là nhà đầu tư quan trọng trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.”

Khóa học Online

ĐỌC HIỂU

BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Giải mã “ĐIỂM ĐEN” Báo cáo tài chính

 💡 Khai giảng: 19/8/2021

 💡 Ưu đãi lên đến: 50%++          

Hotline: 0908 16 98 98

>> Đăng ký ngay

Ngoài ra, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp bình quân tăng tương đối mạnh trong năm 2020, lên 9.5%. Điều này cho thấy trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn trong việc tiếp cận vốn trung và dài hạn, một số doanh nghiệp đã quay sang thị trường trái phiếu và sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao hơn để phát hành thành công. Tuy nhiên, lãi suất phát hành trái phiếu đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021 (còn khoảng 7.9%/năm). Đây cũng là xu thế chung của nền kinh tế và thị trường trái phiếu.

Mặt khác, kỳ hạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng ngày càng dài hơn – điều này là tín hiệu tích cực bởi vì nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư dài hạn và nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn cho các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.

Tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, số liệu thống kê cho thấy, rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên. Loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết là không có tài sản đảm bảo, các trái phiếu doanh nghiệp còn lại được phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021 có tới 28% trái phiếu doanh nghiệp là không có tài sản đảm bảo.

Nhằm triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu riêng lẻ, chào bán trái phiếu phát hành ra công chúng và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để tạo ra khung pháp lý thống nhất về trái phiếu doanh nghiệp. Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 122/2020 hướng dẫn chế độ công bố thông tin, báo cáo đối với trái phiếu doanh nghiệp… Đây được xem là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai theo hướng hiệu quả và chất lượng hơn.

Hơn nữa, nếu so sánh với thị trường các nước như Hàn Quốc, Thái Lan hay Trung Quốc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá sơ khai. “Chẳng hạn, năm 1999, Hàn Quốc đã thành lập 3 tổ chức định hạng trái phiếu có chức năng định hạng trái phiếu và cung cấp dịch vụ thông tin về giá trái phiếu, làm thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch hơn và thị trường thứ cấp hiệu quả hơn”, ông Lực dẫn chứng. Trong khi đó, Trung Quốc định giá trái phiếu doanh nghiệp dựa trên trái phiếu Chính phủ cùng với việc thành lập các tổ chức định hạng tín nhiệm và tạo thêm nhiều sản phẩm cho thị trường trái phiếu như trái phiếu doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp đồng mua lại, hợp đồng kỳ hạn, trái phiếu xanh…

Giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

TS. Cấn Văn Lực tổng hợp các giải pháp quan trọng để giúp thị trường trái phiếu hoàn thiện và phát triển hơn trong tương lai:

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi một số Nghị định mà nó đã không còn phù hợp. Ví dụ như Nghị định 38.

Thứ hai, kiến nghị nên thành lập 1 định chế tài chính mới ví dụ như quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc quỹ đầu tư ủy thác bất động sản.

Thứ ba, giao thêm vai trò cho các định chế tài chính và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Thứ tư, thống nhất tiếp tục kiến nghị hoàn thiện hệ thống khung pháp lý để thị trường phát triển hoàn thiện hơn bao gồm tiến tới xem xét sửa đổi Luật Tín dụng theo hướng cho phép thành lập ngân hàng đầu tư. Kể cả các quy định cụ thể hơn đối với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, cơ sở dữ liệu, minh bạch hóa thông tin, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, chuyển đổi số, chuẩn hóa đội ngũ đầu tư…

Cuối cùng là đa dạng hóa sản phẩm như có thêm trái phiếu công trình, trái phiếu tổng hợp. Đặc biệt, phân nhóm các doanh nghiệp phát hành, phân nhóm các loại trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, cho phép chứng khoán hóa trái phiếu, chứng khoán hóa tài sản.

Quan trọng là tìm ra điểm dung hòa, vừa phát triển thị trường vừa kiểm soát rủi ro để thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển lành mạnh hơn.

Khang Di

FILI