Ngân hàng chờ đợi chất xúc tác mới

Ngân hàng chờ đợi chất xúc tác mới

Trong khi mối lo ngại về biên độ lãi của các ngân hàng bị thu hẹp có thể ảnh hưởng lên lợi nhuận đang mờ nhạt dần, nỗi lo chính hiện nay cũng như cho giai đoạn tới vẫn nằm ở nguy cơ nợ xấu và áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các nhà băng.

Nợ xấu và chi phí dự phòng

Báo cáo phân tích của một số tổ chức gần đây đánh giá dù biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có thể chịu áp lực trong ngắn hạn do động thái giảm lãi suất cho vay, thấp hơn mức đỉnh cao giai đoạn cuối năm 2020 và nửa đầu năm, nhưng nếu so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì hiện vẫn cao hơn nhiều.

Đây là hệ quả của việc lãi suất cho vay của các nhà băng thời gian qua tuy có giảm nhưng chậm hơn rất nhiều so với lãi suất huy động, do đó mức giảm của lãi suất cho vay trong tháng 7 vừa qua tuy khá mạnh nhưng có lẽ cũng chưa bắt kịp mức giảm xuống của chi phí vốn trong một năm qua của các ngân hàng. Với việc lãi suất huy động hưởng lợi theo các chính sách giảm liên tục lãi suất điều hành trong năm 2020, trong khi lãi suất cho vay đầu ra còn tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh và chính sách cho vay của các ngân hàng. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng giúp tăng nguồn vốn không kỳ hạn có giá vốn rẻ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong suốt thời gian qua.

Do đó, nỗi lo ngại lớn nhất hiện nay vẫn nằm ở nguy cơ nợ xấu tăng mạnh và áp lực chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm nay cũng như giai đoạn tới. Báo cáo tài chính quý 2 của 27 ngân hàng đã công bố cho thấy gần 60% trong số này chứng kiến nợ xấu tuyệt đối tăng lên so với đầu năm nay, trong đó một số ngân hàng tăng khá mạnh kéo theo áp lực tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Đơn cử như VietinBank chứng kiến nợ xấu tăng 52% so với đầu năm kéo theo trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng phát sinh gấp 3.2 lần so với cùng kỳ, lên hơn 7,100 tỷ đồng, khiến lãi sau thuế quý 2 chỉ còn hơn 2,200 tỷ đồng, giảm đến 38% so với cùng kỳ. Hay như Vietcombank cũng ghi nhận nợ xấu tăng 31% so đầu năm, tuy nhiên với truyền thống thận trọng nên nhà băng này thậm chí trích lập dự phòng mạnh tay hơn với khoản trích lập tăng mạnh 74% so với cùng kỳ lên 3,225 tỷ đồng, dẫn đến dù các nguồn thu nhập lãi vay và thu dịch tăng trưởng tích cực nhưng lãi sau thuế quý 2 vẫn giảm 14% so cùng kỳ.

Bức tranh tại 2 ngân hàng quốc doanh này có lẽ chỉ mới là tín hiệu cảnh báo đầu tiên, khi thông thường các nhà băng chỉ mới phải buộc trích lập dự phòng theo đúng quy định trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu của các ngân hàng hiện nay cũng chưa phản ánh đúng thực chất nhờ đã được cơ cấu nợ. Dù vậy, Thông tư 03/2021/TT-NHNN cũng yêu cầu các nhà băng phải trích lập dự phòng tối thiểu tỷ lệ 30% đối với các khoản nợ đã tái cơ cấu trong năm nay.

Trước tình hình này, dễ hiểu vì sao giá cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến đợt lao dốc khá mạnh trong tháng 7, và dù gần đây đã phục hồi nhưng tốc độ khá yếu ớt so với diễn biến chung của thị trường. Có thể thấy cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm đi sức hấp dẫn đáng kể và cũng không còn là tâm điểm thu hút dòng tiền so với giai đoạn trước.

Chờ đợi sửa đổi Thông tư 03

Dù vậy, thị trường cũng đang chờ đợi vào một chất xúc tác mới, đó là khả năng Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ sớm được sửa đổi và ban hành ngay trong năm nay, qua đó có thể giúp ngân hàng giảm bớt áp lực cũng như hỗ trợ thêm cho nền kinh tế và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Có nhiều cơ sở để kỳ vọng vào kịch bản này, khi giới phân tích cũng chỉ ra rằng những quy định trong Thông tư 03 đã không còn phù hợp trước tình hình dịch bệnh diễn biến quá phức tạp như hiện nay, mà đã khiến nhiều doanh nghiệp chưa kịp phục hồi đã lại “chìm đắm” trong cơn vận hạn mới.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú gần đây cũng chia sẻ rằng Thông tư 03 được ban hành khi dịch Covid-19 được dự báo sẽ qua trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp dần trở lại hoạt động bình thường nhưng đến nay, tình hình không như vậy. Hiện nay, đặt trường hợp nhanh nhất các địa phương dỡ bỏ giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau tháng 8, thì đến hết năm, các doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động bình thường trở lại được.

Sửa đổi được mong chờ nhiều nhất là cho phép các TCTD được phép cơ cấu nợ cho các khoản vay phát sinh sau ngày 10/06/2020. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng, tổng dư nợ thực tế từ ngày 10/06/2020 đến nay của các ngân hàng là hơn 1.19 triệu tỷ đồng, tuy nhiên, hơn 600,000 tỷ trong đó đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Giả sử nếu không được tái cơ cấu, các khoản vay này buộc phải chuyển thành nợ xấu thì con số trích lập dự phòng của các nhà băng là không hề nhỏ.

Đáng lưu ý là Thông tư 11/2021/TT-NHNN ban hành mới đây cũng đã yêu cầu các TCTD phải phân loại nợ và trích lập dự phòng đầy đủ mỗi tháng một lần, thay vì là hàng quý như trước đây. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn lên các nhà băng nếu như những quy định sửa đổi ban hành quá chậm, khi các khoản vay sẽ phải đánh giá thường xuyên hơn và phân loại chính xác hơn.

Thứ hai là kỳ vọng quy định sửa đổi có thể kéo dài thời hạn trích lập dự phòng bổ sung hơn 3 năm, có thể lên 5 năm cho nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 và Thông tư 03. Rõ ràng nợ tái cơ cấu trong hơn 1 năm qua chưa đến mức báo động, do đó trích lập 30% theo số này không phải là áp lực quá lớn đối với các ngân hàng có nợ tái cơ cấu thấp, nhưng nếu quy định sửa đổi cho phép các ngân hàng tái cơ cấu cho các khoản vay phát sinh sau ngày 10/6/2020, khả năng số nợ tái cơ cấu có thể tăng lên rất lớn, khi đó chi phí trích lập theo tỷ lệ 30% cho các khoản vay tái cơ cấu cũng sẽ tăng lên rất mạnh.

Thứ ba là thời gian tái cơ cấu có thể linh hoạt hơn, không nên quy định cứng nhắc, vì thời gian tái cơ cấu quá ngắn, khách hàng chưa kịp phục hồi thì buộc ngân hàng phải hỗ trợ bằng cách tái cơ cấu tiếp lần 2, lần 3. Trong khi đó, theo quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng hiện nay, số lần tái cơ cấu sẽ là tiêu chí xác định để phân loại nhóm nợ.

Cụ thể, nợ gia hạn lần đầu sẽ bị xếp vào nhóm 3; nợ cơ cấu lần đầu nhưng bị quá hạn dưới 90 ngày và nợ cơ cấu lại lần thứ 2 sẽ bị xếp vào nhóm 4; nợ cơ cấu lần đầu nhưng bị quá hạn từ 90 ngày trở lên, nợ cơ cấu lại lần thứ 2 bị quá hạn và nợ cơ cấu lại lần thứ 3 sẽ bị xếp vào nợ nhóm 5. Theo đó, nếu nhiều khách hàng phải cơ cấu nợ nhiều lần theo Thông tư 01 sẽ bị chuyển thành nợ nhóm 5, làm tăng chi phí trích lập cao hơn rất nhiều so với quy định ban đầu.

Ngoài ra, về khoản nợ được miễn, giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong trường hợp khách đã trả đầy đủ nợ sau khi được miễn, giảm lãi theo Thông tư 03, các ngân hàng cũng đã đề xuất NHNN cho phép TCTD không phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo nợ nhóm 3 như quy định tại Thông tư 02…

Nếu những sửa đổi theo đề xuất này sớm được thông qua, kỳ vọng áp lực chuyển nợ xấu cũng như chi phí trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng sẽ được giãn ra trong thời gian dài hơn, trong khi các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tiếp cận chính sách tái cơ cấu nợ linh hoạt và phù hợp hơn trong tình hình thực tế hiện nay cũng như ngày càng khó lường hơn trong giai đoạn tới.

Nợ tái cơ cấu trong hơn 1 năm qua chưa đến mức báo động, do đó trích lập 30% theo số này không phải là áp lực quá lớn đối với các ngân hàng có nợ tái cơ cấu thấp, nhưng nếu quy định sửa đổi cho phép các ngân hàng tái cơ cấu cho các khoản vay phát sinh sau ngày 10/6/2020, khả năng số nợ tái cơ cấu có thể tăng lên rất lớn, khi đó chi phí trích lập theo tỷ lệ 30% cho các khoản vay tái cơ cấu cũng sẽ tăng lên rất mạnh.

Nhung Võ

FILI