Giảm lãi suất cho vay – Ngân hàng sẽ làm gì để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận?

Giảm lãi suất cho vay – Ngân hàng sẽ làm gì để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận?

Hàng loạt ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ nửa cuối tháng 7 cho đến nay, với mức giảm khá mạnh phổ biến ở 1%. Diễn biến này khiến nhiều ý kiến lo ngại lợi nhuận của các ngân hàng sẽ chịu áp lực suy giảm trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đầu vào cũng đang chịu áp lực đi lên trở lại.

Ảnh hưởng bị thổi phồng?

Ước tính của một chuyên gia tài chính cho thấy, nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu toàn ngành là khoảng 9.6 triệu tỷ, con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 96,000 tỷ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020.

Hay theo đánh giá của một số lãnh đạo ngân hàng cũng cho thấy bức tranh khá ảm đạm nếu phải giảm lãi suất cho vay. Lãnh đạo LienVietPostbank cho rằng, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191 ngàn tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất khoảng bình quân 1%/năm, ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng. Còn Sacombank hiện có tổng dư nợ khoảng 350 ngàn tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5 - 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch.

Tuy nhiên, cần biết rằng chính sách của hầu hết các ngân hàng là chỉ giảm lãi suất cho những khách hàng được xác định bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cho nên rất ít ngân hàng giảm lãi suất cho toàn bộ danh mục khách hàng hiện hữu. Do đó, việc tính toán mức giảm lợi nhuận dựa trên tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành nói chung, hay tổng dư nợ của một ngân hàng nói riêng, để rồi lấy đó dự ước mức sụt giảm lợi nhuận là đang trầm trọng hóa vấn đề.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể bù đắp lại sự sụt giảm lợi nhuận do giảm lãi suất cho vay bằng cách mở rộng quy mô dư nợ cho vay lớn hơn. Thực tế là từ đầu quý 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho nhiều tổ chức tín dụng, như là một chính sách tưởng thưởng cho những nhà băng đáp ứng được điều kiện đặt ra và cũng đã đồng hành giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, không loại trừ khả năng nhà điều hành sẽ tiếp tục nới thêm hạn mức tín dụng vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4 tới.

Nói cách khác, các ngân hàng sẽ có cơ hội tăng cường cho vay, lấy số lượng bù đắp cho chất lượng của dư nợ, không chỉ thể hiện qua phân loại nhóm nợ mà còn là biên độ lãi. Tuy nhiên, các nhà băng cũng có thể hạn chế sự thu hẹp biên độ lãi bằng cách phát triển cho vay ở các phân khúc khách hàng và sản phẩm có lãi suất cho vay cao hơn mức bình quân.

Thực tế là các phân khúc cho vay có lãi suất thấp như khách hàng doanh nghiệp hiện nay cũng đang có nhu cầu vay rất thấp, do đó, các ngân hàng cũng không có nhiều cơ hội cho vay ở nhóm này, vì vậy càng phải tăng cường cho vay khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản vốn có biên độ lãi cao hơn nhiều.

Co kéo chi phí vốn

Trước áp lực chi phí vốn đầu vào có thể đi lên trở lại, sẽ tác động tiêu cực lên biên độ lãi, các ngân hàng cũng phải tìm cách kiềm chế không để lãi suất huy động tăng quá nhanh. Thực tế sau những áp lực hồi tháng 5 và tháng 6, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay được kỳ vọng sẽ ổn định trở lại, theo như dự báo của một số tổ chức.

Thứ nhất, nhờ vào lạm phát vẫn đang ổn định ở mức thấp, với chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tuy tăng 0.62% so với tháng trước, nhưng tính bình quân 7 tháng chỉ mới tăng 1.64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Thứ hai, lượng thanh khoản tiền đồng trong hơn 1 tháng qua có nhiều cải thiện khi các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng hồi đầu năm được thực hiện.

Việc dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó, một lượng vốn nhàn rỗi của các công ty nằm lại tại ngân hàng. Những số liệu gần đây cũng cho thấy tăng trưởng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp, thường nằm dưới dạng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn, cao hơn so với tiền gửi khách hàng cá nhân.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến nhu cầu tiêu dùng, giải trí, kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân sụt giảm, theo đó một lượng tiền lớn của nhóm này cũng đọng lại trên tài khoản thanh toán, tài khoản thẻ. Hai yếu tố này giúp lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại các ngân hàng tăng mạnh so với đầu năm, cũng giúp kéo chi phí vốn bình quân đầu vào của các ngân hàng giảm xuống.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây một số ngân hàng cũng tích cực phát hành trái phiếu trung dài hạn 2-3 năm với lãi suất khá thấp, thấp hơn cả tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, do đó, cũng tác động tích cực lên chi phí vốn. Thống kê cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đã phát hành lượng trái phiếu trị giá hơn 71,500 tỷ đồng, với kỳ hạn 2-3 năm chiếm tỷ trọng chủ yếu tại mức lãi suất từ 3.5% đến 4%.

Việc một số ngân hàng tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ từ giờ đến cuối năm cũng sẽ cải thiện nguồn vốn kinh doanh dài hạn, theo đó tạo điều kiện giảm áp lực huy động vốn trung dài hạn vốn có lãi suất cao cho các nhà băng này. Với kế hoạch tăng vốn khủng trong năm nay, nhưng trong nửa đầu năm chưa thực hiện được bao nhiêu, quý 3 và quý 4 sẽ là giai đoạn cao điểm các ngân hàng tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.

Cuối cùng, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, chính sách tiền tệ không loại trừ khả năng sẽ được nới lỏng thêm, thông qua một số công cụ điều hành mà NHNN có thể triển khai thêm, như là cách để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng hoặc giúp các tổ chức này có thêm điều kiện giảm được chi phí vốn đầu vào hoặc ít nhất là giữ ổn định không để tăng lên.

Nói cách khác, các ngân hàng sẽ có cơ hội tăng cường cho vay, lấy số lượng bù đắp cho chất lượng của dư nợ, không chỉ thể hiện qua phân loại nhóm nợ mà còn là biên độ lãi . Tuy nhiên, các nhà băng cũng có thể hạn chế sự thu hẹp biên độ lãi bằng cách tăng cường phát triển cho vay ở các phân khúc khách hàng và sản phẩm có lãi suất cho vay cao hơn mức bình quân.

Phan Thụy

FILI