Nỗi sợ Covid-19 bao trùm, Dow Jones lao dốc 700 điểm, chứng khoán châu Âu đỏ lửa

Nỗi sợ Covid-19 bao trùm, Dow Jones lao dốc 700 điểm, chứng khoán châu Âu đỏ lửa

Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày thứ Hai (19/07) khi nhà đầu tư lo ngại đà tăng của số ca nhiễm Covid-19 sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Những cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ quá trình tái mở cửa kinh tế dẫn đầu đà giảm ngày 19/07, trong đó Royal Caribbean và United Airlines sụt hơn 4%. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm xuống đáy 5 tháng 1.214%, giữa lúc kinh tế có khả năng chững lại đà hồi phục.

Tính tới lúc 21h ngày 19/07 (giờ Việt Nam), Dow Jones sụt 714 điểm (tương đương 2.06%), S&P 500 giảm 1.74% và Nasdaq Composite giảm 1.55%.

Trên thị trường châu Âu, hầu hết các chỉ số đều giảm hơn 2.5%, trong đó giảm mạnh nhất là FTSE MIB với 3.5%, DAX và CAC với 2.78%.

“Bạn có hai lo ngại đến cùng một lúc: Nỗi lo về yếu tố kỹ thuật trên thị trường và nỗi lo về tăng trưởng”, Mohamed El-Erian, Trưởng bộ phận cố vấn kinh tế tại Allianz và từng là CEO của PIMCO, cho biết trên chương trình “Squawk Box” của CNBC. “Đó là tất cả những gì giá tài sản đang cố truyền tải tới bạn”.

Số ca nhiễm Covid-19 đã tăng trở lại trong tháng này, với biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng trong nhóm chưa được tiêm chủng vắc-xin. Mỹ có trung bình gần 30,000 ca mới mỗi ngày trong tuần trước, tăng từ mức trung bình 7 ngày 11,000 ca/ngày tại 1 tháng trước đó, theo dữ liệu từ CDC. Số ca nhiễm Covid-19 cũng đang tăng mạnh trên khắp thế giới.

Cổ phiếu United và American Airlines đều mất hơn 4%, Delta sụt 3.7%. Cùng với cổ phiếu du thuyền và hàng không, các cổ phiếu gắn liền tới nền kinh tế toàn cầu cũng suy giảm. Cổ phiếu Boeing, General Motors mất hơn 3%, còn Caterpillar sụt 2%.

“Thị trường dường như đang vào thế phòng thủ khi chúng ta có thể chứng kiến sự suy giảm về lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế”, Mike Wilson, Chiến lược gia cổ phiếu Mỹ tại Morgan Stanley, cho biết trong một báo cáo. “Độ rộng của thị trường đang suy giảm trong nhiều tháng qua”.

Giá dầu cũng rớt mạnh vì nỗi lo về tăng trưởng kinh tế và khi OPEC+ đồng ý nâng dần sản lượng cho tới tháng 9/2022. Nhóm cổ phiếu năng lượng nằm trong nhóm có thành tích tệ nhất trong phiên, trong đó ConocoPhillips và Exxon Mobil sụt hơn 3%. Giá dầu WTI lao dốc 4% về mức 68.74 USD/thùng.

Đà giảm mạnh của chứng khoán Mỹ cũng nối tiếp chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI khu vực châu Á có lúc giảm tới 1.4%, trong đó chứng khoán ở Đông Nam Á giảm mạnh nhất.

Chỉ số chứng khoán chuẩn của Philippines giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2021, sau khi nước này ghi nhận ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 16/07. Trong khi đó, chỉ số VN-Index của Việt Nam sắp bước vào phạm vi điều chỉnh khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.

“Tâm lý của nhà đầu tư tại châu Á vẫn còn khá yếu ớt, vì tình hình dịch bệnh vô cùng căng thẳng, nhất là ở Đông Nam Á”, Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Australia & New Zealand Banking Group chi nhánh Singapore, cho hay. “Các biện pháp kiểm soát chặt hơn sẽ kìm hãm đà hồi phục kinh tế và chúng ta có thể thấy các chuyên gia điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP 2021 đối với một số nền kinh tế”.

Tình hình dịch bệnh đang vô cùng căng thẳng tại Đông Nam Á, trong đó số ca nhiễm tăng 41% trong tuần trước lên hơn 0.5 triệu người và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin chỉ mới 9%.

Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương – từ Australia cho tới Singapore – đã triển khai các biện pháp kiểm soát đi lại khắc nghiệt hơn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

“Tình hình vĩ mô châu Á tiếp tục đối diện với nhiều yếu tố tiêu cực – từ các biện pháp kiểm soát dịch và biến chủng Covid-19 mới và thiếu khoảng trống hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa”, các chiến lược gia tại Deutsche Bank cho biết trong một báo cáo gần đây.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI