G-7 tiến tới thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu

G-7 tiến tới thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp toàn cầu

Nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G-7) đã tiến tới một thỏa thuận toàn cầu về thuế. Với thỏa thuận này, các chính phủ sẽ có quyền hạn lớn hơn trong việc đánh thuế những gã khổng lồ công nghệ Mỹ và áp mức sàn về thuế doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G-7 ở London vào ngày 05/06. Nguồn: Bloomberg

Thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - được đưa ra tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G-7 ở London - đã xoa dịu những căng thẳng xuyên Đại Tây Dương trong nhiều năm qua và nhờ đó, tạo điều kiện cho việc cập nhật các nguyên tắc mới cho nền kinh tế thế kỷ 21. Ngoài ra, thỏa thuận này mở đường cho một thỏa thuận rộng lớn hơn của G-20 ngay đầu tháng tới.

"Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt ‘cuộc đua xuống đáy’ (race-to-the-bottom) về thuế doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo sự công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động ở Mỹ và trên toàn thế giới", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm ở London diễn ra vào ngày thứ Bảy (05/06).

Trên Twitter, Bộ Tài chính Anh cho biết, thỏa thuận sẽ:

- Tác động tới các công ty toàn cầu với biên lợi nhuận ít nhất là 10%.

- Về mặt nguyên tắc, G-7 cũng nhất trí về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đối với các công ty lớn ít nhất là 15%.

- Sẽ giải quyết các hành vi vi phạm môi trường bằng một lực lượng đặc nhiệm mới phụ trách về công bố thông tin tài chính liên quan tới môi trường.

- Lần đầu tiên cam kết đưa biến đổi khí hậu và tình trạng mất đa dạng sinh học vào quá trình ra quyết định.

Mục đích chính của thỏa thuận thuế là để ngăn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận để né thuế, buộc họ phải đóng thuế nhiều hơn ở các quốc gia mà họ hoạt động, đồng thời điều chỉnh hệ thống để đối phó với hoạt động giao dịch các tài sản vô hình như dữ liệu và thông tin.

Tuyên bố sau cuộc họp G-7 không đề cập đến bất kỳ cam kết nào đối với việc đánh thuế các công ty kỹ thuật số, chỉ tập trung vào các công ty đa quốc gia có lợi nhuận lớn. Đây là một chiến thắng dành cho nước Mỹ vì họ từ lâu đã phản đối việc Pháp áp thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào những gã khổng lồ công nghệ như Amazon.com và Facebook.

“Đây là một thỏa thuận lịch sử để cải cách hệ thống thuế toàn cầu, làm hệ thống trở nên phù hợp với thời đại kỹ thuật số toàn cầu và quan trọng là đảm bảo sự công bằng, để các công ty nộp thuế đúng nơi, đúng chỗ”, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết sau khi cuộc hội đàm G-7.

“Lần đầu tiên sau vài năm, các thành viên G-7 có thể xác định các quy tắc cho hệ thống quốc tế của thế kỷ 21”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết. “Trong 4 năm qua, chúng tôi đã phải đấu tranh tại tất cả các diễn đàn châu Âu và quốc tế, tại hội đàm G-7 và G-20 về một cách áp thuế hợp lý đối với các gã khổng lồ kỹ thuật số và thuế doanh nghiệp tối thiểu (minimum corporate tax)”.

Melissa Geiger, người đứng đầu chính sách thuế tại KPMG cho biết: “Những đề xuất thay đổi trong hệ thống quy tắc thuế quốc tế sẽ thiết lập một khuôn khổ mới trong nhiều thập kỷ tới. Các quốc gia và doanh nghiệp cần suy nghĩ sâu sắc về những thay đổi này với tầm nhìn dài hạn”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI