Đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0%/năm là không khả thi?

Đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về 0%/năm là không khả thi?

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc đề xuất hạ lãi suất tiền gửi VND về mức 0% trong bối cảnh hiện nay là không khả thi.

* VAFI đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số cơ quan quản lý khác đề xuất giải pháp hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm cũng như đưa ra một số giải pháp kiến nghị để dẫn lãi suất về 0%. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng việc này là không khả thi và sẽ có thể gây ra tình trạng mất thanh khoản cho ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Khẳng định đề xuất này là không khả thi, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế đưa ra thêm một số diễn giải.

Trên nguyên tắc, NHNN có thể đẩy lãi suất gần bằng 0%/năm thông qua một số công cụ chính sách tiền tệ như lãi suất cho vay chiết khấu, lãi suất cho vay tái cấp vốn, lãi suất cho vay trên thị trường mở… Tuy nhiên, có một số vấn đề sẽ xảy ra.

Có 2 thị trường, lãi suất huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế (thị trường 1) và lãi suất liên ngân hàng (thị trường 2), hai thị trường này tuy có liên thông với nhau nhưng không chặt chẽ. NHNN sẽ chỉ có thể ảnh hưởng lãi suất trên thị trường 2, từ đó mới tác động đến thị trường 1. Nhưng NHNN chưa có công cụ để tác động đến lãi suất bằng 0%/năm trên thị trường 1 được mà phải tác động vào thị trường 2.

Thứ hai, ngay cả khi lãi suất thị trường 1 xuống gần bằng 0%/năm, với hy vọng cho vay ra các doanh nghiệp lãi suất phải vào khoảng 3%/năm, bởi vì các ngân hàng luôn phải duy trì biên độ lợi nhuận cho mình là 3%/năm. Trong trường hợp này, nếu chi phí đầu vào thấp như thế, người dân sẽ rút tiền gửi ra khỏi ngân hàng vì lạm phát Việt Nam hiện tại mục tiêu năm nay là 4%. Do vậy, nếu lãi suất thực âm khi gửi tiền vào ngân hàng, người ta sẽ rút hết tiền ra khỏi ngân hàng và đầu tư vào tài sản khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ và thậm chí là những đồng tiền kỹ thuật số. Do vậy, sẽ tạo ra khủng hoảng hay biến loạn trên thị trường tài chính.

Tại thời điểm này, việc kéo lãi suất xuống gần bằng 0%/năm là không khả thi. Và nếu muốn làm cho nó khả thi, điều quan trọng là phải kéo lạm phát xuống rất thấp. Nếu lạm phát kéo xuống khoảng 2% thì phải có lãi suất thực âm 2%, thì thị trường có thể chấp nhận được. Còn hiện tại, với lãi suất thị trường 1 bằng 0%/năm và lạm phát 4% thì phải có lãi suất thực âm 4%, thì chắc chắn thị trường sẽ không chấp nhận được và dòng tiền sẽ rút ra khỏi hệ thống ngân hàng, tạo ra tình trạng mất thanh khoản rất nhanh chóng và rất nguy hiểm.

TS. Cấn Văn Lực

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV khẳng định đề xuất này rõ ràng là không khả thi.

Thứ nhất, hiện nay lạm phát kỳ vọng gần 4%, nếu lãi suất tiền gửi hạ về 0%/năm, thì rõ ràng người dân sẽ không thể nhận được lãi suất thực dương, nguy cơ sụt giảm rất mạnh lượng tiền gửi của hệ thống ngân hàng, gây ra rủi ro về thanh khoản. Như vậy, ngân hàng sẽ không có tiền để cho vay và cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Thứ hai, khi lãi suất quá thấp như vậy, rõ ràng người dân sẽ dịch chuyển kênh đầu tư sang các kênh khác rủi ro hơn.

Thứ ba, việc đề xuất này là thiếu cơ sở, vì bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam rất khác so với nước ngoài, nhất là các nước châu Âu.

Thêm nữa, xu hướng thắt chặt dần chính sách tiền tệ trên thế giới đã và đang xuất hiện, có cả xu hướng dự báo tăng lãi suất trong thời gian tới.

Còn nhớ hồi cuối năm 2019, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã từng công bố báo cáo về Lãi suất cho vay thực ở Việt Nam, trong đó có nêu nhiều nguyên nhân khiến cho lãi suất cho vay thực của Việt Nam còn cao.

Một là, lạm phát của Việt Nam còn ở mức khá cao, trong khi đây là một trong những yếu tố lớn tác động đến lãi suất huy động.

Thứ hai là, lãi suất huy động thực tại Việt Nam còn ở mức cao. Lãi suất huy động thực của Việt Nam luôn được đảm bảo "dương", một phần là do tư duy điều hành cũng như tâm lý của người gửi tiền.

Thứ ba là mức độ rủi ro còn cao. Mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia thấp hơn đồng nghĩa với rủi ro nền kinh tế cao hơn, dẫn đến chi phí huy động vốn (lãi suất) mà các nhà đầu tư hay cho vay đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đòi hỏi ở mức cao.

Bốn là, chi phí giao dịch của nền kinh tế còn cao như chi phí chính thức (như chi phí nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật, phí, lệ phí phải nộp…) và chi phí không chính thức (doanh nghiệp tự nguyện hoặc bị ép buộc chi trả cho cơ quan, cá nhân có liên quan trong quá trình giao dịch).

Cũng trong báo cáo này, nhóm chuyên gia từng đưa ra một số đề xuất để giảm lãi suất cho vay một cách căn cơ.

Một là, tăng cường kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô như thay đổi cách thức đặt mục tiêu lạm phát.

Hai là, làm giảm mức độ rủi ro của nền kinh tế và tổ chức, doanh nghiệp như tăng các gối đệm, tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài, trong đó cần tập trung đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu NSNN…

Và thứ ba là, làm giảm chi phí giao dịch của nền kinh tế như minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thay đổi cơ chế tiền lương của công viên chức…

Cát Lam

FILI