Chỉ số giá sản xuất Trung Quốc tăng 9% vì cơn sốt hàng hóa

Chỉ số giá sản xuất Trung Quốc tăng 9% vì cơn sốt hàng hóa

Đà tăng của giá hàng hóa đẩy chỉ số giá sản xuất Trung Quốc lên mức cao nhất kể từ năm 2008 trong tháng 5/2021, càng gây thêm áp lực giá trên toàn cầu.

Trong tháng 5/2021, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 9% so với cùng kỳ, nối tiếp đà tăng 6.8% của tháng 4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày 09/06. Con số này cao hơn dự báo 8.5% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1.3% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo 1.6%.

Giá hàng hóa đã tăng mạnh trong năm nay và buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đưa ra động thái để kìm hãm đà tăng giá. Các biện pháp này bao gồm mở rộng nguồn cung nguyên liệu thô và ngăn chặn nạn đầu cơ tích trữ. Tuy nhiên, CPI vẫn tương đối yếu ớt, qua đó cho thấy các nhà bán lẻ vẫn chưa tăng giá khi nhu cầu trong nước ảm đạm.

“Đà tăng giá sản xuất không thể chuyển hoàn toàn sang người tiêu dùng” và có thể chỉ bắt đầu ảnh hưởng đến lạm phát tiêu dùng vào quý 4/2021, Iris Pang, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ING Bank NV, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV. Bà cho biết đợt bùng phát Covid-19 ở tỉnh Quảng Đông sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng trong những tháng tới, trong khi sự phục hồi ở các thị trường nước ngoài chỉ mới bắt đầu.

Cho tới nay, tác động của đà tăng giá kim loại chỉ thể hiện chủ yếu ở các ngành thượng nguồn, bao gồm khai khoáng và xử lý vật liệu thô, trong khi đà tăng giá ở các ngành hạ nguồn như nội thất và dệt may vẫn rất yếu, theo phân tích của Bloomberg Economics.

Cơn sốt giá hàng hóa được thúc đẩy bởi sự hồi phục của kinh tế toàn cầu, tình trạng hụt cung vì đại dịch Covid-19 và các gói kích thích kỷ lục trên thế giới.

“Các sản phẩm công nghiệp Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 5/2021 khi giá hàng hóa, bao gồm dầu thô, quặng sắt và kim loại màu, tăng mạnh và nhu cầu nội địa hồi phục dần dần”, Dong Lijuan, Chuyên gia kinh tế tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong tuyên bố. Trong 9% tăng trưởng của PPI, hiệu ứng so với nền thấp (base effects) đóng góp 3 điểm phần trăm và đà tăng giá hàng hóa đóng góp 6 điểm phần trăm, bà cho biết.

Sự chuyển dịch từ PPI sang CPI vẫn khá hạn chế vì mối quan hệ giữa hai yếu tố này đã yếu đi. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp nhỏ - vì sự trỗi dậy của thương mại điện tử - và nhu cầu nội địa yếu ớt đã buộc các nhà máy Trung Quốc hấp thụ đà tăng giá đầu vào thay vì chuyển chúng sang người tiêu dùng ở quê nhà.

CPI lõi tăng 0.9%, khi mà phần lớn đà tăng của CPI đến từ các hàng hóa không phải thực phẩm. Đà giảm 24% của giá thịt heo đã kìm hãm bớt đà tăng từ các thực phẩm khác.

Các cơ quan chức trách cho biết PPI có khả năng tiếp tục tăng cho tới hết quý 2/2021 trước khi tiết giảm bớt trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, NHTW Trung Quốc có khả năng không nâng lãi suất để đối phó với lạm phát, đồng thời giữ thanh khoản ở hệ thống ngân hàng trong tình trạng cân bằng, các chuyên gia kinh tế cho biết.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI