Trung Quốc nhắm tới hành vi đầu cơ tích trữ để hạ nhiệt giá hàng hóa

Trung Quốc nhắm tới hành vi đầu cơ tích trữ để hạ nhiệt giá hàng hóa

Trung Quốc đã đẩy mạnh một chiến dịch hạ nhiệt cơn sốt nguyên vật liệu thô, cam kết nghiêm trị các hành vi từ đầu cơ tích trữ cho tới lan truyền tin giả.

Chính phủ Trung Quốc sẽ “không chấp nhận” sự độc quyền trên thị trường giao ngay và kỳ hạn, đồng thời nghiêm trị các hành vi đầu cơ tích trữ, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết trong một tuyên bố.

Nỗ lực hạ nhiệt giá nguyên vật liệu của Chính phủ Trung Quốc đang gây tác động tiêu cực tới thị trường hàng hóa, trong đó giá nhôm suy giảm, còn giá thép rớt hơn 5% và giá quặng sắt giảm gần hết biên độ hàng ngày.

“Trong bối cảnh xảy ra rủi ro Chính phủ can thiệp, giá chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý”, Li Ye, Chuyên viên phân tích tại Shenyin Wanguo Futures, cho biết. “Đà tăng nhanh chóng của giá hàng hóa đã tác động xấu tới các nhà sản xuất và đơn đặt hàng, dẫn tới tình trạng thua lỗ và phá sản”.

Giá hàng hóa đã tăng mạnh trong năm nay khi tâm lý lạc quan về đà hồi phục kinh tế toàn cầu thúc đẩy niềm tin về đà tăng của nhu cầu hàng hóa. Chỉ số theo dõi giá nguyên vật liệu của Bloomberg tăng lên mức đỉnh 10 năm.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang rơi vào thế khó vì đà tăng của giá hàng hóa một phần đến từ các biện pháp cắt giảm sản lượng của chính họ, cụ thể là ngành thép.

Tuyên bố này của NDRC có thể chưa phải là tuyên bố cứng rắn nhất từ phía Chính phủ Trung Quốc. Họ đã lên tiếng cảnh báo về giá nguyên vật liệu thô trong tháng 4/2021.

Các lãnh đạo từ các nhà sản xuất quặng sắt, thép, đồng và nhôm đã họp với 5 cơ quan chính phủ ở Bắc Kinh trong ngày 23/05. Tại đây, các cơ quan chính phủ cho biết chính tình trạng đầu cơ qua mức và giá quốc tế ngày càng tăng là nguyên do dẫn tới đà tăng gần đây.

Các nỗ lực hãm phanh đà tăng của giá hàng hóa sẽ càng làm cuộc tranh cãi về lạm phát thêm phần gay gắt hơn. Tháng 4/2021, giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong 3 năm, làm dấy lên lo ngại nguyên vật liệu thô đắt đỏ hơn có thể bẻ gãy đà hồi phục hoặc thúc đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn.

Thế nhưng, sự thật là Bắc Kinh đang phải giải quyết vấn đề mà chính họ đã “góp phần” tạo ra, rõ ràng nhất là ngành thép. Giá thép tăng kỷ lục sau khi Chính phủ đưa ra các biện pháp kiểm soát sản lượng.

“Cứ mỗi 1 tuần thì Chính phủ lại đưa ra thêm 1 tuyên bố nhằm cố xoa dịu vết thương mà chính họ tự gây ra với các tuyên bố về cải cách công suất thép”, Atilla Widnell, Giám đốc quản lý tại Navigate Commodities, cho hay.

Tính tới 11h (giờ Bắc Kinh), hợp đồng kỳ hạn thép thanh Trung Quốc giảm 3.7%, còn hợp đồng kỳ hạn HRC giảm 4% và quặng sắt sụt 4.5%.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI