Campuchia đã sẵn sàng thoát mác "quốc gia kém phát triển"

Campuchia đã sẵn sàng thoát mác "quốc gia kém phát triển"

Campuchia đang trong tư thế sẵn sàng để giảm thiểu tối đa những rủi ro kinh tế khi nước này thoát khỏi mác “quốc gia kém phát triển” (LDC), một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Campuchia (MoC) cho biết hôm 07/05, Phnom Penh Post đưa tin.

Tuần trước, 4 nước thuộc nhóm “Quốc gia Kém Phát triển” (gồm có Campuchia, Lào, Bangladesh và Nepal) đã họp tại buổi hội thảo trực tuyến nhằm tìm ra các giải pháp tiềm năng để quản lý suôn sẻ việc thoát khỏi mác quốc gia kém phát triển theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc (UN).

Các nước cũng đã thảo luận về những thách thức tiềm ẩn sau khi thoát mác “quốc gia kém phát triển” và đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành dệt may.

Tham gia sự kiện, Quốc Vụ khanh MoC, ông Pich Rithy đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực may mặc trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia. Ông cũng nêu rõ những lợi ích của ưu đãi thuế quan mà Vương quốc được hưởng khi khối lượng xuất khẩu gia tăng.

Theo ông Rithy, việc thoát mác Quốc gia Kém Phát triển có thể đem lại cho Campuchia những tổn thương về mặt kinh tế. Sự ảnh hưởng đến những ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ, thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh và các cơ hội được hỗ trợ thương mại cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có thể tác động đến lĩnh vực dệt may và hàng may mặc.

Ông nói: “Để giải giải quyết những thách thức này, Campuchia đã vạch ra các chính sách và chiến lược để thúc đẩy vị thế cạnh tranh và chuẩn bị cho việc thoát khỏi tình trạng LDC thành công. Đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương là một trong những chính sách đó”.

Về phía Hiệp hội các Nhà sản xuất Hàng may mặc Campuchia (GMAC), Phó chủ tịch Kaing Monika cho biết, sự phát triển của lĩnh vực tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế và nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân.

Ông nói: “Mọi người đều được hưởng thành quả của xu hướng tăng trưởng này chứ không riêng công nhân của ngành dệt may. Cùng với những thành viên khác của lĩnh vực tư nhân, chúng tôi là một trong những đối tác của Chính phủ cùng làm việc với nhau để hiện thực hóa mục tiêu này thông qua những cải cách hành chính liên tục và các chính sách mang lại lợi ích cho môi trường kinh doanh”.

“Trong quá trình tăng trưởng và phát triển, chúng ta sẽ thoát khỏi nhóm Quốc gia Kém Phát triển. Đây thật sự là một bước ngoặt đáng hoan nghênh dù rằng chúng tôi chịu mất đi một số lợi ích như ưu đãi thương mại đơn phương từ các quốc gia phát triển”, ông nói.

“Tuy nhiên, không phải là không có giải pháp cho vấn đề này. Chúng tôi đề cao và ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì môi trường đầu tư lớn hơn và tốt hơn cũng như khả năng tiếp cận thị trường thông qua FTA song phương và khu vực. Phát triển kỹ năng, cải thiện năng suất và cải cách hành chính nội bộ sẽ là công việc không ngừng của chúng tôi”, ông nói thêm.

Trong quý 1/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch của Campuchia giảm 6.48% từ mức 2.577 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan và Thuế gián Thu Campuchia (GDCE).

Xét riêng lẻ của GDCE, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc giảm 6.43%, từ mức 1.897 tỷ USD còn 1.775 tỷ USD; giày dép giảm 7.33%, từ 341 triệu USD còn 316 triệu USD; sản phẩm du lịch (gồm vali, ba lô, túi xách và ví) giảm 5.89% từ 339 triệu USD còn 319 triệu USD.

Khai Tâm (Theo Phnom Penh Post)

FILI