Ông Lê Anh Tuấn (Dragon Capital): Chứng khoán Việt không còn phụ thuộc vào vốn ngoại

Ông Lê Anh Tuấn (Dragon Capital): Chứng khoán Việt không còn phụ thuộc vào vốn ngoại

Đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ dẫn dắt xu hướng thị trường chứng khoán, trong khi bất động sản và ngân hàng là 2 nhóm ngành hưởng lợi nhiều nhất. Đây là chia sẻ của ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc tư vấn đầu tư tại Dragon Capital tại buổi hội thảo “dòng tiền đang về đâu” diễn ra vào 09/04.


Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc tư vấn đầu tư tại Dragon Capital

Định giá vẫn thấp nhất trong khu vực

Nhìn qua lăng kính của quá khứ, ông Lê Anh Tuấn cho rằng thị trường Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc về cả vốn hóa thị trường lẫn thanh khoản. Cụ thể, vốn hóa thị trường đã tăng lên 250 tỷ USD, gấp hơn 6 lần so với năm 2010. Thanh khoản cũng tăng gần 8 lần trong giai đoạn 2010 đến nay.

Bên cạnh đó, độ rộng của thị trường – tức số lượng cổ phiếu dẫn dắt – cũng đã mở rộng rất nhiều. “Giai đoạn kinh tế tăng trưởng nóng trong năm 2010-2012, chỉ 28% cổ phiếu tăng vượt VN-Index, nhưng đến nay con số này đã tăng lên 59%. Điều này có nghĩa độ rộng của thị trường đã tăng rất nhiều”, ông Tuấn cho biết. Điều này có nghĩa thị trường chứng khoán Việt không còn phụ thuộc vào một nhóm nhỏ cổ phiếu.

Độ rộng của thị trường

Về định giá, dù nhiều cổ phiếu đã tăng 50-70% từ đáy tháng 3/2020, nhưng định giá của thị trường Việt Nam vẫn đang ở mức thấp nhất trong khu vực. Theo ông Tuấn, định giá của Việt Nam sẽ không nhanh chóng tăng lên bằng các nước trong khu vực vì cơ sở nhà đầu tư của Việt Nam chưa bằng những nước khác, nhưng sẽ diễn ra 3-5 năm tới.

Khối ngoại không còn tác động mạnh tới chứng khoán Việt

Nếu dòng vốn của khối ngoại dẫn dắt thị trường ở giai đoạn 2013-2019, thì đến nay tác động đó đã giảm đi rất nhiều. Bằng chứng là từ tháng 2/2020 đến nay, khối ngoại bán ròng hơn 2.5 tỷ USD, nhưng chỉ số VN-Index vẫn tăng trưởng mạnh và đến nay đã vượt mốc 1,200 điểm.

“Đây là một điểm cực sáng của thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây”, ông Tuấn đánh giá.

Đằng sau đó là sự nhập cuộc của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Theo ước tính của chuyên gia Dragon Capital, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ở mức tối thiểu là 5,000 USD/người. Đây là một cột mốc rất quan trọng vì ở trường hợp của Đài Loan, thời điểm GDP bình quân đầu người vượt 5,000 USD/người cũng là lúc nhà đầu tư cá nhân tăng vọt.

“Vì với GDP đạt 5,000 USD/người, người dân không phải lo cơm áo gạo tiền nữa, thay vào đó họ bắt đầu đầu tư vào sản phẩm tài chính dẫn đến bùng nổ về số lượng tài khoản, chứ không chỉ vì người dân ở nhà (vì Covid-19) cảm thấy buồn chán nên mở tài khoản giao dịch”, ông Tuấn nhận định.

Ngoài ra, sự ra đời của hệ thống mở tài khoản trực tuyến eKYC cũng tạo điều kiện để những người không ở Tp.HCM và Hà Nội dễ dàng tiếp cận với thị trường, từ đó góp phần vào sự bùng nổ của lượng tài khoản mở mới.

Bằng chứng là sau khi có hệ thống eKYC, số lượng tài khoản mở mới bình quân mỗi tháng đã tăng lên 57,000 tài khoản, cao gấp đôi so với giai đoạn trước đó. Đỉnh điểm là tháng 3 vừa qua, số tài khoản mới mở lên gần 114 ngàn tài khoản, cao nhất từ trước đến nay.

“Trong vòng 3-5 năm tới, số lượng tài khoản mở mới sẽ đạt 50-70 ngàn tài khoản/tháng”, ông Tuấn dự báo.

Thị trường sẽ có thêm 30,000 tỷ đồng để cho vay margin?

Thời gian qua, gần như không còn tiền để vay ký quỹ thêm. Vị chuyên gia Dragon Capital lý giải rằng lượng nợ margin/vốn chủ sở hữu tại các CTCK đã tăng tương đối, nhưng trong giai đoạn 2017-2020, vốn chủ sở hữu của các CTCK tăng lên quá thấp và dẫn tới lượng cho vay margin không đuổi kịp tốc độ tăng của thị trường.

Nguồn: Dragon Capital

Tuy nhiên, vấn đề này có thể được xử lý trong năm 2021 do vốn chủ sở hữu của các CTCK sẽ tăng gần 650 triệu USD và do đó, lượng cho vay ký quỹ có thể tăng thêm 30,000 tỷ đồng, theo ước tính của Dragon Capital.

Ngành bất động sản và ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường?

Về xu hướng của năm 2021, vị Giám đốc tư vấn đầu tư Dragon Capital cho rằng đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ dẫn dắt xu hướng thị trường chứng khoán, trong khi bất động sản và ngân hàng là 2 nhóm ngành hưởng lợi nhiều nhất.

Bất động sản (BĐS) là ngành xương sống trong phát triển kinh tế Việt Nam và vẫn đang rất ổn. Ông Tuấn dự báo 2021 là năm bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới với số lượng giao dịch bất động sản tăng, khả năng hấp thụ cao và ổn định.

Trong khi đó, chất lượng của hệ thống ngân hàng đang chuyển từ xấu sang tốt. Theo ông Tuấn, vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm không phải là nợ xấu mà là khả năng tạo lợi nhuận của ngân hàng.

Đỏ là xấu, vàng trung bình, xanh là tốt. Nguồn: Dragon Capital

Trong năm 2017-2020, ngành ngân hàng luôn là ngành dẫn dắt thị trường với tỷ trọng khoảng 28-30% VN-Index. Ông Tuấn cho rằng 2021 vẫn là năm sáng với lĩnh vực ngân hàng.

Kỳ vọng hệ thống giao dịch hết nghẽn vào tháng 8/2021?

Khi thanh khoản bắt đầu tăng mạnh trong những tháng qua, hệ thống giao dịch của sàn HOSE liên tục xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh. “Với ý chí, quyết tâm của Sở, Chính phủ và sự tham gia của các tập đoàn lớn, chúng tôi kỳ vọng hệ thống sẽ được xử lý trước tháng 8/2021”, ông Tuấn cho biết. “Nếu không, chúng ta sẽ có hệ thống giao dịch của Hàn Quốc vào quý 1/2022”.

Vũ Hạo

FILI