Nhà kinh tế Angus Deaton: Đánh thuế người giàu để hồi phục từ Covid là ý tưởng tồi

Nhà kinh tế Angus Deaton: Đánh thuế người giàu để hồi phục từ Covid là ý tưởng tồi

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Angus Deaton, cho rằng đánh thuế tài sản để có tiền thanh toán các khoản nợ do đại dịch gây ra - và có thể được áp dụng vĩnh viễn nếu được chấp thuận - là cách “dở tệ”.

Đánh thuế người có thu nhập cao là điều khó thực hiện và càng làm cho người giàu có những động lực lớn để tránh nó - chắc chắn họ sẽ làm thế”, Deaton, giáo sư Đại học Princeton, người đang thực hiện nghiên cứu chính thức về sự bất bình đẳng ở Vương quốc Anh, nêu quan điểm.

Ý kiến của ông hoàn toàn trái ngược với việc ngày càng có nhiều chính trị gia kêu gọi những người giàu nhất chia sẻ thêm gánh nặng của khoản vay kỷ lục mà các Chính phủ thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng một khoản thuế tạm thời sẽ giúp giảm bớt bất bình đẳng xã hội tăng sâu trong đại dịch.

Trong một cuộc phỏng vấn, đồng tác giả cuốn “Deaths of Despair” (người còn lại là vợ ông, nhà kinh tế học Anne Case) cho rằng thuế tài sản “một lần” có khả năng biến thành loại thuế “vĩnh viễn”, giống như những gì đã xảy ra với thuế thu nhập. Nước Anh đã áp dụng thuế đối với những khoản tài trợ cho cuộc chiến do Napoléon gây ra và giờ đây, nó là một trong những nguồn thu nổi bật nhất.

Sau một thập kỷ thắt lưng buộc bụng ở Anh sau cuộc khủng hoảng tài chính, Deaton cũng khuyến nghị không nên cắt giảm các dịch vụ xã hội, và cảnh báo “những người cho rằng sẽ có diệt vong, thâm hụt ngân sách, yêu cầu thắt lưng buộc bụng” đã tạo ra thảm họa bởi điều đó đã cắt giảm những nguồn quỹ dành cho y tế và giáo dục.

Deaton hiện dẫn đầu một nhóm chuyên gia ở Vương quốc Anh đang tìm cách giảm bớt sự bất bình đẳng, khi người trẻ tuổi và những người có trình độ học vấn thấp hơn ngày càng bị bỏ lại phía sau những người giàu có. Viện Nghiên cứu Tài khóa có kế hoạch công bố những phát hiện của họ vào năm 2023.

Deaton cho biết các xu hướng nổi bật do đại dịch mang lại đã bộc lộ ở cả Mỹ và Vương quốc Anh. Giáo dục đang trở thành biến số quan trọng hơn trong việc xác định kết quả cuộc sống của con người. Ngoài ra, thất nghiệp - trước giờ được xem như một chỉ báo về sức khỏe của nền kinh tế - đang trở nên ít hữu ích hơn. Mặc dù sự phục hồi khỏi những cuộc suy thoái do đại dịch gây ra sẽ tạo ra việc làm, nhưng Deaton cho rằng nhiều người hơn đang bị bỏ lại phía sau.

Trong những đợt bùng nổ kinh tế, mọi thứ luôn được cải thiện, nhưng không bao giờ đạt đỉnh như trước đó. Bạn nhận được sự đi xuống vô tận. Đó là điều mà chúng ta thực sự cần xoay chuyển và sẽ rất khó khăn”, Deaton nói.

Nhã Thanh (Theo Fortune)

FILI