Lĩnh vực dịch vụ bắt đầu gượng dậy tại Mỹ và nhiều quốc gia khác

Lĩnh vực dịch vụ bắt đầu gượng dậy tại Mỹ và nhiều quốc gia khác

Sự bùng nổ của lĩnh vực sản xuất đang tạo cú huých cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Ngoài ra, gần đây lĩnh vực dịch vụ cũng bắt đầu khởi sắc nhờ chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Sau đà giảm mạnh hồi năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ bật dậy mạnh mẽ trong năm nay. Đó là nhờ chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đã giúp nhiều doanh nghiệp dịch vụ mở cửa hoạt động trở lại và hoạt động sản xuất bật tăng mạnh.

Những dấu hiệu phục hồi đã thể hiện rõ tại Mỹ và Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát các nhà quản lý thu mua được công bố hôm 23/4 còn cho thấy rằng châu Âu đang bắt đầu tham gia vào làn sóng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, những mối đe dọa tác động đến tăng trưởng toàn cầu vẫn còn đó, nhất là nguy cơ xuất hiện các biến thể có khả năng kháng vắc-xin Covid-19 và dễ lây lan. Nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Một số quốc gia đang đối mặt với làn sóng Covid-19 mới, trong đó, Ấn Độ hôm 22/04 ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh.

Đối với nền kinh tế Mỹ, dữ liệu từ IHS Markit cho thấy, chỉ số nhà quản lý thu mua (PMI) về dịch vụ đã nhảy vọt từ mức 60.4 (hồi tháng 3) lên mức 63.1, mức cao nhất 11 năm qua. Nhiều doanh nghiệp dịch vụ còn ghi nhận tăng trưởng vượt bậc trong ngành nghề kinh doanh mới nhờ nhu cầu mạnh từ người tiêu dùng và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Theo khảo sát của IHS Markit, các nhà sản xuất tại Mỹ cho biết hoạt động sản xuất tăng mạnh trong tháng 4/2021 dù họ gặp nhiều khó khăn về vấn đề nguyên vật liệu. Tính đến ngày 23/04, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tăng vọt lên mức 60.6, từ mức 59.1 hồi tháng 3.

“Nền kinh tế Mỹ đang khởi đầu quý 2 với sự trỗi dậy của mọi lĩnh vực khi việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, tốc độ triển khai vắc-xin ấn tượng, viễn cảnh tươi sáng hơn và các gói kích thích thúc đẩy nhu cầu”, Chris Williamson, Kinh tế trưởng của IHS Markit nhận xét.

Nhiều nước châu Âu vẫn duy trì biện pháp hạn chế với những dịch vụ cần có sự tiếp xúc gần và hầu hết các hình thức du lịch quốc tế đều vẫn bị hạn chế. Tuy nhiên, dữ liệu của IHS Markit ghi nhận đà tăng trưởng đầu tiên của lĩnh vực dịch vụ kể từ tháng 8/2020 và lĩnh vực sản xuất tiếp tục thể hiện đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Nền kinh tế khu vực châu Âu có khả năng sụt giảm trong quý 1/2021 do tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 vẫn còn khá cao và chương trình tiêm chủng vắc-xin diễn ra tương đối chậm chạp. Tuy nhiên, khảo sát tháng 4 cho thấy rằng, khu vực kinh tế chung này sẽ quay lại đà trăng trưởng trong quý 2/2021.

Nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuẩn bị khởi động lại hoạt động kinh doanh. Cuộc khảo sát của IHS Markit cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động mới chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 do số lượng đơn đặt hàng tại nhà máy tăng kỷ lục.

Nhiều dấu hiệu liên tục cho thấy nhịp độ phục hồi của hoạt động sản xuất toàn cầu đang gây áp lực cho chuỗi cung ứng – một yếu tố có thể kìm hãm tăng trưởng. Tại khu vực châu Âu, nhiều doanh nghiệp cho biết, thời gian chờ để nhận hàng từ nhà cung cấp đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 23 năm qua, trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Dù gặp nhiều vấn đề liên quan đến việc thiếu nguồn cung vắc-xin Covid-19 và những lo ngại về phản ứng phụ, số lượng được tiêm chủng tại châu Âu có dấu hiệu tăng mạnh trong vài tuần trở lại đây. Điều này mang lại niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho nhiều hộ gia đình. Theo kết quả một cuộc khảo sát riêng lẻ của Ủy ban châu Âu (EC) được công bố hôm 22/04, niềm tin tiêu dùng tại khu vực châu Âu trong tháng 4 đã chạm mức đỉnh trong giai đoạn đại dịch, sau đà tăng mạnh bất ngờ trong tháng 3.

Khác hẳn với khu vực châu Âu, tốc độ tiêm chủng tại nước Anh lại diễn ra cùng nhịp với Mỹ. Sự tiến triển nhanh chóng này đã góp phần thúc đẩy niềm lạc quan của các doanh nghiệp và hộ gia đình với hy vọng Anh sẽ tái khởi động phần lớn các lĩnh vực đã bị đóng băng trong năm vừa qua vào cuối tháng 6/2021.

Anh bắt đầu dỡ bỏ một số hạn chế trong tháng 4/2021 và điều này ngay lập tức có ảnh hưởng đến xu hướng tăng trưởng của xứ sở sương mù. Theo kết quả khảo sát về PMI, hoạt động sản xuất và kinh doanh trong tháng 4 tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2013.

Khảo sát cũng cho thấy sự khởi sắc tại Nhật Bản. Trên thực tế, chỉ số PMI về cả sản xuất lẫn dịch vụ của nền kinh tế thứ 3 thế giới đã tăng lên mức 50.2 trong tháng 4/2021, từ mức 49.9 của tháng trước đó. Đây là tháng ghi nhận sự mở rộng đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu ập đến xứ sở mặt trời mọc.

Tuy nhiên, có lẽ Nhật Bản sẽ cần thêm vài tháng nữa mới có thể mở cửa lại toàn bộ các hoạt động kinh tế. Hôm 22/04, Chính phủ nước này cho biết sẽ áp đặt lại tình trạng khẩn cấp về Covid-19 từ ngày 25/04 -11/05 tại thủ đô Tokyo và các tỉnh Osaka, Kyoto sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt do tình trạng tụ tập đông người tại các trung tâm đô thị.

Tại Australia, công tác phòng chống dịch có vẻ nghiêm ngặt hơn so với tại châu Âu và Nhật Bản. Khảo sát cho thấy, kinh tế Australia tăng trưởng mạnh trong suốt tháng 4. PMI về cả sản xuất lẫn dịch vụ tăng từ mức 55.5 (hồi tháng 3) lên mức 58.8, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Khai Tâm (Theo Wall Street Journal)

FILI