Núi nợ ngầm của Trung Quốc phình to giữa đại dịch Covid-19

Núi nợ ngầm của Trung Quốc phình to giữa đại dịch Covid-19

Các chính quyền địa phương tại Trung Quốc có 14.8 ngàn tỷ Nhân dân tệ (2.3 ngàn tỷ USD) nợ ngầm trong năm 2020 và con số này có thể tiếp tục tăng trong năm nay, theo một viện nghiên cứu có liên kết với Chính phủ Trung Quốc.

Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành trong năm 2020, các chính quyền địa phương chịu áp lực phải tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và vực dậy tăng trưởng. Điều này dẫn tới đà tăng 6% của các khoản vay ngầm, từ 13.9 tỷ Nhân dân tệ (quý 3/2019) lên 14.8 ngàn tỷ Nhân dân tệ, theo Liu Lei, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NIFD).

Núi nợ ngầm này bao gồm các khoản vốn do các thực thể liên quan tới Chính phủ Trung Quốc huy động cho các dự án cơ sở hạ tầng và dự án công khác. Ngoài ra, lượng trái phiếu do các công ty tài trợ cho chính quyền địa phương (LGFV) phát hành cũng là một ví dụ về cách các cơ quan địa phương huy động vốn mà không phải thêm vào trong các bảng cân đối kế toán chính thức.

Núi nợ ngầm của Trung Quốc ngày càng tăng

Để đạt mục tiêu giảm bớt rủi ro trong nền kinh tế, Trung Quốc cam kết giảm bớt đòn bẩy và hạ tỷ lệ nợ Chính phủ trong năm 2021. Mục tiêu này khó mà đạt được khi các khoản chi từ ngân sách không đủ để giúp Trung Quốc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng kinh tế đến năm 2035, ông Liu cho biết.

“Các chính quyền địa phương sẽ tìm cách để gia tăng núi nợ ngầm vì họ đang chịu áp lực mở rộng đầu tư”, ông Liu cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Trong dài hạn, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều cơn gió ngược, bao gồm môi trường nước ngoài bất ổn và dân số già hóa”.

Trung Quốc không có một tài khoản chính thức để theo dõi núi nợ ngầm của chính quyền địa phương, vì về cơ bản, điều này vi phạm luật. Các ước tính của mỗi định chế tài chính về nợ ngầm lại khác nhau.

Tính toán của ông Liu có bao gồm trái phiếu do LGFV phát hành và các khoản vay của quỹ tín thác, tổ chức bảo hiểm và các công ty đầu tư khác có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Liu không tính tới các khoản vay ngân hàng của LGFV – vốn được sử dụng cho các dự án thương mại thay vì các dự án công.

Với núi nợ ngầm này, các thực thể đi vay có thể phải trả hơn 700 tỷ Nhân dân tệ tiền lãi mỗi năm, vì các khoản vay này có lãi suất cao hơn so với trái phiếu Chính phủ, ông cho biết. Ngoài ra, chúng cũng tạo rủi ro gây bất ổn hệ thống tài chính Trung Quốc, vì nợ ngầm này xuất phát từ tất cả dạng định chế tài chính như ngân hàng, công ty môi giới và quỹ tín thác, ông Liu nói thêm.

Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ

Các công ty bất động sản, các công cụ tài trợ của chính quyền địa phương và các nhà sản xuất năng lượng nằm trong nhóm các công ty có nguy cơ vỡ nợ cao nhất.

Chính quyền Trung Quốc đang ưu tiên giảm thiểu rủi ro tài chính trong năm nay khi nền kinh tế phục hồi mang đến cho nước này cơ hội để giải quyết núi nợ khổng lồ của quốc gia. Tuy nhiên việc siết chặt thanh khoản cũng đẩy nhiều doanh nghiệp trước nguy cơ vỡ nợ.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, kể từ đầu năm đến nay, những người đi vay ở Trung Quốc đã vỡ nợ khoảng 10 tỷ USD trái phiếu, mức cao nhất được ghi nhận so với cùng kỳ những năm trước.

“Khi chính sách tín dụng được bình thường hóa, việc đảo nợ sẽ khó khăn hơn và chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều vụ vỡ nợ hơn trong các quý tới”, Carol Liao - nhà kinh tế Trung Quốc tại Pimco Asia Ltd. cho biết. Theo bà, các ngành công nghiệp dư thừa công suất hoặc phát triển quá nóng, không thân thiện với môi trường sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn nhất. Nó bao gồm ngành công nghiệp than và các nhà phát triển bất động sản nhỏ hơn, vốn có tỷ lệ đòn bẩy cao với các dự án tập trung ở các thành phố cấp thấp của Trung Quốc.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI