Những dự báo trái chiều về kinh tế Campuchia

Những dự báo trái chiều về kinh tế Campuchia

Những người trong cuộc, các chuyên gia kinh tế cũng như những nhà cố vấn và quan chức Nhà nước đều tán thành rằng tăng trưởng kinh tế Campuchia đang thể hiện sự phục hồi sau khi suy giảm hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra các dự báo khác nhau, chủ yếu là do những thách thức từ sự bùng phát dịch vào ngày 20/02 và việc Vương quốc ứng phó với chúng ra sao vẫn còn là dấu chấm hỏi.

Dịch bùng phát trở lại tại Campuchia do 4 công dân Trung Quốc nhiễm Covid-19 trốn khỏi khu cách ly tại một khách sạn ở Phnom Penh sau đó đến nhiều nơi ở Campuchia và lây nhiễm cho nhiều người trong cộng đồng. Tình trạng này đã châm ngòi cho sự tác động mới nhất đến quá trình khôi phục kinh tế của nước này.

Đầu năm nay, Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia (MEF) dự báo tăng trưởng kinh tế nước này có thể phục hồi 4% trong năm 2021 sau khi sụt giảm 3.1% hồi năm ngoái.

Theo MEF, lĩnh vực nhà hàng - khách sạn tăng 0.3%; ngành dệt may tăng 4.5%; xây dựng tăng 2.9%, bất động sản tăng 2.7%; sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp tăng lần lượt 1.3% và 12.5%.

Phát biểu tại diễn đàn về “Luật Ngân sách và Quản lý kinh tế vĩ mô 2021”, Quốc vụ khanh MEF, ông Vongsey Vissoth, cho rằng không chỉ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia được kỳ vọng tăng 4% mà tất cả các lĩnh vực đều được kỳ vọng tăng trong năm nay.

Vongsey Vissoth

Vị quan chức này cho rằng, mức tăng trưởng dự báo 4% thể hiện sự “khiêm tốn” của MEF bởi vì Bộ vẫn nhận thấy rằng Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết với Trung Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và FTA sớm được ký kết với Hàn Quốc sẽ thu hút thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Campuchia.

Ngược lại, chuyên gia kinh tế Chheng Kimlong tại Viện Tầm nhìn châu Á (AVI), lưu ý rằng Campuchia có thể không đạt được mức tăng trưởng 4% nếu hậu quả của sự kiện việc ngày 20/02 kéo dài hơn kỳ vọng hiện nay. Vị chuyên gia này cho rằng, tăng trưởng kinh tế Campuchia năm 2021 có thể chỉ đạt 3% chứ không tới 4% như Chính phủ và MEF dự báo nếu ảnh hưởng của sự kiện hôm 20/02 kéo dài.

Ông Chheng Kimlong cho biết thêm, tăng trưởng thậm chí có thể còn thấp hơn nếu như sự kiện này tiếp tục kéo dài đến giữa năm. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả người dân Campuchia trong việc chung tay cùng Chính phủ để khống chế dịch bệnh lây lan bằng cách tuân thủ chỉ đạo của Nhà nước.

Thourn Sinan, Chủ tịch Chi hội PATA Campuchia, một bộ phận của Hiệp hội du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA), cho rằng, ông không nhận thấy xu hướng tăng trưởng dương nào trong năm nay.

Ông Thourn Sinan còn cho rằng ngành du lịch của Vương quốc gần như ở mức 0%. “Do hoạt động đi lại của người dân bị hạn chế, có thể tự nguyện hoặc bị bắt buộc, chúng tôi không biết hoạt động kinh tế nào sẽ mang lại hiệu quả”, vị chủ tịch này cho biết.

Mey Kalyan, Cố vấn cấp cao của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tối cao, cho rằng, thật sự rất khó đoán do mọi thứ có thể thay đổi nhưng ông cho rằng kinh tế Campuchia sẽ tiếp tục chậm lại trước khi tăng trưởng. Ông Kalyan nói thêm, do bị tác động bởi đại dịch hơn một năm qua, nền kinh tế buộc phải đi xuống bởi vì cả tiền tiết kiệm và tiêu dùng đều bị ảnh hưởng.

Nhà cố vấn này lưu ý, lượng tiêm chủng ngày càng tăng sẽ giúp cải thiện triển vọng kinh tế nhưng thật khó để đưa ra một con số chắc chắn về tăng trưởng. “Nếu chúng ta có thể giải quyết được đợt bùng phát trong cộng đồng hôm 20/02, chúng ta sẽ cần khoảng hai năm để nền kinh tế phục hồi vì chúng ta còn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, như du lịch”, ông nói.

Phó chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia, ông Lim Heng, cho biết, thương mại và các hoạt động kinh doanh trong nước đã trở nên vắng lặng kể từ sự kiện hôm 20/02.

Ông Heng cho rằng, nếu như tất cả mọi người cùng chung tay phòng chống Covid-19 thì ảnh hưởng của đợt bùng phát này sẽ kết thúc trong vòng một hoặc hai tháng mà không gây ra tác động quy mô lớn đến nền kinh tế. Ông Heng nói thêm, thúc đẩy cho đà tăng trưởng kinh tế gần đây chính là chương trình tiêm chủng vắc-xin, hoạt động chế biến nguyên vật liệu nông nghiệp, FDI, FTA với Trung Quốc, RCEP và việc ký kết các thoả thuận với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Theo vị quan chức này, Campuchia phải đảm bảo ít nhất 70% công dân được tiêm chủng để giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Nếu việc triển khai vắc-xin đạt dưới 70%, rất khó để đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế Vương quốc.

Theo Bộ Y tế Campuchia, tính đến cuối ngày 30/03, nước này ghi nhận tổng cộng 2,378 ca nhiễm Covid-19,  trong đó có 1,851 ca lây nhiễm trong cộng đồng 1,176 ca phục hồi và 10 ca tử vong.

Khai Tâm (Theo Khmer Times)

FILI