Giá USD 'nổi sóng'

Giá USD 'nổi sóng'

Tuần qua (08-12/03/2021), giá USD trên thị trường quốc tế tăng dữ dội trong phiên đầu tuần 08/03 sau khi Mỹ công bố một số số liệu kinh tế tích cực và Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) thờ ơ trước hiện tượng lợi tức trái phiếu tăng mạnh. Tuy nhiên, giá USD đã giảm đà tăng vào cuối tuần trong bối cảnh Mỹ sắp triển khai gói tín dụng mới cứu trợ nền kinh tế do ảnh hưởng bị đại dịch.

USD-Index sáng ngày 12/03 (11h05) ở mức 91.57 điểm, xấp xỉ phiên cuối tuần trước 05/03. Con số này giảm gần 1% so với mức 92.3 điểm của phiên đầu tuần 08/03.

Đồng USD mở rộng đà tăng từ cuối tuần trước và tăng áp đảo so với tất cả đồng tiền chủ chốt nhờ báo cáo việc làm tháng 2.

Theo đó, đồng USD trên thị trường quốc tế tăng dữ dội vào đầu tuần 08/03 sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này tạo ra thêm 379,000 việc làm trong tháng 2/2021 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6.2%, cao hơn nhiều so với dự báo có thêm 210,000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 6.3% trong tháng 1/2021.

Trước đó, Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết tuần trước đó, có 745,000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, thấp hơn so với ước tính 750,000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra.

Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể hồi phục tích cực và nhanh hơn kỳ vọng.

Bên cạnh đó, đồng bạc xanh tăng mạnh trong bối cảnh Chủ tịch Fed Jerome Powell không quá gay gắt đối với mức tăng đột biến gần đây của lợi suất trái phiếu Mỹ, khiến giới đầu tư đánh cược vào khả năng lợi suất trái phiếu còn tiếp tục tăng cao.

Đồng USD cũng được hưởng lợi, ít nhất trong ngắn hạn, từ sự kỳ vọng của thị trường về đà hồi phục kinh tế, sau khi lưỡng viện Mỹ thông qua đề xuất gói kích thích 1,900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.

Dù vậy, trong dài hạn, đồng USD được dự báo chịu áp lực giảm do lạm phát có thể tăng. Đà tăng không bền vững do nền kinh tế toàn cầu cải thiện, thúc đẩy nhu cầu. Giá dầu tăng mạnh thời gian gần đây sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới.

Tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2020 đến ngày 12/03/2021
Nguồn: SBV

Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tuần qua cũng diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD sáng ngày 12/03 ở mức 23,183 đồng, tăng 17 đồng, tương đương tăng 0.1% so với phiên cuối tuần trước (05/03). Với biên độ +/-3%, giá trần là 23,878 đồng/USD và giá sàn là 22,488 đồng/USD.

NHNN niêm yết giá mua giao ngay không đổi ở mức 23,125 đồng/USD và tăng tỷ giá bán thêm 39 đồng so với ngày 05/03, lên mức 23,850 đồng/USD.

Giá mua vào USD tại ngân hàng từ đầu năm 2020 đến ngày 12/03/2021
Nguồn: VCB

Tỷ giá USD/VND ngân hàng theo đó cũng tăng thêm 15 đồng ở cả 2 chiều mua và bán, tương đương tăng 0.1% so với phiên 05/03, phổ biến ở mức 22,930/23,140 đồng/USD.

Giá mua vào USD trên thị trường tự do từ đầu năm 2020 đến ngày 12/03/2021
Nguồn: tygiadola.com

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do vẫn neo ở mức cao 23,750/23,830 đồng/USD, giảm 20 đồng ở chiều mua vào, trong khi tăng 10 đồng ở chiều bán ra so với ngày 05/03. Mức tỷ giá này trên thị trường tự do vẫn đang cao hơn tỷ giá tại ngân hàng, khi giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn thế giới đến 7.6 triệu đồng/lượng.

Khang Di

FILI