Tăng mạnh chi phí dự phòng, SHB báo lãi trước thuế 2020 tăng 13%

Tăng mạnh chi phí dự phòng, SHB báo lãi trước thuế 2020 tăng 13%

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2020 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNXSHB), chi phí dự phòng rủi ro tăng 88% so với năm trước kéo lãi trước và sau thuế năm 2020 chỉ tăng 13%, đạt hơn 3,412 tỷ đồng và 2,727 tỷ đồng.

Trong quý 4, hoạt động kinh doanh của SHB cho các kết quả không đồng nhất. Thu nhập lãi thuần tăng 33% so cùng kỳ, đạt gần 3,313 tỷ đồng, nhưng các nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm như lãi từ dịch vụ (-45%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (-40%), lãi từ hoạt động khác (-12%). 

Chỉ riêng hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đem về khoản lãi gấp 3 lần cùng kỳ, gần 898 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 64% (3,418 tỷ đồng), nhưng SHB tăng đến 97% (2,612 tỷ đồng) chi phí dự phòng rủi ro trong quý 4, làm cho lãi trước và sau thuế chỉ tăng 5% lên mức hơn 805 tỷ đồng và 642 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2020, SHB dành đến 4,534 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, tăng 88% so với năm trước, chính khoản trích lập này đã "ăn mòn" đến 57% lợi nhuận thuần (7,947 tỷ đồng). Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế năm 2020 chỉ tăng 13% so năm trước, đạt hơn 3,412 tỷ đồng và 2,727 tỷ đồng. Như vậy, SHB đã vượt 4% so với kế hoạch lãi trước thuế 3,268 tỷ đồng cho cả năm 2020.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm của SHB âm đến 6,040 tỷ đồng, trong khi năm trước dương đến 15,978 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng chi phí lãi và các khoản chi phí đã trả tương tự, tăng tiền chi cho nhân viên, tăng các khoản tiền gửi và cho vay TCTD khác, giảm các khoản tiền gửi, tiền vay TCTD khác.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2020 của SHB. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của SHB

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản tăng 13% so với đầu năm, lên mức hơn 412,918 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 46% (14,805 tỷ đồng), cho vay các TCTD khác chỉ còn 676 triệu đồng, trong khi cùng kỳ hơn 91 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng tăng 15% so với đầu năm, ghi nhận 305,637 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ (22.56%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (16.71%), công nghiệp chế biến chế tạo (13.87%), xây dựng (13.83%).

Về phần nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của khách hàng tăng 17% so với đầu năm, đạt gần 303,632 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác giảm 31% (21,799 tỷ đồng), phát hành giấy tờ có giá tăng 16% (31,034 tỷ đồng).

Một số chỉ tiêu tài chính của SHB tính đến 31/12/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của SHB

Tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2020 tăng 12% so với đầu năm, lên mức gần 5,255 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ, gấp 2.3 lần (1,082 tỷ đồng) nhưng nợ dưới tiêu chuẩn lại giảm 35% (697 tỷ đồng). Kết quả này kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1.91% xuống còn 1.72%.

Chất lượng nợ vay tại ngày 31/12/2020 của SHB. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của SHB

Hàn Đông

FILI