Kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong khi nhiều nước chật vật giữa đại dịch

Kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong khi nhiều nước chật vật giữa đại dịch

Xét theo nhiều khía cạnh, kinh tế Trung Quốc đã khép “năm Covid-19” mạnh mẽ hơn so với thời điểm đầu năm, thúc đẩy sự di chuyển của quốc gia này về trung tâm của nền kinh tế toàn cầu vốn được Mỹ thống trị lâu nay.

Trong khi Mỹ và châu Âu chờ đợi việc triển khai vắc-xin để đưa nền kinh tế của họ quay lại hoàn toàn đúng hướng, thì Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020, từ đó giúp nước này thu hẹp khoảng cách với Mỹ.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong bức tranh thương mại toàn cầu và đang củng cố vị trí là công xưởng sản xuất của thế giới, bất chấp những nỗ lực của Mỹ trong nhiều năm để thuyết phục các công ty chuyển đầu tư sang nơi khác. Thị trường tiêu dùng của Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trở thành động lực mang lại nguồn thu cho các công ty toàn cầu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã củng cố vị thế của mình là một  “tay chơi” lớn trên thị trường tài chính toàn cầu, với tỷ trọng đóng góp kỷ lục về các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và các đợt niêm yết lần hai trong năm 2020. Bên cạnh đó, dòng vốn lớn được rót vào cổ phiếu và trái phiếu cũng như các chỉ số chứng khoán – vốn có thành tích vượt xa các chỉ số Mỹ.

Kết quả là thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng hơn bao giờ hết. Đối với năm 2020, kinh tế Trung Quốc được dự báo chiếm 16.8% GDP toàn cầu, tăng từ mức14.2% hồi năm 2016, trước khi Mỹ và Trung Quốc bước vào cuộc chiến thương mại. Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ chiếm 22.2% GDP toàn cầu, không thay đổi nhiều so với mức 22.3% hồi năm 2016.

Mức tăng tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu năm 2020 (thêm 1.1 điểm phần trăm) là mức tăng lớn nhất trong một năm ít nhất kể từ thập niên 70. Ngày 18/01, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết GDP tăng trưởng 6.5% trong quý 4/2020 và nhờ đó, đất nước tỷ dân tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong cả năm 2020 với 2.3%.

Những thành quả đó là minh chứng cho sự thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến khống chế đại dịch Covid-19 và đưa các doanh nghiệp hoạt động mạnh mẽ trở lại. Các chương trình kích thích kinh tế của Trung Quốc tập trung chủ yếu vào việc khôi phục sản xuất tại các nhà máy và giúp các doanh nghiệp nhỏ tránh được tình trạng phá sản, trong khi chỉ dành một phần tương đối nhỏ hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng.

Chiến lược đó đã được đền đáp khi người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu mạnh tay và các nhà máy Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ. Điều đó giúp hỗ trợ thị trường việc làm Trung Quốc và chi tiêu tiêu tiêu dùng của chính quốc gia này trong suốt năm qua.

Trung tâm phân phối JD.com

Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ việc các công ty sản xuất nước ngoài khó có thể dịch chuyển đi nơi khác, ngay cả sau những đợt gián đoạn do đại dịch khiến nhiều nhà điều hành mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Cuộc khảo sát với hơn 1,100 tập đoàn toàn cầu hồi tháng 11 của HSBC Holdings PLC cho thấy 75% (bao gồm 70% các công ty Mỹ) dự kiến sẽ tăng tham gia chuỗi cung ứng của họ tại Trung Quốc trong hai năm tới.

Căng thẳng thương mại

Đối với phần còn lại trên thế giới, thành công của Trung Quốc là “con dao 2 lưỡi”. Nhu cầu của Trung Quốc là món quà trời cho đối với những doanh nghiệp bán hàng sang Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất hàng hóa, sản xuất ô tô và cả các công ty hàng xa xỉ - vốn có doanh số bán hàng bị sụt giảm ở những nơi khác.

Đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp nước ngoài có nguy bị đặt vào tình thế khó khăn khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rõ rằng họ muốn giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các công ty nước ngoài để nuôi dưỡng thêm nhiều tập đoàn của chính mình.

Tại Australia, gần 42% kim ngạch xuất khẩu của nước này được xuất sang Trung Quốc đại lục hồi tháng 10,  trước khi giảm xuống còn 37% vào tháng 11, theo Commonwealth Bank of Australia.

Trong khi việc Trung Quốc mua quặng sắt của Australia đã tác động tích cực đến nền kinh tế nước này, thì cũng có những lo lắng phát sinh – nhất là khi Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với nhập khẩu thịt bò, lúa mạch và rượu của Australia.

“Có phải chúng ta đã trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc? Câu trả lời rõ ràng là đúng vậy”, Saul Eslake, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Australia & New Zealand Banking Group cho biết.

Tại Mỹ, việc áp thuế quan của chính quyền Trump đối với Trung Quốc là nhằm để giải quyết sự mất cân đối toàn cầu và san bằng sân chơi giữa 2 nước.

Bất chấp hàng rào thuế quan từ Mỹ, năm 2020, Trung Quốc dự kiến ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất trong lịch sử, theo công ty nghiên cứu Capital Economics. Tuy nhiên, xét theo phần trăm GDP toàn cầu, thặng dư tài khoản của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn năm 2007 và 2008.

Khu ăn uống tại một trung tâm mua sắm tại Bắc Kinh.

Trung Quốc tiếp tục đối mặt với một số thách thức kinh tế lớn, bao gồm dân số già và tăng chi phí lao động, khiến sản xuất trở nên đắt đỏ hơn. Một đợt bùng phát nợ tín dụng gần đây của các doanh nghiệp nhà nước đã làm tăng thêm nỗi lo về nợ kéo dài và đà sản xuất có thể chậm lại trong năm nay.

Một số nhà kinh tế cho rằng mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc đã cản trở sự đổi mới của lĩnh vực tư nhân vốn có tiềm năng quan trọng đối với tương lai của Trung Quốc.

Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 xuất hiện, nền kinh tế Trung Quốc vẫn trụ vững, trong khi Mỹ vẫn còn chật vật đối phó với đại dịch.

Mỹ vẫn là nền kinh tế số 1 thế giới, với thị trường tiêu dùng lớn nhất, mức sống cao hơn nhiều và đồng tiền có tầm quan trọng hơn Nhân dân tệ của Trung Quốc. GDP của Mỹ lớn hơn 50% so với GDP Trung Quốc.

Dù vậy, Mỹ cũng đang phải đối mặt với căng thẳng chính trị cực độ. Năm nay, GDP Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 3% - 4%, nhưng nền kinh tế này khó có thể quay lại quy mô năm 2019 cho đến nửa cuối năm, theo dự báo của một số nhà kinh tế.

Theo ước tính của Morgan Stanley, Trung Quốc sẽ tăng trưởng tới 9% trong năm nay.

Tái khởi động nhà máy sản xuất

Trong nhiều năm, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng chi phí lao động gia tăng, nợ nần chồng chất và đà giảm năng suất lao động của Trung Quốc có thể khiến vị thế công xưởng sản xuất của thế giới của nước này bị lung lay. Chiến tranh thương mại và thuế quan cao hơn tiếp tục làm giảm lợi thế của Trung Quốc.

Thế nhưng tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc trong xuất khẩu hàng hóa toàn cầu vẫn đang tăng lên, đạt 15.4% trong tháng 11 (tháng gần đây nhất có công bố dữ liệu), so với 13.7% vào cuối năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát, theo Oxford Economics.

Đà tăng trên một phần là do Trung Quốc nhanh chóng chuyển hướng sang bán các thiết bị bảo hộ cá nhân, như khẩu trang và máy thở, với doanh số bán hàng đã tăng vọt trong thời gian đại dịch.

Bắc Kinh đã can thiệp mạnh mẽ để ngăn chặn Covid-19 và giúp giữ cho các nhà máy và doanh nghiệp hoạt động. Nhiều khu vực của đất nước bị phong tỏa và người dân bị cấm rời khỏi nhà trong thời gian dài, những động thái này có thể sẽ khó đối với các quốc gia có nhiều quyền tự do hơn.

Bắc Kinh cũng đã yêu cầu các ngân hàng quốc doanh ngừng thu hồi nợ đối với các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng đồng thời cung cấp tín dụng mới cho các công ty nhỏ với lãi suất rẻ hơn bình thường. Các quan chức địa phương yêu cầu chủ sở hữu nhà máy phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để đảm bảo hoạt động an toàn, bao gồm cả việc theo dõi sự kết nối của công nhân đến các vùng bị ảnh hưởng.

Nhiều chính quyền địa phương đã điều động xe buýt để đưa đón những công nhân nhập cư mắc kẹt tại các ngôi làng trở về các nhà máy sản xuất sau khi dịch bệnh lắng đi. Các nhà sản xuất lớn hơn, như Foxconn Technology Group, đã đưa ra mức thưởng cho công nhân lên tới 430 USD/người khi họ quay trở lại làm việc.

Theo một quan chức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đến đầu tháng 4, hơn 97% doanh nghiệp lớn hơn của Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Các công ty khác, bao gồm cả các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng, có đơn đặt hàng xuất khẩu mạnh hơn bình thường. Vào tháng 11, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần ba năm, đưa thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục 75 tỷ USD trong tháng.

Mở rộng thị trường tiêu dùng

Chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc đã tăng trở lại vào mùa thu. Theo công ty nghiên cứu Euromonitor International, thị trường hàng xa xỉ cá nhân của Trung Quốc được dự báo tăng 7.6% trong năm 2020, ngay cả khi thị trường toàn cầu giảm 20%.

“Trong khi những nơi khác trên thế giới ngừng chi tiêu, thì người Trung Quốc vẫn tiếp tục”, Fflur Roberts, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng xa xỉ của Euromonitor cho biết.

Trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ và châu Âu giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020, thì tại Trung Quốc đa phần đều ổn định, với FDI tính đến tháng 11 tăng tăng 6.3% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

Dòng tiền được rót vào Trung Quốc theo những cách khác, củng cố thêm cho mục tiêu dài hạn là xây dựng các trung tâm tài chính nội địa quan trọng. Theo dữ liệu từ Refinitiv, thị trường Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông, chiếm 43% công ty đại chúng trên thế giới vào năm ngoái.

Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của người nước ngoài tại Trung Quốc đạt kỷ lục 3.25 ngàn tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 503 tỷ USD, trong tháng 12, tăng 49% so với cùng kỳ, theo dữ liệu của Bond Connect.

Khai Tâm (Theo The Wall Street Journal)

FILI