IMF: Trung Quốc cần gấp rút kiểm soát rủi ro tài chính

IMF: Trung Quốc cần gấp rút kiểm soát rủi ro tài chính

Trung Quốc cần gấp rút thực thiện các động thái để kiểm soát rủi ro gây bất ổn tài chính khi đà hồi phục kinh tế tiếp diễn, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Các biện pháp cứu trợ kinh tế trong đại dịch Covid-19 “có nguy cơ gây mất cân bằng” và nên được giảm dần dần, IMF cho biết. Các khoản bù trừ ngày nghỉ lễ cho bên đi vay và nới lỏng quy định xử lý nợ xấu “có nguy cơ gia tăng rủi ro đạo đức và làm xói mòn những bước tiến gần đây trong cải thiện minh bạch và quản trị ngân hàng”.

Theo IMF, mức nợ tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhất là ở lĩnh vực tư nhân, trong khi chất lượng tín dụng có xu hướng tệ đi do quy định xử lý nợ xấu được nới lỏng. Áp lực tài chính lên các ngân hàng nhỏ và chính quyền một số địa phương có thể gia tăng. Cung với đó là nợ công tăng nhanh chóng, trong khi thu ngân sách chững lại.

IMF dự báo Trung Quốc tăng trưởng 7.9% năm nay sau đó giảm dần dần còn 5.2% vào năm 2025. Trung Quốc đặt ra mục tiêu tham vọng gấp đôi GDP vào năm 2035, đồng nghĩa tăng trưởng kinh tế khoảng 4.7 – 5% trong 15 năm tới.

Dù vậy, đà phục hồi kinh tế tại Trung Quốc không đồng đều, trong đó lĩnh vực tư nhân bị tụt lại so với tăng trưởng xuất khẩu và công nghiệp, IMF nhận định.

“Điều quan trọng là cần xem xét kỹ số liệu công bố. Điều chúng tôi thấy là tăng trưởng không cân bằng như chúng tôi tưởng”, Helge Berger, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại IMF, nói. “Tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, trong khi lượng tiêu thụ bị tụt lại phía sau”.

Chính sách tài khóa

IMF khuyến nghị Trung Quốc hướng chính sách tài khóa rời xa chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, đồng thời hướng đến hỗ trợ các hộ gia đình, củng cố mạng lưới an sinh xã hội.

“Thiết lập một mạng lưới an ninh xã hội đáng tin cậy và hiệu quả - trong đó chuyển hỗ trợ cho những hộ gia đình thu nhập thấp trong bối cảnh suy thoái kinh tế - sẽ hỗ trợ đà hồi phục rất nhiều”, IMF cho biết trong báo cáo. “Ngoài ra, điều này cũng giúp tăng trưởng bền vững hơn bằng cách giảm bớt tỷ lệ tiết kiệm cao của các hộ gia đình và giúp chuyển cán cân kinh tế theo hướng tiêu thụ tư nhân trong trung hạn”.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ nên được nới lỏng để thúc đẩy lạm phát trở lại một mức bền vững, tránh thắt chặt quá mức các điều kiện tài chính. Khuôn khổ giám sát và quản lý cũng cần được tăng cường để đề phòng rủi ro tiềm ẩn.

Nợ công Trung Quốc đã đạt 92% GDP, IMF cho biết và theo kịch bản cơ sở của quỹ, có thể chạm 113% vào năm 2025.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) gần đây thông báo sẽ chú ý hơn đến ngăn ngừa rủi ro và ổn định tỷ lệ nợ trong nền kinh tế năm 2021. Cơ quan này đang tìm cách tránh sự đột ngột khi điều chỉnh chính sách tiền tệ, đồng thời vẫn giữ đủ sự hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI