Giảm mạnh 63% chi phí dự phòng, SeABank báo lãi trước thuế năm 2020 tăng 24%

Giảm mạnh 63% chi phí dự phòng, SeABank báo lãi trước thuế năm 2020 tăng 24%

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2020 vừa công bố, nhờ cắt giảm mạnh 63% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, SSB) báo lãi trước thuế năm 2020 tăng 24% so với năm trước, đạt 1,729 tỷ đồng. Tổng nợ xấu giảm 11% so với đầu năm.

Trong quý 4, SeABank đánh mất chuỗi tăng trưởng của 3 quý đầu năm. Dù thu nhập lãi thuần tăng đến 53% so với cùng kỳ (977 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận từ một số hoạt động ngoài lãi giảm mạnh như hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư (-93%), hoạt động khác (-87%). Dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý cuối năm giảm mạnh 59%, còn hơn 809 tỷ đồng.

Dù SeABank đã giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro kỳ này đến 83%, còn gần 212 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước và sau thuế vẫn giảm 16%, ghi nhận gần 598 tỷ đồng và hơn 473 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2020, nguồn thu ngoài lãi của Ngân hàng vẫn sụt giảm so với năm trước trong khi thu nhập chính tăng trưởng không nhiều, dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 25%, còn hơn 2,406 tỷ đồng. Nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đến 63%, do đó lợi nhuận trước và sau thuế cả năm tăng 24%, ghi nhận gần 1,729 tỷ đồng và hơn 1,360 tỷ đồng.

So với kế hoạch 1,506 tỷ đồng lãi trước thuế cho cả năm 2020, SeABank đã vượt 15% chỉ tiêu.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2020 của SeABank. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của SeABank

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của SeABank đã tăng 14% so với đầu năm, ghi nhận hơn 180,207 tỷ đồng. Trong đó, cho vay các TCTD khác giảm mạnh 92% (100 tỷ đồng), các công cụ tài chính phái sinh và tài sản tài chính gấp 4 lần đầu năm (144 tỷ đồng). Cho vay khách hàng tăng 10%, ghi nhận 108,869 tỷ đồng, chủ yếu vẫn là cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước và nợ ở kỳ hạn ngắn vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của các TCTD khác tăng 19% so với đầu năm (25,388 tỷ đồng), tiền vay các TCTD khác tăng 68% (17,128 tỷ đồng) phát hành giấy tờ có giá giảm mạnh 55% (7,064 tỷ đồng), tiền gửi của khách hàng tăng 18% (113,276 tỷ đồng)…

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của SeABank giảm rõ rệt chỉ còn dương gần 120 tỷ đồng, trong khi năm trước dương đến 7,778 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng tiền chi trả cho nhân viên và hoạt động quản lý công vụ, tăng các khoản về kinh doanh chứng khoán…

Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 156 tỷ đồng, trong khi năm trước dương 96 tỷ đồng, do tăng các khoản mua sắm tài sản cố định, giảm tiền thu cổ tức và lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư, góp vốn dài hạn, giảm tiền thu từ đầu tư vào các đơn vị khác.

Một số chỉ tiêu tài chính của SeABank tính đến 31/12/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của SeABank

SeABank cũng nằm trong nhóm có cải thiện chất lượng nợ vay so với đầu năm khi tổng nợ xấu cuối năm đã giảm 11%, chỉ còn gần 2,021 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm 27%, nợ nghi ngờ giảm 50%. Dẫn đến, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm mạnh từ mức 2.31% xuống còn 1.86%.

Chất lượng nợ vay tại ngày 31/12/2020 của SeABank. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 của SeABank

Vừa mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) cũng đã chấp thuận niêm yết cho hơn 1.2 tỷ cp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với mã chứng khoán SSB. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết tương đương hơn 12,087 tỷ đồng.

Hàn Đông

FILI