MWG: Biên lãi gộp quý 3 đạt mức kỷ lục 22.4% nhờ Bách Hóa Xanh

MWG: Biên lãi gộp quý 3 đạt mức kỷ lục 22.4% nhờ Bách Hóa Xanh

Các ngành hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh đóng góp lớn vào con số biên lãi gộp kỷ lục của hãng bán lẻ đa ngành.

Quý 3/2020, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) đạt doanh thu thuần hợp nhất trên 25.7 ngàn tỷ đồng và lãi ròng gần 951 tỷ đồng, lần lượt tăng 1.2% và 11.2% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 86% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

MWG mở thêm 80 cửa hàng Điện Máy Xanh mới (tính cả Thế Giới Di Động chuyển đổi) và 127 cửa hàng Bách Hóa Xanh trong quý 3 vừa qua.

Cơ cấu doanh thu MWG theo chuỗi cửa hàng
Nguồn: MWG

Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực sức tiêu thụ của người dân, MWG đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy doanh số tại chuỗi Điện Máy Xanh (ĐMX) và Thế Giới Di Động (TGDĐ), bao gồm: Hoàn tất nâng cấp layout trưng bày khu gia dụng cho khoảng 300 cửa hàng ĐMX lớn; thử nghiệm mô hình ĐMX supermini; đẩy mạnh các ngành hàng đồng hồ, laptop,…

Đối với chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX), sau khi hoàn thành mục tiêu mở mới nhanh để tăng độ phủ trong 6 tháng đầu 2020, MWG đã điều chỉnh tốc độ mở mới và tập trung cải thiện doanh thu thông qua việc thử nghiệm mô hình BHX “5 tỷ” từ việc nâng cấp các cửa hàng có doanh thu cao. Tính đến cuối tháng 9, BHX có 35 cửa hàng “5 tỷ” (tại TP HCM, một số tỉnh lân cận) và hướng đến mục tiêu 100 cửa hàng trước cuối năm.

Biên lãi gộp 9 tháng 2020 của MWG ở mức 21.7%, cao hơn đáng kể so với mức 18.4% của cùng kỳ năm trước. Nếu chỉ tính riêng quý 3 năm nay, biên lãi gộp của ông lớn ngành bán lẻ lên đến 22.4% nhờ sự đóng góp đặc biệt của ngành hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh.

Tính riêng BHX, biên lợi nhuận gộp sau hủy hàng và mất mát quý 3/2020 duy trì ở mức 25%, tương đương quý 2/2019 và tăng đáng kể so với mức 20% của quý 3/2019. Kết quả này đến từ việc BHX cải thiện được các điều khoản thương mại với nhà cung cấp hàng FMCG nhờ lợi thế doanh thu ngày càng lớn, cùng với đó là sự cải thiện ở khâu mua hàng tươi sống.

Về mặt tài chính toàn tập đoàn, MWG có dòng tiền kinh doanh dương gần 10.5 ngàn tỷ đồng lũy kế 9 tháng đầu 2020, chủ yếu đến từ việc cắt giảm hàng tồn kho (tập trung vào các sản phẩm thiết bị điện tử, điện thoại di động) và giảm các khoản phải thu.

Nguồn: Thuyết minh BCTC hợp nhất quý 3/2020 của MWG

Lượng tiền thu về được hãng bán lẻ này đem gửi ngân hàng, mua trái phiếu và giảm một phần nợ vay ngắn hạn. Tính đến cuối quý 3/2020, MWG nắm giữ gần 13.2 ngàn tỷ đồng tiền, tiền gửi, trái phiếu ngắn hạn. Nợ vay ngắn hạn của Công ty giảm 1.15 ngàn tỷ đồng sau 9 tháng.

Thừa Vân

FILI