Lào trước nguy cơ vỡ nợ trái phiếu quốc tế

Lào trước nguy cơ vỡ nợ trái phiếu quốc tế

Theo các cơ quan xếp hạng tín nhiệm và các cố vấn kinh tế, Lào đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ quốc tế khi đại dịch Covid-19 cùng với khối nợ khổng lồ trong lĩnh vực năng lượng đang giáng đòn lên một trong những nước nghèo nhất châu Á.

Dự trữ ngoại hối của Lào đã giảm xuống dưới 1 tỷ USD, thấp hơn khoản thanh toán nợ hàng năm của Lào và các quan chức Bộ Tài chính nước này đã tìm tới Trung Quốc – chủ nợ lớn nhất – để xin lời khuyên về tái cấu trúc nợ, tờ Financial Times đưa tin.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, quốc gia châu Á gần nhất vỡ nợ quốc tế là Myanmar vào năm 2002. Tháng trước, Moody’s Investors Service (Moody’s) hạ bậc tín nhiệm nhà phát hành nợ của Lào từ B3 xuống Caa2 (chìm sâu trong phạm vi “trái phiếu rác”), đồng thời thay đổi triển vọng sang "tiêu cực". Moody’s cho biết Lào đối mặt với “căng thẳng thanh khoản trầm trọng khi xét tới khoản thanh toán nợ khá lớn sắp đến hạn trong năm nay và kéo dài đến tận năm 2025”.

Các chuyên viên phân tích cực kỳ lo ngại về các nguồn tài trợ thương mại mà Lào huy động trên thị trường trái phiếu ở Thái Lan. Đây là một thị trường mà Lào đã khai thác trong những năm gần đây, nhưng trong năm 2020, họ vẫn chưa huy động từ thị trường này.

“Sẽ rất khó để Lào tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế trong môi trường thế này và việc Lào vay nợ mới để trả nợ cũ ở thị trường trái phiếu Thái Lan dường như ngày càng khó khăn hơn”, Jeremy Zook, Giám đốc phụ trách xếp hạng tín nhiệm quốc gia châu Á tại Fitch Ratings, cho hay. “Chính phủ đã tìm tới ngân hàng thương mại và khoản tài trợ song phương để khỏa lấp khoảng trống”.

Fitch Ratings xếp hạng nợ của Lào ở mức B- và hạ triển vọng xuống "tiêu cực" trong tháng 5/2020.

Quốc gia này hiện cần phải trả nợ hơn 1 tỷ USD mỗi năm cho đến cuối năm 2024, nhưng dự trữ của họ chỉ ở mức 864 triệu USD tính tới tháng 6/2020. Toshiro Nishizawa, Giảng viên tại Trưởng Chính sách Công của Đại học Tokyo và cũng là một thành viên của ban cố vấn chính sách tài khóa tại Lào, lên tiếng cảnh báo về rủi ro xuất hiện tình trạng “khẩn cấp kinh tế toàn quốc” trong bối cảnh Covid-19.

“Rủi ro vỡ nợ trái phiếu quốc tế đang là mối đe dọa tiềm ẩn đến hoạt động tài chính của Lào, cùng với đó là những khó khăn đè nặng lên đôi vai của người dân nước này”, ông Nishizawa nhận định. “Khoản trả nợ nước ngoài quá lớn và gây áp lực lên khoản dự trữ ngoại hối ngày càng giảm trong bối cảnh Covid-19”.

Trước khi Covid-19 ập đến, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm và nhà ngoại giao phương Tây hiện đang gióng hồi chuông cảnh báo về mức nợ của Lào – vốn bị thổi phồng bởi những dự án thủy điện lớn và đầy tranh cãi ở trên sông Mekong và một dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc hậu thuẫn. Nguồn tin thân cận nói với FT rằng các quan chức tài chính Lào đã trao đổi với các nhà đồng cấp Trung Quốc về khả năng giảm nợ.

G20 – Trung Quốc là thành viên – có Sáng kiến tạm ngưng trả nợ cho các quốc gia nghèo có sự hậu thuẫn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng Lào không đăng ký tham gia vào sáng kiến này. Theo ước tính của Fitch Ratings, Chính phủ Lào đang nợ 12.6 tỷ USD, tương đương 65% GDP nước này. Bên cạnh khoản nợ quốc tế của Chính phủ Lào, Ėlectricité du Laos (EDL) – một công ty điện Nhà nước – đang nợ ở mức 8 tỷ USD.

Năm 2018, EDL đã ký thỏa thuận với Công ty Lưới Điện miền Nam Trung Quốc (CSPG) – do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát – để phát triển mạng lưới truyền tải điện tại Lào vì hiện tại nước này chưa thể truyền tải hết lượng điện tạo ra từ đập Mekong.

Như trong trường hợp các quốc gia châu Á đang phát triển khác có dự án cơ sở hạ tầng với Trung Quốc, các nhà tài trợ và nhà ngoại giao phương Tây đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ Lào có thể chịu ảnh hưởng lớn hơn của Trung Quốc nếu nước này không thể trả nợ cho các dự án liên doanh hoặc bị Bắc Kinh yêu cầu chuyển nợ thành cổ phần.

Sri Lanka đã phải nhượng quyền kiểm soát một cảng quan trọng cho một công ty Trung Quốc vào năm 2017, điều này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về “bẫy nợ” ở châu Á.

Vũ Hạo (Theo Financial Times)

FILI