FinCEN: HSBC giúp kẻ lừa đảo “rửa” hàng triệu USD

FinCEN: HSBC giúp kẻ lừa đảo “rửa” hàng triệu USD

HSBC cho phép những kẻ gian lận chuyển hàng triệu USD trên khắp thế giới.

Trong ngày Chủ nhật (20/09), HSBC bị Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) liệt vào danh sách ngân hàng “kiếm lời từ những thế lực nguy hiểm” trong vòng 2 thập kỷ qua.

Theo BBC, định chế tài chính lớn nhất nước Anh đã chuyển tiền mặt tới các tài khoản của HSBC ở Hồng Kông trong năm 2013 và 2014. Vai trò của HSBC trong vụ gian lận 80 triệu USD (tương đương 62 triệu Bảng) được tiết lộ chi tiết trong vụ rò rỉ tài liệu - "báo cáo hoạt động đáng ngờ" của các ngân hàng (SAR) - được gọi là Hồ sơ FinCEN.

Thông tin từ báo cáo SAR cho thấy vụ lừa đảo Ponzi bắt đầu ngay sau khi HSBC bị phạt 1.9 tỷ USD vì nạn rửa tiền tại Mỹ. Các luật sư đại diện cho những nạn nhân bị lừa đảo cho rằng HSBC lẽ ra phải hành động sớm hơn để ngăn chặn tài khoản của những kẻ lừa đảo.

Đáp lại những cáo buộc từ ICIJ, HSBC cho biết trong ngày thứ Hai (21/09) rằng “kể từ năm 2012, HSBC đã nâng cao khả năng chống tội phạm tài chính ở hơn 60 khu vực pháp lý. HSBC hiện có mức độ an toàn cao hơn nhiều so với năm 2012”.

Các tài liệu bị rò rỉ từ FinCEN bao gồm những thông tin quan trọng khác - chẳng hạn như gợi ý một trong những ngân hàng lớn nhất ở Mỹ có thể đã giúp một tên cướp khét tiếng chuyển hơn 1 tỷ USD.

HSBC có thể bị Trung Quốc thêm vào “danh sách thực thể không đáng tin”

Chưa hết, Ngân hàng lớn nhất châu Âu này còn có thể bị Trung Quốc thêm vào “danh sách thực thể không đáng tin” – những công ty có thể gây hại tới an ninh quốc gia, tờ Thời báo Toàn cầu đưa tin trong ngày thứ Bảy (19/09).

“Nếu HSBC bị Trung Quốc liệt vào danh sách công ty không đáng tin, nhà băng này sẽ đối mặt với hàng loạt khó khăn khi làm ăn tại Trung Quốc”, Banny Lam, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại CEB International Investment, cho biết qua điện thoại thông ngày thứ Hai (21/09). “Sau khi đầu tư quá nhiều tại Trung Quốc trong vài năm qua, giờ thì họ lại gặp vật cản mới và có thể gây cản trở quá trình mở rộng”.

Trung Quốc đặt HSBC vào tầm ngắm vì nhà băng này đã tham gia vào cuộc điều tra Huawei Technologies do Mỹ khởi xướng. Đối với các công ty có tên trong danh sách thực thể không đáng tin, các biện pháp trừng phạt bao gồm hạn chế về thương mại, đầu tư và thị thực.

HSBC từ chối nhận định về bài báo của Global Times.

HSBC đang đứng trước bờ vực khủng hoảng sau hàng loạt rắc rối trong năm vừa qua, cũng như bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế tại thị trường lớn nhất của họ - Hồng Kông. Ngoài ra, nhà băng này cũng đối mặt với những khó khăn trong môi trường lãi suất thấp và những khoản cho vay không thể thu hồi giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.

Tháng trước, Noel Quinn, Giám đốc điều hành của HSBC từ tháng 3/2020, cảnh báo về con đường gập ghềnh sắp tới. Trong 6 tháng đầu năm, HSBC ghi nhận lợi nhuận giảm 50%, đồng thời dự báo khoản nợ không thể thu hồi có khả năng lên tới 13 tỷ USD trong năm nay.

Trước áp lực từ nhiều phía, cổ phiếu HSBC ở Hồng Kông có lúc xuống mức 29.6 HKD/cp trong ngày thứ Hai (21/09), thấp nhất trong 25 năm. Từ đầu năm nay, cổ phiếu HSBC đã giảm 50%.

Vũ Hạo (Theo BBC, Bloomberg)

FILI