Gần 10,000 chiếc máy bay trên thế giới vẫn nằm ‘đắp chiếu’

Gần 10,000 chiếc máy bay trên thế giới vẫn nằm ‘đắp chiếu’

Gần 10,000 chiếc máy bay trên thế giới hiện vẫn nằm “đắp chiếu”, qua đó phản ánh phần nào tác động kinh khủng của đại dịch Covid-19 lên ngành hàng không.

Các sân bay tại Hồng Kông và Singapore nằm trong top 10 sân bay có lượng máy bay nằm “đắp chiếu” cao nhất thế giới, qua đó phản ánh phần nào tác động kinh khủng của đại dịch Covid-19 lên hai hãng hàng không Cathay Pacific và Singapore Airlines.

Theo bảng xếp hạng của công ty dữ liệu hàng không Cirium, Hồng Kông đứng thứ 6, trong khi Singapore xếp hạng thứ 9, với lần lượt 131 và 124 máy bay đang nằm không trong bãi đỗ, chờ ngày cất cánh trở lại.

Hai trung tâm máy bay châu Á này cũng là nơi cung cấp dịch vụ “nghĩa địa máy bay” dành cho các máy bay đã “nghỉ hưu” sau khoảng thời gian dài hoạt động.

Các sân bay khác cũng nằm trong danh sách top 10 này là Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta của Jakarta (đứng hạng 5 với 141 chiếc máy bay), Sân bay quốc tế Tucson ở Mỹ (hạng 7 với 128 chiếc) và Sân bay quốc tế O.R. Tambo của Johannesburg ở Nam Phi (hạng 6 với 128 chiếc).

Đứng đầu danh sách là Trung tâm Hàng không Quốc tế Roswell ở New Mexico với 374 chiếc máy bay nằm “đắp chiếu”. Sân bay Marana Pinal ở Arizona (285 chiếc) và Sân bay Victorville Southern California Logistics (219 chiếc) đứng hạng 2 và hạng 3. Tất cả ba sân bay này đều là những trung tâm lưu trữ máy bay nhờ khí hậu sa mạc khô nóng. Không gian đỗ máy bay hiện đang được trả giá cao khi hầu hết máy bay chở khách đều không thể bay trong bối cảnh đại dịch. Không khí nóng và ẩm ướt tại Hồng Kông và Singapore đều không phù hợp để lưu trữ máy bay lâu dài vì rủi ro các bộ phận máy bay bị ăn mòn.

Tuần trước, Cathay Pacific cho biết hãng sẽ chuyển 1/3 số máy bay của họ - khoảng 60 chiếc trong tổng số 200 chiếc - đến địa điểm lưu trữ lâu dài hơn, với lựa chọn ưu tiên hàng đầu là Alice Springs, Australia.

“Chúng tôi đã quyết định chuyển khoảng 1/3 đội tàu bay chở khách sang những địa điểm bên ngoài Hồng Kông trong vài tháng tới để phù hợp với các cân nhắc vận hành và quản lý tài sản thận trọng”, phát ngôn viên của Cathay Pacific nhận định.

Những chiếc máy bay này vẫn còn nằm “đắp chiếu” trong một khoảng thời gian chưa xác định.

Tại lúc thấp điểm kể từ khi đại dịch ập tới, Cathay Pacific lưu trữ 150 trong tổng số 240 chiếc trong tháng 3/2020. Trong số 220 chiếc máy bay của SIA Group thì có tới 119 chiếc đỗ tại quê nhà và 29 chiếc nằm “đắp chiếu” ở Alice Springs.

Dữ liệu từ Cirium cho thấy 35% trong tổng số 26,000 chiếc máy bay thương mại của thế giới đang nằm “đắp chiếu” tính tới ngày 31/07, cải thiện rất nhiều so với con số 62% trong tháng 4/2020.

Andrew Doyle, Giám đốc phụ trách hàng không vũ trụ và tài chính, cho biết số lượng máy bay của Cathay và SIA đang nằm “đắp chiếu” tại hai sân bay Hồng Kông và Singapore (Changi) sẽ giảm khi tìm thấy các không gian lưu trữ thích hợp.

Nhu cầu máy bay vẫn còn khá thấp khi xét tới đà phục hồi chậm chạp của du lịch hàng không, nhất là với các chuyến bay quốc tế đường dài.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) – cơ quan đại diện cho các hãng hàng không – điều chỉnh dự báo phục hồi trong ngày thứ Ba (28/07), cảnh báo sẽ cần tới năm 2024 để lưu lượng lưu thông hàng không toàn cầu trở lại mức trước đại dịch, dài hơn 1 năm so với dự báo trước đó.

“Nửa sau năm 2020 sẽ chứng kiến đà phục hồi chậm hơn chúng ta tưởng”, Brian Pearce, Chuyên gia kinh tế trưởng của IATA cho biết, đồng thời nhấn mạnh đến sự cấp thiết của việc Cathay và SIA dời máy bay sang những nơi lưu trữ lâu dài hơn.

* Vietnam Airlines dưới sức ép khổng lồ của nợ vay ngắn hạn

Vũ Hạo (Theo SCMP)

FILI