Sợ lỡ tàu, nhà đầu tư Hàn Quốc vay ký quỹ để đánh chứng

Sợ lỡ tàu, nhà đầu tư Hàn Quốc vay ký quỹ để đánh chứng

Nổi tiếng vì sự yêu thích rủi ro, nhà đầu tư nhỏ lẻ Hàn Quốc chuẩn bị rót lượng tiền vay kỷ lục vào thị trường chứng khoán trị giá 1.4 tỷ USD của nước nhà.

Lượng tiền gửi để giao dịch cổ phiếu tại các sàn chứng khoán nội địa đã tăng vọt lên 46 ngàn tỷ won (tương đương 38 tỷ USD) trong tháng 6/2020, cao kỷ lục, so với mức 31 ngàn tỷ Won trong tháng 3/2020, theo dữ liệu từ Hiệp hội đầu tư Tài chính Hàn Quốc (KFIA).

Trong lúc chỉ số Kospi gần như xóa sạch đà giảm năm 2020 nhờ hy vọng kinh tế phục hồi nhanh chóng, lượng vốn này nhanh chóng được đổ vào thị trường. Tổng số dư ký quỹ (margin) từ các trader cá nhân tăng lên 11.6 ngàn tỷ Won (tính tới ngày 10/06), cao nhất kể từ tháng 6/2018 – thời điểm số dư này chạm kỷ lục 12.6 ngàn tỷ Won, dữ liệu cho thấy.

Lượng thanh khoản dồi dào đến từ mức lãi suất thấp kỷ lục và gói kích thích ở Hàn Quốc đang thôi thúc các nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới) đổ vốn vào thị trường với tốc độ nhanh chưa từng thấy, Lee Hyo-Seok, Chuyên viên phân tích tại SK Securities, cho biết.

Ông Lee chia sẽ các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường yêu thích cổ phiếu y tế và cổ phiếu liên quan đến xe điện trong chỉ số Kosdaq – vốn là chỉ số công nghệ và đã tăng 10% trong năm 2020, vượt cả đà tăng mạnh của Nasdaq Composite.

Với chi phí vay nợ cao, nhà đầu tư thường sử dụng nhanh chóng khoản vay cho các giao dịch ngắn hạn, theo lời phát ngôn viên tại Hiệp hội Đầu tư Tài chính Hàn Quốc. Chẳng hạn, đối với mục đích giao dịch chứng khoán, Shinhan Investment tính lãi suất ở mức 3.9% cho khoản vay 7 ngày và 6.5% cho khoản vay 15 ngày, so với mức gần 2% mà các ngân hàng Hàn Quốc áp cho khoản vay 1 năm.

“Có nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) trong số những trader đánh nhanh rút gọn”, Kevin Jin, Chuyên viên phân tích lĩnh vực y tế tại Korea Investment & Securities, cho hay. “Họ không như các nhà đầu tư tổ chức - những người đầu tư dựa trên tính toán kỹ lưỡng. Trong một khoản thời gian tới, chứng khoán Hàn Quốc sẽ dịch chuyển bất chấp mức định giá hoặc mức chỉ số. Thay vào đó, chúng phản ứng với dòng thông tin nhiều hơn vì sức ảnh hưởng của các tay chơi F0”.

Tính từ đầu năm 2020, khối ngoại đã bán ròng 23.8 ngàn tỷ Won cổ phiếu trong chỉ số Kospi, trong khi nhà đầu tư tổ chức cũng bán ròng 6.7 ngàn tỷ Won. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước mua ròng 27.8 ngàn tỷ Won cổ phiếu, từ đó góp phần nâng đỡ cho thị trường.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đang cho thấy những dấu hiệu quá nhiệt giống như nhiều thị trường khác trên thế giới. Chỉ số Kospi có lúc giảm tới 4.2% trong ngày 12/06, trong khi Kosdaq sụt 4.5%. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) 14 ngày của Kospi giảm xuống dưới ngưỡng 70 lần đầu tiên trong 9 phiên.

Ông Lee cho biết một số chuyên gia lo ngại mức vay nợ cao có thể khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ bán tháo cổ phiếu khi bị call margin trong lúc cổ phiếu rớt mạnh. Việc gỡ bỏ lệnh cấm bán khống vào tháng 9/2020 cũng tạo ra thêm rủi ro cho thị trường. Các cơ quan điều hành đang xem xét liệu có nên gia hạn lệnh cấm bán khống hay không, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) Eun Sung-Soo cho biết tại cuộc họp báo ngày thứ Năm (11/06).

“Mọi người có thể bắt đầu lo ngại về đà giảm trước khi gỡ bỏ lệnh cấm”, ông Lee nói. “Thế nhưng, nếu bạn hỏi tôi là liệu nhà đầu tư F0 của Hàn Quốc có tiếp tục mua cổ phiếu nội địa hay không, tôi sẽ nói chắc chắn là vậy. Bong bóng này sẽ kéo dài trong ít nhất 2 năm”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI