Góc nhìn 30/06: Xấu càng thêm xấu?

Góc nhìn 30/06: Xấu càng thêm xấu?

Đa số các Công ty chứng khoán (CTCK) đều cho rằng thị trường đã diễn biến tiêu cực trong phiên 29/06 và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục giảm điểm vào phiên ngày mai (30/06). Hầu hết nhà đầu tư được khuyến nghị nên hạ tỷ trọng năm giữ cổ phiếu và đứng ngoài quan sát.

Tiếp tục giảm điểm

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ sáu tuần trước cũng như việc công bố tốc độ tăng GDP thấp kỷ lục trong quý 2 của Việt Nam vào sáng nay đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực dẫn đến bán tháo trong phiên đầu tuần (29/06).

Trên góc nhìn kỹ thuật, trạng thái hiện tại của VN-Index đã trở nên xấu hơn khi chỉ số xuyên thủng ngưỡng 840 điểm (fibonacci retracement 50%), theo đó hỗ trợ tiếp theo của chỉ số sẽ là quanh ngưỡng 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%).

Khối ngoại bán ròng trên hai sàn với khoảng 150 tỷ đồng là điểm tiêu cực trong bối cảnh đã không mấy sáng sủa. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 7 duy trì basis âm khá lớn 11.81 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ giảm trong thời gian tới.

Qua đó SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 30/06, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%) và ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%).

SHS khuyến nghị nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu có thể canh những nhịp hồi phục của VN-Index lên gần ngưỡng 840 điểm để hạ tỷ trọng. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt có thể giải ngân trở lại nếu VN-Index giảm về gần ngưỡng 800 điểm.

Kiểm tra vùng kháng cự 810 - 820

CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch thứ Hai (29/06), chỉ số VN-Index giao dịch theo chiều hướng tiêu cực, đóng cửa giảm gần 23 điểm, mức gần thấp nhất trong ngày.

Trong bối cảnh chứng khoán thế giới giảm mạnh do những lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ 2, tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 22.62 điểm (giảm 2.65%), đóng cửa ở mức 829.36 điểm. Thanh khoản HSX ở mức gần 390 triệu cổ phiếu (tăng 30%), giá trị gần 5,600 tỷ đồng (tăng 30%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (53 mã tăng/ 357 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 147 tỷ đồng trên HSX, tập trung chủ yếu vào VNM.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài, với giá đóng cửa nằm dưới đường trung bình động 50 ngày (MA50), là tín hiệu khá tiêu cực.

Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 810 - 820 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 790 - 800 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 830 - 840 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 850 - 860 điểm.

Aseansc cho rằng chứng khoán thế giới đang có những diễn biến khá khó lường, tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Do đó, Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, và xem xét giảm tỷ trọng ở những phiên phục hồi kỹ thuật. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 90% cash/ 10% stocks.

Hạn chế giao dịch

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Ngay từ đầu phiên 29/06, sắc đỏ đã bao trùm thị trường khi Dow Jones đã giảm điểm mạnh trong phiên cuối tuần trước. Tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 tại Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh lại đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hơn nữa, trong phiên sáng, tổng cục thống kê cũng tuyên bố tăng trưởng kinh tế quý 2/2020 chỉ đạt mức 0.36% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin này đã tiếp tục khiến thị trường giảm sâu hơn.

Mặc dù đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất của Việt Nam trong 10 năm, nhưng vẫn nằm ở mức cao khi nhiều quốc gia trên thế giới đã có tốc độ tăng trưởng âm từ quý 1/2020.

Dòng tiền đầu tư trong cả phiên giao dịch tiếp tục suy yếu khi chỉ có 1/19 ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại duy trì xu hướng bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX.

Thanh khoản tăng mạnh, biên độ nới rộng với độ rộng thị trường tiêu cực báo hiệu tâm lý bán tháo của thị trường dưới ảnh hưởng của các thông tin tiêu cực. Nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch và theo dõi diễn biến phức tạp của Covid-19 trước khi đưa ra quyết định đầu tư trong giai đoạn tới.

Tiếp tục giảm tỷ trọng

CTCK Đông Á (DASC): Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Âu - Mỹ trong phiên cuối tuần trước đã tác động đến tâm lý thị trường chứng khoán Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. VN-Index ngay sau khi mở cửa cũng đã giảm, mức giảm về dần cuối phiên càng lớn hơn, thị trường chìm trong sắc đỏ với thanh khoản khá thấp.

DASC cho rằng, chỉ số sẽ tiếp tục giảm để phản ánh với các thông tin về tình hình kinh tế kém khả quan, hồi phục chậm của các nền kinh tế toàn cầu, cũng như tăng trưởng 6 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ đạt 1.8%.

Thêm nữa, làn sóng dịch Covid thứ 2 có thể sẽ là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường. Chúng tôi cho rằng, chỉ số sẽ tiếp tục giảm về vùng 800 - 810 điểm, sau khi thủng mốc 830 trong phiên hôm nay.

Mặt khác, trong phiên tiếp theo 30/06, chỉ số có khả năng tăng lên mốc 840 sau phiên giảm sốc hôm nay, xu hướng chung vẫn sẽ là giảm để phản ánh các thông tin tiêu cực ở trên. Sóng hồi phục của VN-Index có thể vào nửa cuối tháng 7, khi các nước đẩy mạnh các gói cứu trợ kinh tế cũng như kiểm soát dịch.

Nhà đầu tư tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu, duy trì danh mục ở mức rủi ro thấp. Ngoài ra, có thể quan sát giải ngân ở mức thấp-trung bình để thăm dò ở những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đã giảm sâu trong phiên hôm nay (29/06), mức giảm không còn nhiều cho kịch bản VN-Index giảm về 800 - 810.

Như Xuân

FILI