Dân Mỹ giữ tiền cho những ‘ngày mưa’

Dân Mỹ giữ tiền cho những ‘ngày mưa’

Cũng giống như khủng hoảng năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bơm lượng tiền mặt kỷ lục vào hệ thống tài chính trong năm nay để ngăn chặn cú sụp kinh tế. Thế nhưng, không như năm 2008 – thời điểm dòng tiền chủ yếu đổ vào các tài khoản ngân hàng tại Fed, lần này dòng vốn chảy vào tài khoản của người dân Mỹ.

“Đó là sự khác biệt rất lớn”, Bloomberg nhận định.

Khi các ngân hàng gửi lượng dự trữ vượt trội tại Fed, lượng tiền đó không thể nào vực dậy nền kinh tế. Thế nhưng, khi gửi thẳng tới túi tiền của người dân – vốn xảy ra trong lần này, cú huých tiềm năng bỗng dưng trở nên rất rõ ràng.

Lượng tiền gửi tới người dân lớn đến đáng kinh ngạc. Trong 3 tháng kết thúc vào tháng 5/2020, phần cung tiền M1 tăng 26%. Con số này cao gấp 3 lần mức tăng ghi nhận trong 3 tháng cùng kỳ của năm 2008 và còn cao hơn mức tăng cả năm trong 60 năm qua.

Câu hỏi hiện tại là liệu người dân Mỹ có thực sự ra ngoài và chi tiêu lượng tiền đó ngay khi nền kinh tế mở cửa trở lại hay không.

Cũng có những chuyên gia – như Giáo sư tại Đại học Pennsylvania, Jeremy Siegel – dõng dạc trả lời “Yes” và dự báo có sự bùng nổ trong chi tiêu tiêu dùng vào những tháng tới. Điều đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong năm 2021.

Trong khi đó, những chuyên gia khác lo ngại điều ngược lại sẽ xảy ra. Vốn lo ngại về nạn thất nghiệp đầy rẫy giữa lúc đại dịch, người dân Mỹ sẽ chọn trữ tiền mặt để chi cho những “ngày mưa”. Do đó, đà hồi phục hiện tại chưa mạnh.

Các chuyên gia kinh tế với quan điểm người dân giữ tiền rõ ràng đang nhiều hơn so với những người theo quan điểm của Giáo sư Jeremy Siegel. Cho dù là trường hợp nào đi nữa, chỉ rõ một điều là: Ngoài lượng tiền mặt từ người dân, thì chẳng còn lý do nào quan trọng hơn để xác định nhịp độ phục hồi hiện tại của nước Mỹ.

Giữ tiền cho những 'ngày mưa'

“Nếu tỷ lệ tiền mặt tăng mạnh thì tăng trưởng sẽ bị kìm hãm”, Yelena Shulyatyeva tại Bloomberg Economics cho hay. “Mối lo ngại lớn nhất là người tiêu dùng chưa xài tiền trở lại”.

Trong vòng xoáy của thảm họa kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng, nghe có vẻ lạ khi người dân Mỹ có nhiều tiền mặt hơn cả những năm trước đó. Các cuộc suy thoái khiến dân chúng trở nên nghèo đi và hơn 40 triệu người Mỹ mất việc làm vì đại dịch Covid-19.

Thế nhưng, Chính phủ liên bang đã thực hiện những động thái để bù đắp những khoản thu nhập mất đi của người dân. Mặc dù Quốc hội thông qua gói hỗ trợ hơn 2.8 ngàn tỷ USD trong tháng 3/2020 – bao gồm gửi tiền trực tiếp cho người dân, nhưng Mỹ lại ra lệnh đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và các doanh nghiệp khác. Vậy thì người dân làm gì có khả năng tiêu tiền.

Tỷ lệ tiết kiệm tăng vọt

Trong tháng 4/2020, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ tăng lên 32.2%. Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, tỷ lệ này chưa bao giờ vượt 17.3% và chỉ cao hơn 10% một lần kể từ năm 1995. Những dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố trong ngày thứ Sáu (26/06) cho thấy tỷ lệ tiết kiệm vẫn ở mức cao 23.2% trong tháng 5/2020.

Hơn thế nữa, các công ty cũng  tận dụng lượng tiền tín dụng xoay vòng (revolving lines of credit) tới hơn 200 tỷ USD, theo Morgan Stanley. Các công ty khác thì tận dụng thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, một lượng tiền rất nhỏ từ các khoản tín dụng này chảy vào các dự án mới hoặc khoản đầu tư mới.

“Nếu bạn là một doanh nghiệp, liệu bạn có đầu tư tại thời điểm này hay chờ đợi và xem xét tình hình thế giới trong vài tháng tới?”, Neil Shearing, Trưởng bộ phận kinh tế tại Capital Economics, cho hay.

Dòng vốn trên đến từ gói nới lỏng tiền tệ của Fed nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19. Fed đã mua hơn 1.6 ngàn tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ kể từ đầu tháng 3/2020, tài trợ cho hơn 50% gói kích thích của Chính phủ. Chương trình cho vay khẩn cấp của Fed cũng giữ dòng tín dụng chảy vào các công ty, song cũng thường xuyên trấn an các ngân hàng truyền thống rằng thị trường vẫn có thanh khoản.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI