Nới lỏng thêm chính sách tiền tệ

Nới lỏng thêm chính sách tiền tệ

Trong Hội nghị với Thủ tướng diễn ra hôm 09/05, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sắp tới sẽ nới tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng, đồng thời có thể giảm thêm lãi suất điều hành, đảm bảo ngành ngân hàng cung ứng vốn đầy đủ cho nền kinh tế, với chi phí tối ưu nhất. Có thể thấy chính sách nới lỏng đang tiếp tục được thực thi với cường độ mạnh hơn.

Giảm lãi suất điều hành

Hiện thực hóa cam kết, NHNN ngay trong ngày 12/05 đã ban hành một loạt quyết định giảm lãi suất, đáng chú ý là không chỉ ở các loại lãi suất điều hành mà cả trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khuyến khích cũng được điều chỉnh giảm. Đây là lần giảm thứ 3 liên tiếp của nhà điều hành trong 9 tháng quá, cho thấy quyết liệt nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế giữa cơn bão Covid-19 và suy thoái đã đến gần.

Với lãi suất tái cấp vốn hiện chỉ còn 4.5%/năm, lãi suất tái chiếu khấu là 3.0%/năm, ở mức thấp nhất trong 15 năm qua, trong khi trần lãi suất tiền gửi và cho vay các lĩnh vực khuyến khích cũng giảm về mức thấp nhất kể từ khi ra đời, chi phí vốn của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm mạnh theo cùng xu hướng của thế giới, nhất là khi mặt bằng lãi suất trên nhiều thị trường cũng đã có đợt điều chỉnh đáng kể từ đầu năm đến nay.

KHÓA HỌC ONLINE

Phân tích định lượng

  • Khai giảng: 19/5/2020
  • Ưu đãi 50% ++

Hotline: 0908 16 98 98

>>Đăng ký ngay

Kể từ đầu tháng 5 đến nay, cũng đã có hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTW) trên khắp thế giới tiếp tục giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Như Malaysia ngày 05/5 đã quyết định hạ lãi suất chính sách qua đêm (OPR) thêm 0.5%, xuống chỉ còn 2%, đánh dấu lần cắt giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2009 đến nay. Đây cũng là lần cắt giảm thứ 3 trong năm nay của nước này, theo sau 2 đợt cắt giảm vào tháng 1 và tháng 3, với tổng mức giảm cả 3 lần là 1%.

Đến ngày 07/5, NHTW Na Uy gây ngạc nhiên cho giới kinh tế khi giảm lãi suất chuẩn thêm 0,25%, xuống mức 0%, đánh dấu lần giảm thứ 3 trong năm nay với tổng mức giảm lên đến 1,5%. Trong cùng ngày, NHTW Cộng Hòa Séc cũng quyết định giảm 0.75% lãi suất repo kỳ hạn 2 tuần xuống còn 0.25%, cũng là lần giảm thứ 3 trong năm với tổng mức giảm là 2%. Tiếp sau đó 1 ngày, Sri Lanka giảm cả lãi suất tiền gửi và cho vay thêm 0.5% xuống tương ứng 5.5% và 6.5%, ghi nhận lần giảm thứ 4 kể từ đầu năm đến nay.

Trước xu hướng nới lỏng chính sách và bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế của các NHTW khắp thế giới, Việt Nam có lẽ khó có thể đi ngược xu hướng này, khi mà rủi ro khủng hoảng và suy thoái đã được kích hoạt từ đầu năm nay bởi Covid-19, đại dịch vốn cũng đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp và một số quốc gia đang có nguy cơ rơi vào làn sóng lây lan lần thứ 2, sau khi đã nới lỏng các lệnh phong tỏa, cách ly và bước đầu vận hành nền kinh tế trở lại.

Việc giảm thêm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi của NHNN diễn ra sẽ giúp các ngân hàng thương mại tiếp cận vốn chính sách với chi phí rẻ hơn, tạo thêm điều kiện để thực thi các chương trình tín dụng ưu đãi và hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, trong khi trần lãi suất cho vay được giảm thêm 5% cũng giúp các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khuyến khích mặc định được tiết giảm chi phí tài chính, mà không cần phải chờ đợi các cơ chế hỗ trợ giảm lãi suất vốn mất khá nhiều thời gian đánh giá, xét duyệt từ phía ngân hàng.

Dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận kênh tái cấp vốn và tái chiết khấu vẫn chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, khi có quá ít ngân hàng tìm kiếm tài trợ ở đây hoặc do không đủ điều kiện để vay vốn, nên động thái giảm lãi suất điều hành từ trước đến nay vẫn được đánh giá mang tính định hướng và tâm lý là chủ yếu. Vì vậy, việc tăng cường dẫn xuất vốn qua 2 kênh này cần phải được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới, khi đó các nhà băng mới có thể tận dụng được nguồn vốn giá rẻ của 2 thị trường này.

Nới tăng trưởng tín dụng – Có quá sớm?

Trong khi đó, khả năng nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng có lẽ vẫn được đánh giá cao hơn, tuy nhiên đặt trong bối cảnh hiện nay dường như vẫn còn quá sớm. Tính đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ mới đạt 1.32%, thấp nhất trong nhiều năm qua và còn cách rất xa so với kế hoạch tăng trưởng 11-13% trong năm nay, trong đó hàng loạt nhà băng ghi nhận tăng trưởng tín dụng quý 1 đầu năm ở mức âm, hoặc nếu có tăng trưởng thì cũng chỉ ở mức khiêm tốn.

Tình hình hiện nay rất khác, khi nhu cầu vay vốn vẫn ở mức rất thấp, do các hoạt động kinh doanh sau giai đoạn chững lại vì các lệnh cách ly, cùng với chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh, cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Ngoài ra, trước triển vọng của nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm, việc vay vốn để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm này được đánh giá là khá mạo hiểm.

Còn nhớ vào tháng 6 năm trước, NHNN cũng đã quyết định điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho một loạt ngân hàng, nhờ đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vốn mới theo chuẩn Basel 2 trước thời hạn. Quyết định này đã giúp các nhà băng có nguồn vốn dồi dào, tăng trưởng tín dụng cao trong những tháng đầu năm, tiếp tục tăng tốc hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm, góp phần cho tăng trưởng tín dụng toàn ngành gần như hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay rất khác, khi nhu cầu vay vốn vẫn ở mức rất thấp, do các hoạt động kinh doanh sau giai đoạn chững lại vì các lệnh cách ly, cùng với chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh, cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Ngoài ra, trước triển vọng của nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm, việc vay vốn để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm này được đánh giá là khá mạo hiểm.

Nguồn vốn của các ngân hàng hiện nay cũng thôi mức độ dồi dào, trong khi việc tăng thêm vốn vào lúc này cũng muôn vàn khó khăn, ngoại trừ 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinbankBIDV đang đứng trước cơ hội sớm được cấp thêm vốn từ cổ đông nhà nước. Những ảnh hưởng và thiệt hại từ đại dịch lần này cũng khiến chất lượng các khoản vay của các nhà băng suy giảm, ảnh hưởng lên các chỉ tiêu an toàn vốn, nên việc mở rộng thêm hoạt động cho vay có thể gặp nhiều hạn chế.

Do đó, có lẽ NHNN sẽ chờ đợi thêm báo cáo tài chính bán niên của các ngân hàng công bố, để quyết định cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng nào hoàn thành tiến độ thực hiện khả quan so với kế hoạch đề ra, cũng như vẫn đảm bảo được nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh được mở rộng thêm trong tương lai.

Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh có lẽ có cơ hội nhiều hơn cả, không chỉ vì khả năng tăng vốn sắp thành hiện thực, mà còn do nhóm này thời gian qua buộc phải tiếp tục cho vay để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và các khách hàng nói riêng theo chỉ đạo của nhà điều hành, nên cần phải mở thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân có vẻ như vẫn e dè với việc đẩy mạnh rót vốn cho vay trong bối cảnh hiện nay.

Phan Thụy

FILI