Khởi đầu đầy gian nan của ngành ngân hàng

Khởi đầu đầy gian nan của ngành ngân hàng

Lợi nhuận “co cụm”, rủi ro tín dụng tăng cao là hậu quả mà đại dịch Covid-19 để lại không chỉ ở quý đầu tiên mà chắc chắn sẽ còn kéo dài đối với ngành ngân hàng trong năm nay.

Nguồn: BCTC quý 1/2020 của các ngân hàng

Trích lập dự phòng làm “tiêu hao” lợi nhuận ngân hàng

Tính đến ngày 28/04/2020, trong 21 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020, có đến 10 ngân hàng báo lãi trước thuế sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, SCB (-78%) là nhà băng có lợi nhuận trước thuế giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 22 tỷ đồng. Kế đó là Nam A Bank (NamABank, -53%) báo lãi trước thuế gần 143 tỷ đồng và SGB (-31%) lãi 48 tỷ đồng trước thuế.

Đa số các nhà băng báo giảm lãi trước thuế là do tăng mạnh trích lập dự phòng làm giảm lợi nhuận hoặc các hoạt động kinh doanh chính giảm lãi, kể cả hoạt động chính là cho vay.

SCB đã trích gần 654 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 30 lần cùng kỳ năm trước, do đó kéo lợi nhuận quý 1 sụt giảm.

Về phần Nam A Bank, tuy dư nợ cho vay tăng 5%, nhưng lãi từ hoạt động chính này lại giảm 29% khiến lợi nhuận quý đầu tiên giảm hơn phân nửa.

Tương tự, thu nhập lãi thuần giảm 5% trong khi chi phí hoạt động tăng 19% đã khiến lợi nhuận trước thuế của SGB giảm 31% so với cùng kỳ dù được hoàn nhập gần 7 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng.

Không tránh khỏi tác động từ đại dịch, cả hai ông lớn Vietcombank (VCB, -11%) và VietinBank (CTG, -6%) hay MB (MBB, -9%) cũng báo lợi nhuận đi lùi do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao.

Mua bán chứng khoán đầu tư thu lãi khủng

Điều đặc biệt trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng là hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại thu về mức lãi đột biến, có nhà băng còn tăng đáng kể tổng thu nhập nhờ nguồn thu này.

Nguồn: BCTC quý 1/2020 của các ngân hàng

Dù lãi vỏn vẹn 81 tỷ đồng, nhưng VietABank là ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất trong quý 1 năm nay, gấp 3.5 lần cùng kỳ năm trước nhờ thu nhập từ lãi tăng 35%, và mua bán chứng khoán đầu tư có lãi gấp 34 lần cùng kỳ, đạt gần 17 tỷ đồng cùng với trích lập dự phòng không đáng kể.

Khác với VietABank, tuy thu nhập lãi thuần giảm 4% song với hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư gấp 13 lần quý 1/2019, đã giúp cho Vietbank (VBB) thu về hơn 230 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 2.3 lần cùng kỳ năm 2019, xếp vị trí thứ 2 trong top ngân hàng có lãi tăng mạnh.

Sách“Vai trò của Quan hệ Nhà đầu tư (IR) trong việc Tối đa hoá Giá trị Doanh nghiệp”

  • Dành cho lãnh đạo, Ban IR, Ban quan hệ cổ đông
  • Miễn phí giao sách

Sách hay - Mua ngay

Vừa có thu nhập từ lãi (308 tỷ đồng), tăng mạnh 63%, vừa ghi nhận lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư (74 tỷ đồng) gấp 8 lần quý 1/2019 đã đưa VietCapitalBank đứng vị trí thứ 3 ngân hàng tăng lãi mạnh, đạt hơn 48 tỷ đồng (gấp 2.2 lần).

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2020, huy động và tín dụng tăng trưởng lần lượt là 0.51% và 0.68% so với đầu năm 2020, giảm mạnh so với mức 1.72% và 1.9% của cùng kỳ 2019. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá sơ bộ có 926 ngàn tỷ đồng dư nợ của 23 ngân hàng thương mại có khả năng quá hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiếm 11% tổng dư nợ.

Với các chỉ tiêu quan trọng đều tăng chậm hơn so với cùng kỳ, chứng tỏ các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh trước sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng.

Và hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát và còn diễn biến phức tạp khó lường, do đó, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra kế hoạch kinh doanh dè chừng, hoặc đưa ra 2 kịch bản tiêu cực và tích cực cho năm 2020. Nhiều chuyên gia dự báo, kết quả quý 1 mới chỉ phản ánh bước đầu  tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và ngành ngân hàng, kết quả quý 2 hoặc cả năm 2020 sẽ còn những điều bất ngờ ở phía trước.

Ái Minh

FILI