Dòng vốn từ xứ sở K-pop cuộn trào khắp thị trường chứng khoán Việt

Mọi dấu hiệu đều cho thấy dòng vốn Hàn sẽ dồi dào hơn nữa. Thị trường chứng khoán Việt Nam hồ hởi đón lấy chúng, như cách người hâm mộ chào đón những thần tượng K-pop trong mỗi dịp họ ghé thăm.

Tầm ảnh hưởng của dòng vốn Hàn ngày càng lớn tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong ảnh: Nhóm nhạc BLACKPINK, Hàn Quốc

Năm 2019, bất ngờ đã diễn ra trên Sàn GDCK TPHCM (HOSE) khi bộ đôi công ty chứng khoán (CTCK) Hàn góp mặt trong danh sách 10 nhà môi giới có thị phần lớn nhất. Đó là Mirae Asset (4.47%, hạng 6) và KIS (3.08%, hạng 10), trong khi chỉ một năm trước đó không đại diện nào góp mặt. Nếu chỉ tính riêng quý 4, một đại diện Hàn Quốc nữa là KBSV cũng lọt top 10 với 3.9% thị phần (KIS rơi khỏi top).

Cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực chứng khoán, khi thị phần môi giới của nhóm 10 công ty dẫn đầu HOSE đột ngột giảm từ mức hơn 70% xuống còn 63% trong năm 2019. Tầm ảnh hưởng gia tăng của người Hàn trong một môi trường như vậy càng khiến họ trở nên đáng chú ý.

Thị phần HOSE của top 10 công ty chứng khoán đang thu hẹp

Không chỉ HOSE, xu hướng tương tự cũng diễn ra tại HNX. Nguồn: Vietstock tổng hợp

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền

Thị trường chứng khoán Việt Nam chững lại kể từ đầu năm 2018. Điều này vô hình trung hạn chế việc làm ăn của những công ty chứng khoán nội, khiến họ chùn tay hơn trong hoạt động mở rộng. Trong khi đó, người Hàn từng bước xây dựng nền tảng để đón đầu sự khởi sắc của những năm tiếp theo.

CTCK Hàn hành động nhanh, mạnh và quyết liệt. Họ tăng vốn, thúc đẩy cho vay và miễn phí giao dịch trọn đời, việc chưa từng có tiền lệ tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngôi đầu thị phần môi giới vẫn còn xa nhưng Mirae Asset biết cách khiến mình được nhắc đến như một người dẫn đầu. Trong năm 2019, hãng này đón thêm dòng vốn từ công ty mẹ, nâng vốn điều lệ từ 4,300 tỷ đồng lên mức gần 5,460 tỷ đồng và chính thức trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Ông lớn SSI có câu trả lời ngay sau đó khi lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ xấp xỉ 5,100 tỷ đồng lên hơn 6,000 tỷ đồng, một hành động mang tính biểu tượng bởi nguồn vốn tăng thêm sẽ đến từ việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Ngoài Mirae Asset, các CTCK Hàn khác cũng sốt sắng trên mặt trận vốn. Nhóm 10 nhà môi giới có vốn điều lệ lớn nhất có sự góp mặt của 3 đại diện Hàn Quốc, gồm Mirae Asset, KBSV và KIS.

Công ty chứng khoán Hàn đồng loạt tăng vốn
Đvt: Tỷ đồng

Cuối năm 2017, hai định chế tài chính KB và NH từ Hàn Quốc thâu tóm lần lượt hai CTCK MSI (KBSV) và Woori CBV (NH). Hanwa thâu tóm HFT (Pinetree) vào năm 2019. Shinhan thâu tóm Chứng khoán An Nam (Shinhan) từ năm 2015. Riêng Mirae Asset và KIS đã bắt đầu hành trình tại Việt Nam lần lượt vào các năm 2008 và 2010. Nguồn: VietstockFinance

Những CTCK Hàn tại Việt Nam được hậu thuẫn bởi các tập đoàn mẹ là những định chế tài chính hàng đầu và được trang bị nguồn vốn rẻ từ Hàn Quốc càng khiến họ có quyền để bước vào cuộc chơi theo cách quyết liệt nhất có thể.

Tháng 7/2019, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (Bank of Korea - BoK) hạ lãi suất cơ bản xuống còn 1.5% từ mức 1.75% duy trì từ tháng 11/2018. Đây là lần hạ lãi suất cơ bản đầu tiên sau 3 năm tại quốc gia Đông Á này. Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau BoK tiếp tục hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa xuống còn 1.25%.

Với việc giảm lãi suất của BoK, dòng tiền rẻ sẽ không chỉ được bơm ra nền kinh tế Hàn Quốc mà còn chảy sang các quốc gia khác. Giữa bối cảnh xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á suy yếu và chịu áp lực giảm phát, xu hướng hạ lãi suất cơ bản được giới chuyên gia nhận định sẽ còn tiếp diễn trong năm 2020.

Lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc chạm đáy

Nguồn: Vietstock tổng hợp

Việc có hay không cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch ký quỹ tại thị trường Việt Nam từng làm dấy lên tranh cãi, luận điểm ở đây là “anh đến nước tôi đầu tư thì phải mang tiền theo chứ không thể vay tiền chúng tôi để làm ăn”. Người Hàn còn làm được nhiều hơn thế.

Mạnh vì gạo bạo vì tiền, CTCK Hàn đẩy mạnh cho vay ký quỹ. Trong năm 2019, Mirae Asset đã vượt qua nhà môi giới cổ phiếu số một Việt Nam là SSI, để vươn lên dẫn đầu trong hoạt động cho vay giao dịch chứng khoán. Hãng này cùng với KBSV là hai đơn vị có mức tăng trưởng số dư cho vay cao nhất, với các tỷ lệ lần lượt 93% và 84%.

Các khoản cho vay của công ty chứng khoán trong năm 2019
Chủ yếu là cho vay ký quỹ, phần nhỏ là cho vay tiền bán chứng khoán - Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Không những thế, người Hàn đến sau nhưng vẫn là người tiên phong. Pinetree, đơn vị được Hanwa chống lưng, vừa khởi động thương hiệu vào đầu tháng 12/2019 nhưng đã khiến thị trường phải chú ý. Họ chào hàng một chính sách miễn phí giao dịch trọn đời, trở thành nhà môi giới đầu tiên tại Việt Nam làm điều này. Chưa dừng lại, gói lãi suất margin chỉ 6.8%/năm cũng được tung ra, dù chỉ áp dụng trong khoảng 2 tháng nhưng cho thấy tiềm lực của tay chơi mới. Chuyến hành trình của Pinetree tất nhiên chỉ mới bắt đầu.

Nếu ai đó nói “chúng tôi sẽ cạnh tranh về dịch vụ chứ không phải về giá”, hãy nhìn cái cách mà CTCK VPS vươn lên với chiến lược miễn phí giao dịch. Đương nhiên, kéo khách và giữ khách là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, nhưng đến từ thị trường chứng khoán phát triển hơn so với Việt Nam hẳn người Hàn không hề yếu kém về dịch vụ.

Thị phần VPS bùng nổ với chiến lược phí giao dịch phái sinh bằng 0

Nguồn: Vietstock tổng hợp

Không chỉ là vốn rẻ

Gặp một người Việt bất kỳ trên phố và hỏi đâu là đất nước thân thiết nhất với Việt Nam hiện nay, câu trả lời nhiều khả năng sẽ là Hàn Quốc.

Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức vào tháng 05/2017 và ngay trong năm đó Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc được công bố. Từ năm 2020, chính sách này sẽ bước sang giai đoạn thứ hai. Hàn Quốc muốn mở rộng quan hệ với các nước ASEAN và Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất.

Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương Hàn Quốc và ASEAN là 160 tỷ USD, chỉ riêng với Việt Nam đã chiếm 40% trong số đó. Năm 2020 con số kể trên dự kiến tăng lên 200 tỷ USD và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng một nửa sẽ là với Việt Nam. Quốc gia hình chữ “S” nổi lên là nơi thu hút dòng vốn FDI của thế giới với 38 tỷ USD trong năm 2019. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu khi góp đến 7.9 tỷ USD, tương ứng 20.8%. Không chỉ về kinh tế, Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu của người dân Hàn Quốc tại ASEAN.

Tiền vào như nước… sông Hàn

Việt Nam như là cửa ngõ vào ASEAN của Hàn Quốc và dòng tiền từ xứ sở kim chi cũng theo đó tìm đến thị trường chứng khoán.

Dòng vốn ETF Hàn bắt đầu chảy mạnh vào Việt Nam từ giữa năm 2017, cũng là thời điểm mà lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc nằm ở mức đáy 1.25%. Tuy nhiên, thực tế là dù lãi suất cơ bản tại quốc gia Đông Á có tăng lên trong những năm sau đó, và kể cả khi nó đi kèm với thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam chững lại, thì vẫn không xảy ra động thái rút vốn tại ETF Hàn Quốc.

Tiền vào như nước sông Hàn
Đvt: Tỷ đồng

Chỉ khi KINDEX Vietnam VN30 được niêm yết tại Hàn Quốc thì dòng vốn tại VFMVN30 ETF mới khai thông. Nguồn: Bloomberg, SSI

KINDEX Vietnam VN30, thành lập giữa năm 2016, đang có tổng tài sản xấp xỉ 3,840 tỷ đồng (165 triệu USD) và được niêm yết tại Sở GDCK Hàn Quốc. Quỹ này sử dụng tài sản cơ sở là một ETF nội địa - VFMVN30. Nói không quá thì chính dòng vốn từ KINDEX đã góp phần khơi thông cho VFMVN30, khi tổng tài sản của KINDEX bằng đến 60% tài sản của VFMVN30.

Sự thành công của người đi trước khiến phần còn lại thèm khát. Giữa tháng 01/2020, Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đã bắt tay cùng Công ty Quản lý quỹ NH-Amundi để phát triển các sản phẩm dựa trên chỉ số VN30, VNX50 nhắm vào thị trường Hàn Quốc.

NH-Amundi là một đơn vị thuộc Tập đoàn Tài chính Nonghuyp, Hàn Quốc. Nonghuyp cũng là tập đoàn mẹ của NH Investment & Securities, đơn vị đã thâu tóm CTCK Woori CBV để lập nên Chứng khoán NH tại Việt Nam.

Trong năm 2020, thêm nhiều quỹ ETF mới dự kiến được ra mắt bởi nhiều định chế tài chính như VinaCapital, Bảo Việt Fund và cả Mirae Asset. Dòng vốn Hàn có thể là mục tiêu mà họ nhắm tới.

Nhưng dòng tiền từ các quỹ ETF sẽ trở nên thấp bé khi so sánh với hàng chục ngàn tỷ đồng mà giới đầu tư chủ động Hàn Quốc  điều hướng đến Việt Nam kể từ năm 2016.

Nghĩ về Hàn Quốc, ta dễ liên tưởng đến ánh đèn sân khấu và những bước nhảy sôi động của các nhóm nhạc K-Pop. Nhưng trong ngành công nghiệp quản lý tiền, họ kín bưng. Những nhà đầu tư sát sao có thể dễ dàng kể ra được những quỹ đầu tư quy mô lớn như PYN Elite nhận định gì, VinaCapital có chiến lược đầu tư ra sao, Dragon Capital ưa thích cổ phiếu nào,… nhưng về những đồng nghiệp Hàn Quốc thì lại đầy bí ẩn, dù rằng họ nằm trong số những cổ đông giàu có nhất chứng trường Việt.

5 quỹ Hàn Quốc quy mô tài sản 39,000 tỷ đồng nhắm vào cổ phiếu Việt
Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Thời điểm thành lập các quỹ kể trên cho thấy một điểm thú vị. Tất cả đều được khởi động vào năm 2016 (trừ Korea Investment Vietnam thành lập năm 2014), là khi mà lãi suất cơ bản Hàn Quốc chạm đáy. Kể từ tháng 10/2019, lãi suất cơ bản của nước này lại một lần nữa xuống mốc 1.25%.

Những nhà đầu tư chuyên nghiệp từ Hàn Quốc hiểu rằng bước lùi của cổ phiếu Việt trong gần 2 năm qua chỉ là ngắn hạn và vẫn duy trì khoản cược của mình. Điều này càng dễ dàng hơn khi họ nhìn về quê nhà.

Trong khi Việt Nam đang là một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh với các điều kiện vĩ mô tích cực có thể là bệ phóng cho thị trường chứng khoán, thì Hàn Quốc vẫn đang loay hoay với hàng loạt những thách thức. Niềm tin về tương lai thể hiện rõ tại thị trường chứng khoán. Kể từ năm 2012, hiệu suất sinh lời của chỉ số KOSPI (chỉ số chính tại Hàn Quốc) chưa từng vượt qua VN-Index trong bất kỳ năm đơn lẻ nào.

Thanh niên VN-Index hạ đo ván trung niên KOSPI

VN-Index ra đời năm 2000, trong khi KOSPI khởi đầu hành trình từ năm 1980. Nguồn: Vietstock tổng hợp

Quan hệ Việt - Hàn đang ở trong giai đoạn nồng ấm nhất lịch sử và dòng vốn từ xứ kim chi đang chảy khắp huyết mạch chứng khoán Việt Nam.

Việc một huấn luyện viên người Hàn - ông Park Hang-seo thành công cùng bóng đá Việt cũng tạo thêm phần may mắn về mặt hình ảnh dành cho các định chế tài chính Hàn Quốc. Họ dễ dàng gia tăng tầm ảnh hưởng và mua những tài sản trên thị trường mà không phải chịu những cái nhìn tiêu cực.

Trên khán đài mỗi trận bóng của đội tuyển Việt Nam trong năm qua đều có hai màu cờ, một của Việt Nam chúng ta và một của người bạn Hàn Quốc. Hình ảnh này sẽ còn được thấy trong tương lai. Và trên thị trường chứng khoán, một xu hướng tương tự cũng đã, đang và sẽ tiếp diễn.

Thừa Vân

FILI

Tin cùng chuyên mục