Đại hội bất thường bị hủy, bán vốn Nhà nước tại CC1 bao giờ mới ‘rộng cửa’?

Đại hội bất thường bị hủy, bán vốn Nhà nước tại CC1 bao giờ mới ‘rộng cửa’?

Việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại CC1 đã chậm kế hoạch hơn 2 năm.

Cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức ngày 20/12/2019 của Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UPCoM: CC1) đã bị hủy, theo Nghị quyết công bố ngày 16/12 của HĐQT Tổng Công ty.

Quyết định được đưa ra vì cổ đông lớn là Bộ Xây dựng (sở hữu 40.52% CC1) có ý kiến rằng chưa có cơ sở để thực hiện kỳ đại hội bất thường lần này. Phía Ban lãnh đạo CC1 không tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào khác.

Đáng lưu ý, cuộc họp vừa được thông báo hủy có những nội dung quan trọng liên quan đến việc HĐQT CC1 muốn trình cổ đông thông qua cơ chế sử dụng giá đất tạm tính để thực hiện công tác quyết toán bàn giao từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần và công tác thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước nắm giữ tại CC1.

CC1, có cổ phiếu giao dịch tại UPCoM từ tháng 7/2017, vốn là doanh nghiệp nằm trong danh sách Nhà nước thoái toàn bộ vốn trong năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong, chậm hơn 2 năm so với kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo phía CC1, một trong những lý do khiến công tác thoái vốn Nhà nước tại CC1 chậm là do Bộ Xây dựng đang mất nhiều thời gian hơn dự kiến trong việc lấy ý kiến các địa phương (TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa CC1 và giá đất tại thời điểm quyết toán bàn giao 31/10/2016. Những vấn đề liên quan đến đất đai được xác định là một trong những “nỗi đau” cần được tháo gỡ không chỉ với riêng CC1 mà với cả quá trình cổ phần hóa Nhà nước đang chững lại trong năm nay.

Theo tờ trình dự kiến xin ý kiến cổ đông tại cuộc họp bất thường đã bị hủy, Ban lãnh đạo CC1 mong muốn được cho phép (thông qua việc kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét) tiếp tục sử dụng giá trị cơ sở nhà đất (tạm tính) đã xác định giá trị doanh nghiệp vào thời điểm 01/07/2014 đưa vào phương án cổ phần hóa CC1 đã được Thủ tướng phê duyệt để làm cơ sở thực hiện:

Thứ nhất, công tác quyết toán và bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần tại thời điểm 31/10/2016.

Thứ hai, xác định và phê duyệt giá trị doanh nghiệp phục vụ công tác thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước đang nắm giữ tại CC1 tại thời điểm 31/12/2018 hoặc thời điểm khác do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Hiện, việc chậm thoái vốn Nhà nước đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu của CC1. Phía Tổng Công ty cho biết điều này tác động đến việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh như đã vạch ra trong Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa.

Thừa Vân

FILI