Vung tay quá trán, WeWork lỗ ròng 1.25 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ

Vung tay quá trán, WeWork lỗ ròng 1.25 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ

Kỳ lân "gãy sừng" WeWork ghi nhận lỗ ròng 1.25 tỷ USD trong quý 3/2019, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Quý 3/2019 cũng là khoảng thời gian WeWork vung tiền quá trán trước đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) – vốn không được thực hiện, một loạt các sự kiện đã khiến Công ty này trượt dài.

Doanh thu trong quý 3/2019 đạt 934 triệu USD, tăng từ mức 482 triệu USD của cùng kỳ năm trước, nhưng cũng không thể bắt kịp với đà thua lỗ, theo báo cáo tài chính được trình cho những trái chủ trong ngày thứ Tư (13/11). Nữ phát ngôn viên của We Co. – công ty mẹ của WeWork – từ chối nhận định về thông tin này.

Trong một lá thư điện tử gửi đến các nhân viên vào ngày thứ Tư (13/11), hai nhà đồng Giám đốc điều hành của WeWork, Artie Minson và Sebastian Gunningham, xem quý 3/2019 là “một chương đầy khó khăn” cho công ty và nói rằng họ đang phát triển một kế hoạch cung cấp lộ trình rõ ràng để sinh lãi trong tương lai. Kế hoạch này bao gồm bán tài sản và giảm việc làm, họ viết. Việc sa thải nhân viên đã bắt đầu từ trước và con số sa thải được dự báo lên đến hàng ngàn người.

WeWork lẽ ra lên kế hoạch huy động ít nhất 9 tỉ USD cho hoạt động kinh doanh dưới cả dạng cổ phiếu và nợ. Họ dành ra cả mùa hè để lấp đầy các không gian văn phòng với gần 115,000 chiếc bàn làm việc mới trong quý 3/2019, mức kỷ lục đối với WeWork, qua đó nâng tổng số bàn lên 719,000. Một phần là vì kế hoạch mở rộng này, tỷ lệ lấp đầy trong các văn phòng của WeWork giảm xuống 79%, từ 84% của cùng kỳ năm trước.

Mãi cho đến những tuần cuối cùng của quý 3/2019 – tức cuối tháng 9/2019, WeWork mới nhận ra kế hoạch huy động vốn của họ tồi tệ đến nhường nào. Nhà đầu tư cảm thấy bàng hoàng trước khoản lỗ nặng và tình trạng quản trị doanh nghiệp lỏng lẻo của công ty.

Trước áp lực từ các nhà đầu tư, Adam Neumann đã từ chức CEO vào cuối tháng 9/2019 và WeWork cũng rút lại bản cáo bạch IPO trong ngày cuối cùng của tháng 9/2019. Trong ngày hôm đó, WeWork còn 2 tỉ USD tiền mặt, theo tài liệu trên.

Tiền mặt bốc hơi nhanh chóng. WeWork dự kiến hết tiền vào tháng 11/2019 và cần tới gói tài trợ vốn khẩn cấp từ nhà đầu tư lớn nhất của họ – SoftBank – để tồn tại. Hồi cuối tháng 10, SoftBank tung một gói giải cứu trị giá 9,5 tỉ USD cho WeWork.

Từ đó, SoftBank chiếm lấy đa số quyền sở hữu công ty và đưa Marcelo Claure lên vị trí điều hành để giúp xoay chuyển tình thế.

Vào ngày 06/11, ông Masayoshi Son, CEO của SoftBank, đã lên tiếng thừa nhận hối tiếc về một số quyết định đầu tư thiếu đúng đắn, trong đó có cả WeWork. "Trong đánh giá của tôi có vấn đề. Đó là điều mà tôi phải xem xét lại", ông nói.

SoftBank đang tìm kiếm một vị CEO mới và John Legere của T-Mobile US là một trong những ứng cử viên.

SoftBank cho biết họ sẽ mua cổ phiếu từ nhân viên và các cổ đông khác ở mức giá chiết khấu, nhưng thỏa thuận đó vẫn chưa diễn ra, theo tài liệu tài chính trong ngày thứ Tư (13/11). Khi thỏa thuận này được thực hiện, SoftBank sẽ sở hữu 78% WeWork và gần 50% cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Nhân viên WeWork vẫn đang nắm nhiều cổ phiếu công ty. WeWork chi trả 220 triệu USD thù lao bằng cổ phiếu trong 3 quý đầu năm 2019, gần gấp 5 lần so với những gì họ chi ra trong cùng kỳ năm trước.

Dựa trên thành tích hoạt động của công ty trong tháng 9/2019, WeWork ước tính sẽ tạo ra 4.2 tỉ USD doanh thu trong 12 tháng kế tiếp, cao hơn so với mức 1.8 tỷ USD trong năm 2018. Nhưng WeWork có thể sẽ trở nên khác đi trong thời gian tới, khi công ty chuẩn bị sa thải nhân viên và tập trung trở lại vào cho thuê không gian văn phòng.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FILI