Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Các giao dịch lớn tại REE, AAM, GTS và T12

Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Các giao dịch lớn tại REE, AAM, GTS và T12

Trong tuần giao dịch vừa qua (11 - 15/11), Quỹ Platinum Victory chính thức nâng sở hữu tại REE lên trên 25%. Bên cạnh đó, biến động cổ đông lớn đã diễn ra tại GTST12.

Platinum Victory nâng sở hữu tại REE lên trên 25%

Ngày 13/11, Quỹ Platinum Victory Pte Ltd đã gom vào 12.6 triệu cp CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE), qua đó nâng sở hữu từ 24.90% lên thành 28.97%. Tỷ lệ thành công của giao dịch mua này đạt 40% (trên tổng số lượng cổ phiếu Quỹ này đăng ký mua trước đó). Được biết, Quỹ đầu tư này đã đăng ký gom vào cổ phiếu REE không ít lần, nhưng đều không thành công hoặc với tỷ lệ rất thấp.

Hiện, đây vẫn là cổ đông lớn nhất tại REE.

Quỹ không công bố phương thức giao dịch cụ thể. Theo số liệu thống kê của Vietstock, giá cổ phiếu bình quân của REE trong khoảng thời gian đăng ký giao dịch đạt 37,870 đồng/cp, ước tính Platinum Victory đã bỏ ra hơn 477 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ trên.

Trước đó, trả lời việc chào mua công khai của Platinum Victory, ban lãnh đạo của REE cho rằng, việc Platinum nắm giữ tỷ lệ sở hữu trên 25% tại REE sẽ tăng trách nhiệm của Quỹ cùng với các cổ đông lớn khác đóng góp nhân lực, tài lực, quản trị theo thông lệ tốt nhất nhằm xây dựng REE phát triển ổn định, bền vững…

AAM: Chủ tịch và bên liên quan nâng tỷ lệ sở hữu

Tại CTCP Thủy sản Mekong (HOSE: AAM), Chủ tịch HĐQT Lương Hoàng Mãnh đã mua vào 146,125 cp AAM, nâng sở hữu từ 36.89% lên thành 39.52%. Giao dịch của vị Chủ tịch này diễn ra từ ngày 08 - 14/11.

Bên cạnh đó, CTCP Vật liệu xây dựng Motilen Cần Thơ - đơn vị liên quan tới ông Mãnh - cũng gom vào thành công 150,463 cp AAM trong khoảng thời gian 06 - 11/11. Theo đó, Công ty này nâng sở hữu từ 3.95% lên thành 5.17% và trở thành cổ đông lớn tại AAM.

Ở chiều ngược lại, Thành viên BKS Nguyễn Văn Hằng đã thoái toàn bộ 3.75% vốn tại AAM tương ứng 463,463 cp trong khoảng thời gian từ ngày 04 - 08/11.

Tình hình kinh doanh của AAM hiện vẫn chưa thoát khỏi đà suy giảm chung của ngành thủy sản.

*Doanh nghiệp thủy sản làm ăn ra sao trong 9 tháng đầu năm?

Quý 3/2019, Công ty này lãi sau thuế 616 triệu đồng, giảm gần 75% so cùng kỳ, chủ yếu do gia tăng chi phí quản lý đến 41%, ở mức gần 2.5 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của AAM đạt 159 tỷ đồng, xấp xỉ thực hiện cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế lũy kế gần 7.5 tỷ đồng, đi lùi 18% so với cùng kỳ năm trước. Do đặt chỉ tiêu lãi trước thuế đi lùi 33% so với năm 2018, AAM ghi nhận đã vượt 15% kế hoạch lợi nhuận năm nay.

Biến động cổ đông lớn tại GTS

Trong khi đó, tại CTCP Công trình Giao thông Sài Gòn (UPCoM: GTS), Ủy viên HĐQT Lâm Tấn Kiệt đã mua thành công 834,000 cp GTS, nâng sở hữu từ 7.98% lên thành 10.9%. Một cổ đông lớn khác là ông Đặng Quốc Tuấn đồng thời gom vào 985,681 cp, nâng sở hữu tại GTS từ 15.12% lên thành 18.58%.

Ở chiều ngược lại, cũng trong ngày 13/11, CTCP Đầu tư Xây dựng B.M.T đã thoái toàn bộ gần 2 triệu cp tương đương 6.96% vốn, theo đó không còn là cổ đông của GTS.

Kết quả kinh doanh của GTS hầu như đi ngang trong 3 năm 2016 - 2018 và đến năm 2019 lại đang thể hiện sự sụt giảm.

Phía Công ty cho biết doanh thu hoạt động duy tu sửa chữa đường bộ, thi công công trình đi xuống so với quý 3 năm trước. Theo đó, doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 của GTS đạt 563 tỷ đồng, giảm 19% so cùng kỳ. Lãi ròng cũng đi lùi 16%, ở mức 20.5 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu GTS không có nhiều giao dịch với khối lượng giao dịch bình quân năm chỉ ở mức 402 đơn vị/phiên. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/11, giá cổ phiếu này dừng ở mức 11,500 đồng/cp.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội thoái sạch vốn tại T12

Ngày 06/11, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (UPCoM: HTM) đã bán ra hơn 7.2 triệu cp tương đương thoái hết 53.33% vốn tại CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (UPCoM: T12).

Bên mua khả năng có thể là ông Trần Trung Quân, bà Hoàng Thị Minh Phượng và bà Nguyễn Thị Phương Lan khi 3 cá nhân này thông báo vừa mua thành công lần lượt 2.8 triệu, 2.5 triệu và hơn 1.9 triệu cp T12 trong cùng ngày 06/11. Sau các giao dịch, 3 vị trên trở thành cổ đông lớn của T12 khi sở hữu lần lượt 20.74%, 18.52% và 14.08% về vốn.

Sau 9 tháng hoạt động đầu năm 2019, T12 lỗ thuần gần 657 triệu đồng do biên lãi gộp thu hẹp. Tuy vậy, nhờ có khoản lãi khác gần 1.4 tỷ đồng, Công ty thoát lỗ trong gang tấc và có lãi ròng hơn 656 triệu đồng, giảm 82% so với kết quả cùng kỳ năm trước.

Danh sách lãnh đạo công ty và người thân giao dịch từ ngày 11 - 15/11/2019
Danh sách lãnh đạo công ty và người thân đăng ký giao dịch từ ngày 11 - 15/11/2019

Duy Na

FILI