ĐHĐCĐ Mekophar: Nhà máy MKP BP sẽ đi vào hoạt động trong quý 3/2019

ĐHĐCĐ Mekophar: Nhà máy MKP BP sẽ đi vào hoạt động trong quý 3/2019

ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar (Mekophar, UPCoM: MKP) diễn ra sáng ngày 24/05 đã thông qua kế hoạch năm 2019, đồng thời thảo luận nhiều hơn về nhà máy MKP BP sẽ đưa vào hoạt trong động quý 3/2019.

Năm 2018 dù doanh thu chưa đạt nhưng lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra

Theo chia sẻ từ bà Huỳnh Thị Lan – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MKP, Công ty hầu như tham gia thầu rất ít trong năm 2018, tình hình giá thầu thấp chủ yếu tham gia thị trường ngoài bệnh viện, nhưng cũng phải cạnh tranh giá rất nhiều.

Tình hình xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn, giá nguyên liệu luôn biến động, tăng liên tục và không có xu hướng giảm, ảnh hưởng đến giá thành phẩm xuất khẩu nên doanh số xuất khẩu giảm mạnh.

Ngoài ra thì quy định mới trong việc nhập khẩu nguyên liệu thuộc diện cấm sử dụng trong ngành Dược đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, cụ thể như Metronidazole, Ofloxacin, Chloramphenicol... dùng để sản xuất thuốc xuất khẩu cho các khách hàng lâu năm.

Các khách hàng xuất khẩu lớn, khách hàng lâu năm cũng đối mặt những khó khăn trong kinh doanh, tài chính, quy định ở nước nhập khẩu, cạnh tranh trong kinh doanh về giá cả, chất lượng... dẫn đến sức mua giảm.

Về nhập khẩu, năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện theo Nghị Định 54 của Bộ Y tế, quy định mới về việc nhập khẩu nguyên liệu dược, nên còn rất nhiều khó khăn và vướng mắc cho doanh nghiệp, bên cạnh đó là thay đổi lớn về ngành dược ở Trung Quốc làm ảnh hưởng đến các công ty sản xuất nguyên liệu dược trên toàn cầu.

Tóm lại, MKP gặp phải khá nhiều khó khăn, doanh số xuất khẩu giảm nhiều, một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, Công ty mang về hơn 1,157 tỷ đồng doanh thu, thực hiện được 83% kế hoạch, lãi trước thuế thực hiện được hơn 128 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch nhưng giảm 13% so với năm 2017.

Riêng về ngân hàng tế bào gốc MEKOSTEM (MKS), doanh thu mà MPK mang về 78.9 tỷ đồng, vượt 5% với kế hoạch đề ra, ngoài ra Công ty đã triển khai hợp tác với một số bệnh viện mới như Hoàn Mỹ Đà Lạt, Xuyên Á (TPHCM) và Đa khoa Bình Định mở rộng, Phụ sản Hải Phòng,…

ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của MKP ngày 24/05.

Nhà máy MKP BP sẽ đi vào hoạt động trong quý 3/2019

Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 1,300 tỷ đồng, cao hơn 12% so với thực hiện năm 2018, còn lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, thấp hơn 14% so với năm trước.

Trong tháng 10/2018, nhà máy MKP BP đã hoàn thành, Công ty dự kiến nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản và thực hiện soạn thảo hồ sơ tài liệu, xin xét duyệt công nhận nhà máy MKP BP đạt GMP PIC/S, thực hiện sản xuất và xuất khẩu thành phẩm sang Nhật vào quý 3/2019.

Theo chia sẻ từ ông Satoshi Kawamura, thành viên HĐQT của Công ty và cũng là thành viên HĐQT của Công ty Nipro Pharma Corporation (đối tác chiến lược sở hữu gần 19% vốn MKP), khi nhà máy đi vào hoạt động, năm đầu tiên sẽ đạt doanh thu 100 triệu Yên, năm tới là 200 triệu Yên, tối đa sẽ là 500 triệu Yên.

Trước những thắc mắc mà cổ đông quan tâm về thời gian đạt được công suất tối đa thì vị Chủ tịch đáp có thể từ 2 đến 3 năm tới.

Ngoài ra, MKP dự kiến tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Mekophar, cụ thể, MKP sẽ đầu tư thêm 200 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ ở công ty con này từ 700 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng vì nhu cầu bổ sung một số máy móc thiết bị cho dây chuyền sản xuất và kiểm tra chất lượng. Cụ thể, việc nâng vốn này thực chất là đổ tiền vào nhà máy MKP BP, “tiền để dành bao nhiêu năm nay đã đi vào nhà máy”, bà Chủ tịch nói thêm.

Còn về tình hình nợ vay, bà Lan cho hay, Công ty rất cân nhắc trong việc đi vay vốn vì khi đi vay phải nghĩ đến đồng lãi để trả, khi cần thiết MKP sẽ đi vay, vay một cách có hiệu quả để không tạo ra gánh nặng cho người kế nhiệm cũng như không làm tổn hại đến cổ đông.

Về công tác phân phối cho sản phẩm, MKP sẽ mở rộng kênh bán hàng OTC, tiếp tục phát triển việc liên kết với các công ty tư nhân, các chuỗi nhà thuốc tại TP Hồ Chí Minh để tăng thị trường nội địa. Tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối đến các tỉnh thành trên cả nước, củng cố các thị trường khách hàng lâu năm, tạo thêm điều kiện cho khách hàng, tăng cường số đăng ký ở thị trường nước ngoài. Tiếp tục chào giá và gởi mẫu sản phẩm đi các nước để gia tăng thị trường xuất khẩu,...

Góp vốn 30% vào dự án nhà ở xã hội cho cán bộ nhân viên MKP

Tại Đại hội, MKP cũng trình phương án góp vốn hợp tác đầu tư dự án nhà ở xã hội. Nhà ở cho cán bộ nhân viên của Công ty tọa lạc tại 620 Kinh Dương Vương, Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Được biết, đơn vị tham gia hợp tác đầu tư là CTCP Đầu tư Bất động sản Happy House, đơn vị có khả năng tài chính và kinh nghiệm phát triển bất động sản và nhà ở xã hội.

Theo đó, MKP sẽ góp vốn 30%, tương ứng với 39 tỷ đồng, phần còn lại được góp từ Happy House, dự kiến dự án được thực hiện trong 33 tháng và được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2022.

Dự án nhà ở xã hội trong khu đất tại Bình Tân được liệt kê là đất quy hoạch, thế nên Công ty chỉ được phép làm nhà ở xã hội chứ không được làm nhà ở thương mại,… Nhà ở xã hội chỉ được cho những người nghèo, do vậy MKP mới đầu tư 30% để cho công nhân viên công ty có nơi ở. Hơn nữa, không có kinh nghiệm nên Công ty phụ thuộc hoàn toàn vào Happy House, bà Lan phân trần.

Sẽ lên sàn HOSE khi nhà máy đi vào hoạt động và ổn định

Về phương án chia cổ tức cho cổ đông, MKP dự kiến tỷ lệ là 15% (chiếm 28.8% lợi nhuận năm 2018 sau khi đã trích thưởng cho Ban lãnh đạo), tương ứng chi ra gần 29 tỷ đồng. Tại Đại hội, một số cổ đông đề nghị nên chia thêm cổ tức bằng cổ phiếu 30% để động viên cổ đông và tạo tính thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường, bà Lan cho biết hiện nay, MKP đang rất cần tiền mặt nhưng cũng đã cố gắng chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông 15%, còn cổ tức bằng cổ phiếu sẽ xem xét thêm trong những năm sau.

Kế hoạch dài hơi hơn là việc cần thiết để đưa cổ phiếu MKP niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), nhưng để niêm yết trên HOSE thì Công ty phải đợi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, chắc chắn MKP sẽ niêm yết nhưng sẽ lên sàn vào thời điểm thích hợp.

Minh Nhật

FILI