Vượt đỉnh sau 11 năm, nhưng thị trường nay đã khác!

Vượt đỉnh sau 11 năm, nhưng thị trường nay đã khác!

Quá nhiều bất ngờ, lần lượt vượt  đỉnh 7 năm rồi 10 năm và đến nay lịch sử đã chính thức được tái lập sau hơn 11 năm chờ đợi. VN-Index bước lên một nấc thang mới, phá vỡ mức đỉnh 1,179.32 điểm được tạo ra vào năm 2007.

Hơn một thập kỷ trở về trước, trong khi thị trường chứng khoán ở châu Âu và châu Á sụt giảm thì tại Việt Nam, nhà đầu tư vẫn đang “say” trong thời hoàng kim của thị trường. Mức tăng trưởng tính bằng lần chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí không có gì ngạc nhiên nếu “nay mua, mai lãi lớn”. Ngày 12/03/2007, một kỷ lục mới chính thức được xác lập khi VN-Index kết phiên đạt 1,170.67 điểm, thậm chí có thời điểm trong ngày đã vươn tới mốc 1,179.32 điểm. Tuy nhiên, đây lại là nguồn cơn của những sợ hãi và hoảng loạn về sau.

Đà tăng trưởng không thực chất như một quả bong bóng phình to, sớm hay muộn thì cũng sẽ nổ. TTCK Việt Nam ngay sau khi làm nên lịch sử vào tháng 3/2007 đã nhanh chóng bị hạ “knock-out” dưới sự ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. VN-Index giảm sâu và mất 80% giá trị chỉ 2 năm sau khi đạt đỉnh.

Trải qua nhiều thăng trầm và lịch sử đã chính thức được tái lập sau hơn 11 năm chờ đợi. Mở cửa phiên giao dịch 22/03/2018, VN-Index đã phá vỡ vũng đỉnh cũ của năm 2007, chạm mức cao nhất tại 1,180.14 điểm. Câu chuyện vượt đỉnh thời gian gần đây đã được nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng không giống 11 năm trước, nội tại thị trường hiện nay đang được ủng hộ từ các yếu tố cơ bản tốt.

Cùng đang ở đỉnh cao lịch sử, nhưng thị trường nay đã khác xưa; cả về quy mô, thanh khoản, số lượng doanh nghiệp niêm yết,... Quy mô thị trường hiện đã lớn hơn rất nhiều, vốn hóa đạt khoảng 140 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với năm 2017.

Cảnh “đìu hiu” vì mất thanh khoản, “trắng bên mua” cũng không còn lặp lại. Thanh khoản thị trường hiện tại dù giảm sút cũng đạt khoảng 7,000-8,000 tỷ đồng/phiên, có phiên lên tới 10,000-12,000 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu niêm yết cũng đã tăng từ 170 mã lên 740 mã, chưa tính các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Bên cạnh đó, dù VN-Index đang trong đà tăng thì dòng tiền thị trường vào thị trường đã có sự chọn lọc hơn, phân hóa rõ ràng giữa các nhóm ngành và giữa các cổ phiếu. Nếu như ở ngày tạo đỉnh trong năm 2007, có đến 75% cổ phiếu tăng điểm thì số cổ phiếu tăng điểm vào ngày lịch sử được lặp lại 11 năm sau chỉ đạt 36%, khá cân bằng với số cổ phiếu giảm điểm.

Theo bà Lê Thu Hà, Trưởng nhóm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường CTCK Vietcombank (VCBS), các yếu tố vĩ mô hiện tại vẫn đang hỗ trợ khá tốt cho tăng trưởng chung của thị trường. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1 sẽ cải thiện so với cùng kỳ (dự báo ở mức 5.6-5.7%). CPI tăng mạnh trong tháng 2 chủ yếu vì tác động của yếu tố thời vụ do đó chưa tạo áp lực lớn. Các chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất vẫn được duy trì ổn định. Song song đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh định hướng cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Sau 5 thương vụ IPO lớn trong 2 tháng đầu năm, quá trình niêm yết và tìm nhà đầu tư chiến lược tiếp tục được đẩy nhanh.

Kịch bản thị trường tiếp tục tăng điểm cũng được khá nhiều các công ty chứng khoán đồng tình trong thời gian này. CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm và sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 1,182-1,187 điểm trong các phiên tới. Tích cực hơn, chỉ số có thể hướng đến vùng kháng cự mạnh 1,200-1,220 điểm trong ngắn hạn. Còn CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lại nhận định, nếu VN-Index đóng cửa vượt trên đỉnh lịch sử sau hơn 11 năm chờ đợi thì có thể xác nhận bước vào một xu hướng uptrend mới, chứ không chỉ đơn thuần là hồi phục về đỉnh cũ như giai đoạn trước đó.

Thu Phong

FILI