Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông

Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông

Gia đình tôi, ba đời là nông dân. Ở nông thôn, nhà nghèo, ít ruộng nên phải tìm thêm nghề phụ để làm, có đồng ra đồng vào đắp đổi qua ngày. Ngoài nghề đóng cối xay, cha tôi còn có thêm nghề đi đơm tôm cá ban đêm. Trước đó, ông nội tôi cũng làm nghề này, nhưng khi tôi lớn lên thì ông đã già, không còn theo nghề cực nhọc khuya sớm này. Đối với nghề đơm tôm cá, công cụ quá đơn giản, quan trọng là lắng nghe thời tiết, đúc kết kinh nghiệm để đi đơm có hiệu quả. Các câu tục ngữ về thời tiết liên quan đến nghề, cha tôi đều nằm lòng: “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”; “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”; “Chớp ngả Cồn Tiên, mưa liền gặp trộ”; “Mù được cá, giá được tôm”.

Nghề đan đó.

Ngoài những lúc bận công việc đồng áng, đóng cối xay, còn lại thời gian quanh năm, hầu như cha tôi đều đi đơm, cả mùa hè gió nóng lẫn mùa đông giá rét. Dụng cụ đi đơm gồm có: đó, đụt mợng, róc. Các dụng cụ bằng tre này đều do cha tôi tự tay làm. Những lúc nông nhàn cha tôi vác rựa chặt tre trong vườn, là những cây tre không non quá mà cũng không già quá. Loại tre này cứng và dẻo dai. Cha cưa cắt đoạn, chẻ ra, chuốt thành những thanh nhỏ, rồi dùng mây bện thành đụt mợng để đơm tôm tép và cá con (cá mại, cá bống, lòng tong); đó để đơm cá to; rộc để đơm cá hẻn (cá trê) và cá dét (chạch). Khi đan, tùy dụng cụ mà cha dùng dây cước hay dây mây để bện các thanh tre, đan thành vật có khối hình ống (đụt, đó) hay khối hình chóp, túm đầu mỏng tanh về một mối (mợng, tôi). Các dụng cụ này, khi làm xong được bỏ lên giàn bếp, sau khoảng hai tháng hun khói chúng trở nên dẻo dai vô cùng.

Cha tôi nói, nghề đi đơm tôm cá vào ban đêm nên kinh nghiệm ông cha đúc kết phải luôn ghi nhớ: “Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông”. Đơm trộ to, trộ nhỏ, đơm con gì thì cứ theo đó mà làm. Mùa hè, gió Lào thổi rần rật như chạy trên mái tôn. Gió to, trời nắng phải lo nước cho cây lúa nhưng đối với người đi đơm thì gió to róc nước, tôm cá sẽ “đi” nhiều. Quả như vậy. Những đêm gió nam thổi mạnh, có đêm cha tôi đi đổ đơm đến hai, ba lần. Tôm, tép, cá con “đi” đầy cả đụt, tràn ra mợng. Có bữa, đang đêm cha thức chị gái dậy, đi theo cha để gánh tôm cá về.

Nghề đi đơm, “đọc vị” thời tiết là quan trọng nhất, nhưng để đơm hiệu quả, có nhiều tôm cá thì còn biết tìm đúng vị trí để trổ nước, đặt đụt mợng, róc hay đó. Với thêm nghề chăn vịt nên cha tôi suốt ngày ở ngoài đồng, nhắm kỹ vị trí nào sẽ đơm được tôm cá. Cứ chiều tối, cha mang dụng cụ đi đơm ra đồng và đến khuya gần sáng, lúc gà gáy canh hai thì đi đổ đơm. Đêm nào đơm cũng được cá, tôm, nhưng tép luôn nhiều hơn, ít thì vài lạng còn nhiều thì được năm, bảy cân là chuyện thường. Tầm tháng mười âm lịch, lúc gió bấc về với cái lạnh tái tê thì cũng là lúc đơm được nhiều tôm cá. “Trời mưa trời gió/ Vác đó đi đơm” (Đồng dao). Mưa gió lại đơm được nhiều cá: cá rô, cá diếc, cá thát lát, cá tràu (cá lóc), cá hẻn, cá dét… Những mớ tôm tươi búng nhảy tanh tách. Lại có những chú đam (cua đồng) chắc mải vui rong chơi theo con nước nên đã chui tọt vào mợng. Có nhiều nhất là tép, những con tép còn tươi tròn múp, đem xào ăn vừa ngọt vừa thơm hay phơi khô, đem rang rồi trộn với nước mắm chanh tỏi ăn cũng bắt lắm. Tép còn nấu canh bầu, canh khoai lang ăn mát đến tận ruột gan. Còn cá thì chia ra, thứ nấu canh bầu chua, thứ để kho, thứ làm mắm, thứ đem phơi khô. Lúc đơm được nhiều cá, tôm tép thì sáng sớm đó mẹ tôi hoặc chị đầu gánh đi bán ở chợ Sòng, chợ Đông Hà. Nghề đơm tôm cá tuy phải thức khuya dậy sớm, chịu mưa gió rét buốt nhưng có được thức ăn cho cả nhà, có thêm đồng tiền mua sắm các thứ.

Mỗi buổi sáng, sau khi đổ đơm về, nhìn thúng tôm, tép đầy ụ, cá giãy đành đạch trong thau, cha tôi vui cười hể hả. Công việc làm cá là việc của mẹ tôi, còn chị lớn thì gánh tôm cá đi bán ở chợ. Cha tôi bắt sẵn một con ếch béo múp ở trong oi ra, lột da và làm thịt. Thường ngày công việc bếp núc là của mẹ, cha không động tay vào. Chỉ những món ăn cha ưa thích thì cha mới “ra tay”. Ếch bỏ tất cả da, lòng ruột, chỉ còn mỗi thịt. Cha tôi vằm nhuyễn thịt ếch trên thớt, vằm cả xương cùng với các gia vị ớt tươi, ném, tiêu xanh, trộn với nước mắm; sau đó thịt ếch được gói vào ba lần lá chuối tươi rồi vùi dưới tro nóng của bếp lửa. Khi lớp lá chuối ngoài đã cháy hết, bén vào lớp bên trong thì gói thịt ếch nướng bọc lá chuối được đem ra. Vừa bóc hết lá chuối, mùi thịt ếch nướng bay khắp nhà, thơm ngào ngạt với mùi tiêu ném và thịt ếch thơm phức. Lấy một chai la-de rượu trắng ra, cha tôi ngồi trên băng ghế nhâm nhi rượu với thịt ếch nướng. Khi nhà hết rượu, cha thường sai tôi ra quán O Lại mua lữa (mua chịu). Món thịt ếch nướng này phải nhắm với rượu. Có lẽ, đó là những giờ phút thư giãn, an nhiên hiếm hoi của một người bận rộn như cha. Tôi và mấy đứa em cứ kiếm chuyện chạy lăng xăng xung quanh cha. Cha mỉm cười, lâu lâu lại véo một miếng thịt ếch cho đứa này, đứa kia. Món thịt ếch nướng bọc trong lá chuối, nướng vùi chín dưới than tro do cha tự tay làm sao ngon quá đỗi, thịt quá ngọt thơm, ăn phải nhai từng chút, không muốn nuốt; quyến luyến đến bây giờ.

Năm 1976, cha tôi qua đời. Thời điểm đó ruộng đất cũng đưa vào hợp tác xã. Nghề đơm tôm cá ban đêm cũng dần biến mất. Đối với tôi, nghề đơm tôm cá truyền thống của gia đình còn lưu mãi trong ký ức, như mãi còn đây những ngày còn cha mẹ và tám anh chị em bên nhau, sống thanh đạm mà chan hòa yêu thương.

Nhà văn Nguyễn Linh Giang - Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh

FILI