Thị trường smartphone Việt Nam có quý 1 tệ nhất trong lịch sử

Thị trường smartphone Việt Nam có quý 1 tệ nhất trong lịch sử

Trong quý 1/2023, thị trường điện thoại thông minh của Việt Nam giảm 30% so với cùng kỳ, theo công ty nghiên cứu Counterpoint Research. Đây là quý 1 tệ nhất trong lịch sử của ngành.

Theo Counterpoint Research, thị trường smartphone bị tác động trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. GDP Việt Nam chỉ tăng 3.3% trong quý 1/2023, một trong những số liệu thấp nhất trong vài năm gần đây. Khoản đầu tư FDI chảy vào Việt Nam cũng suy giảm.

Trong bối cảnh điều kiện kinh doanh thách thức, các nhà bán lẻ buộc phải lùi kế hoạch mở rộng và đánh giá lại chiến lược kinh doanh. Các cửa hàng bán lẻ giảm giờ làm cũng như giảm lương. Ngoài ra, lượng khách đến cửa hàng cũng khá thấp sau dịp Tết Nguyên đán.

Lúc đầu, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) dự báo sai nhu cầu, dẫn tới tình trạng hàng tồn kho rất cao. Sau đó, khi nhận ra nhu cầu thực tế khá yếu, họ lại đổ xô bán giảm giá để xả hàng tồn kho. Tất cả các hãng điện thoại đều giảm về doanh số trong quý 1/2023, ngoại trừ Apple.

Glen Cardoza, Chuyên viên phân tích cấp cao tại Counterpoint Research, cho hay: “Tình hình nhu cầu về điện thoại thông minh ở Việt Nam khó hồi phục trong quý 2/2023 và sẽ cần thời gian khi kinh tế vẫn còn nhiều thách thức. Việt Nam – một trong những quốc gia xuất khẩu điện thoại thông minh hàng đầu trên toàn cầu – cũng cần nền kinh tế toàn cầu phải ổn định trở lại. Khi tình hình bắt đầu cải thiện vào cuối năm 2023, thị trường có thể hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, nhất là ở phân khúc giá thấp”.

Samsung vẫn dẫn đầu, nhưng Apple mới là cái tên tạo nên bất ngờ

Samsung là thương hiệu đứng đầu trong quý 1/2023, với 30% thị phần. Tuy nhiên, doanh số của ông lớn Hàn Quốc giảm 32% so với cùng kỳ. Samsung xếp hạng cao nhất vì có danh mục sản phẩm ở nhiều phân khúc và có giá cạnh trạnh. Chiếc Galaxy A04 là mẫu điện thoại hàng đầu trong phân khúc giá dưới 200 USD và rất phổ biến tại thị trường Việt Nam. Trong phân khúc giá 200-400 USD, Samsung cũng chiếm 7 trong 10 vị trí hàng đầu trong, dẫn đầu là Galaxy A14 5G.

Đây là hai phân khúc giá được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam trong quý 1/2023 và chiếm 71% tổng doanh số. Việc phân khúc giá thấp vẫn chiếm ưu thế và xu hướng ưa chuộng thương hiệu toàn cầu thay vì thương hiệu Trung Quốc đã giúp Samsung xây chắc vị thế dẫn đầu.

Trong khi đó, Apple leo lên vị trí thứ 3 trong quý 1/2023. Đầu quý, nhu cầu về iPhone 14 Pro khá cao ở Việt Nam, nhưng sau đó dần dần hạ nhiệt. Apple sau đó hạ giá bán iPhone để kích thích nhu cầu và giảm bớt hàng tồn kho ở các kênh.

Trong quý 1, giá iPhone 14 Pro Max bị giảm trung bình 12% so với mức giá lúc ra mắt. Nhờ giảm giá, doanh số iPhone của Apple tăng 12% so với cùng kỳ. Điều này cũng giúp điện thoại phân khúc giá trên 600 USD chiếm 24% tổng doanh số trong quý 1/2023, cao hơn mức 17% của cùng kỳ.

Trong khi đó, hai thương hiệu Trung Quốc Xiaomi và vivo đối mặt với nhiều khó khăn trong quý 1, với doanh số giảm tương ứng 46% và 52% so với cùng kỳ. Hai thương hiệu này đều mất thị phần trong quý 1.

Thị phần từ bán online cũng giảm xuống 15% trong quý 1/2023, từ mức 17% trong quý 4/2022, Điều này là do việc giảm bớt hoạt động quảng bá trên kênh trực tuyến.

Với việc các chuỗi bán lẻ offline chiết khấu và các đợt giảm giá với các thiết bị cao cấp, các nền tảng thương mại điện tử đã phải vật lộn để thu hút khách hàng.

Thời gian phục hồi sẽ bị kéo dài

“Việt Nam là một trong những thị trường bị tác động mạnh nhất vì nhu cầu tiêu dùng thấp và hàng tồn kho quá nhiều ở thị trường Đông Nam Á. Kết quả là thời gian phục hồi của thị trường Việt Nam cũng có thể kéo dài lâu hơn. Thị trường điện thoại thông minh Việt Nam dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2023”, chuyên gia Glen Cardoza đánh giá.

“Một khi Chính phủ Việt Nam bắt đầu thương mại hóa 5G, các cơ hội mới sẽ xuất hiện ở Việt Nam từ góc độ sản xuất và đầu tư và sẽ là một trong những động lực chính cho sự phục hồi kinh tế của đất nước”, ông nói thêm.

Vũ Hạo

FILI